Ngân hàng thương mại nhà nước chờ tăng vốn

26/10/2019 20:17 GMT+7

Việc BIDV chi cổ tức bằng tiền mặt xem ra khá bất ngờ trong hành trình các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) kiến nghị tăng vốn điều lệ qua hình thức phát hành cổ phiếu .

BIDV sẽ chi cổ tức khoảng 4.774 tỉ đồng

Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa đưa ra Nghị quyết trả cổ tức năm 2017 và 2018 bằng tiền mặt. Cụ thể cổ tức năm 2017 bằng 7%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận 700 đồng), năm 2018 nhận cổ tức 7%. Tổng tỷ lệ cổ tức 2 năm là 14% (1 cổ phiếu nhận 1.400 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là 8.11 và ngày nhận cổ tức là 12.12. Thông tin này đã được gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Như vậy, với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường 3,41 tỉ cổ phiếu, BIDV sẽ chi khoảng 4.774 tỉ đồng để chia cổ tức đợt này. Do tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà nước nắm giữ 95,28% nên cổ đông nhà nước sẽ thu về khoảng 4.550 tỉ đồng cổ tức từ BIDV.
Thông tin chia cổ tức bằng tiền mặt của BIDV khá bất ngờ trong bối cảnh các ngân hàng nhà nước đang xin tăng vốn điều lệ qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu để đáp ứng các tỷ lệ an toàn, đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II.
Thế nhưng thông tin chia cổ tức bằng tiền mặt được BIDV đưa ra trước khi nhà đầu tư nước ngoài KEB Hana Bank (Hàn Quốc) chính thức trở thành cổ đông nắm giữ 15% cổ phần của nhà băng này. Trước đó, BIDV chào bán hơn 603 triệu cổ phần cho KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/cổ phiếu, thu về khoảng 20.300 tỉ đồng. Năm 2019, ngân hàng đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 10.300 tỉ đồng, tăng khoảng 9,5% so với năm 2018. Tổng huy động, dư nợ tín dụng tăng lần lượt 11% và 12%. Tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%. Tỷ lệ trả cổ tức không thấp hơn mức thực hiện năm 2018.

NHNN kiến nghị tăng vốn điều lệ cho các NHTMNN

BIDV là một trong 4 ngân hàng có tỷ lệ nhà nước nắm khá cao. Theo NHNN, các ngân hàng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (NHTMNN) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Đến cuối tháng 8.2019, vốn điều lệ của 4 NHTMNN (Agribank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV) đạt 139.000 tỉ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; tổng tài sản đạt 5,081 triệu tỉ đồng, tăng 5,29% so với cuối năm 2018, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường 1 đạt 3,652 triệu tỉ đồng, chiếm 47,9% toàn hệ thống. Tuy nhiên, việc mở rộng tín dụng của các NHTMNN bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và Vietinbank. Tăng trưởng tín dụng có thể làm tăng tài sản rủi ro trong điều kiện vốn điều lệ chậm tăng trưởng có thể dẫn đến vi phạm quy định an toàn vốn.
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo chuẩn mực vốn Basel I bình quân của 4 NHTMNN đã sát mức tối thiểu theo quy định và thấp hơn so với mức bình quân chung của hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước. Để tăng cường năng lực tài chính cho các NHTMNN, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn, đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II (phương pháp tiêu chuẩn), NHNN đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xử lý vấn đề tăng vốn cho các NHTMNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung chỉ đạo Agribank và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về các quy định pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank và đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất việc xử lý tài chính đặc thù liên quan đến cổ phần hóa Agribank.
Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã có kiến nghị cho các NHTMNN tăng vốn để tăng nguồn cung vốn cho nền kinh tế, bởi khối này cho vay chiếm gần 50% tổng dư nợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.