Ngân hàng trung ương châu Âu 'quan ngại sâu sắc' tiền mã hóa

14/07/2022 10:04 GMT+7

Gần đây, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) công bố một loạt nghiên cứu về tiền mã hóa và các loại tài sản số liên quan, đa phần là chỉ ra những điểm tiêu cực.

Động thái này diễn ra sau khi các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất thông qua dự luật 'Các thị trường trong ngành tài sản tiền mã hóa' (dự luật MiCA) vào ngày 1.7.


EU chính thức thông qua luật về tài sản tiền mã hóa

Tiền mã hóa đã trở thành một vấn đề nóng đối với EU trong 2 năm vừa qua, khi khối này vừa trải qua 2 năm ròng rã tranh cãi để rồi thống nhất thông qua MiCa. Thậm chí, điều luật cấm cơ chế đồng thuận công việc (Proof-of-Work, PoW) đã được lôi ra "bàn lui bàn tới" liên tục. Qua tháng 5.2022, EU tuyên bố ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn đối với stablecoin trên quy mô lớn, sau sự kiện sụp đổ của LUNA/UST.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù các nhà lập pháp đã thống nhất thông qua MiCa, ECB vẫn tiếp tục dè chừng với crypto khi tiếp tục công bố những nghiên cứu sâu rộng về rủi ro cụ thể đối với toàn bộ thị trường tiền mã hóa. EU là khu vực được kỳ vọng sẽ không quá khắt khe với crypto, thế nhưng có vẻ như bây giờ vẫn chưa phải là lúc để khẳng định điều đó.

Các vấn đề ECB quan ngại

Patrick Hassen, một chuyên gia tư vấn về crypto tại EU cho biết ECB vừa đăng tải 3 bài nghiên cứu, nhắm đến 3 vấn đề: rủi ro khí hậu từ crypto, DeFi và stablecoin.

Về vấn đề tác hại đến khí hậu, ECB phân vân giữa việc khuyến khích các phiên bản tiền mã hoá thân thiện với môi trường, hoặc cấm hẳn các đồng coin khai thác từ những hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch. Hay nói cách khác, ECB đang muốn hướng đến cơ chế đồng thuận cổ phần (Proof-of-Stake, PoS) và bài trừ cơ chế PoW, nhưng chưa rõ là nên gắt gao ở mức độ như thế nào.

Đối với lĩnh vực DeFi, ECB cho rằng hầu hết các giao thức DeFi hiện nay vẫn mang tính chất tập trung, hay nói cách khác thì "phi tập trung" chỉ là cái mác mà thôi. Để bảo vệ lập luận này, ECB đã lấy ví dụ cụ thể là Uniswap - nền tảng phi tập trung với số địa chỉ chủ sở hữu là các nhà đầu tư nội bộ và cá voi kiểm soát UNI chỉ chiếm 1% nhưng số token sở hữu đang nắm giữ lại lên đến khoảng 97%. Như vậy, ECB quan ngại rằng crypto vẫn là một môi trường gánh chịu sự thao túng nặng nề.

Về stablecoin, đại diện được ECB nhắc đến đầu tiên không ai khác ngoài TerraUSD (UST). Quay trở lại thời điểm sụp đổ chóng vánh của bộ đôi LUNA/UST, EU đã thẳng thừng ủng hộ công khai việc cấm stablecoin trên quy mô lớn. Theo ECB, xây dựng khung pháp lý để quản lý các loại hình tiền mã hóa "ổn định" là điều cần làm khẩn cấp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.