Ngân hàng xét quản lý rủi ro môi trường khi cho khách hàng vay

12/09/2021 15:30 GMT+7

Ngân hàng Nhà nước mới đây đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt TCTD).

TCTD tổ chức đánh giá, sử dụng kết quả đánh giá rủi ro môi trường của dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng để thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD. Quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng là việc phân loại, nhận dạng, đo lường rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và việc theo dõi, kiểm soát, đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế rủi ro phát sinh.
TCTD thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, trừ các hình thức cấp tín dụng, khoản cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn dưới hình thức chiết khấu; bao thanh toán; bảo lãnh ngân hàng; cho thuê tài chính; thẻ tín dụng. Đồng thời việc xét đánh giá quản lý rủi ro môi trường không áp dụng đối với các khoản vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng; khoản cho vay đối với các dự án đầu tư, phương án kinh doanh thuộc các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, lưu thông hàng hóa không phát thải chất thải, khí thải theo quy định tại luật Bảo vệ môi trường; các khoản đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ công tác quản lý của khách hàng vay vốn…
Thông tư này dự kiến có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2022. Đối với các hợp đồng cho vay ký kết trước ngày Thông tư có hiệu lực thi hành, TCTD tiếp tục thực hiện các quy định về quản lý rủi ro hiện hành và hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường của TCTD tại thời điểm cấp tín dụng hoặc thỏa thuận với khách hàng để cung cấp thông tin phục vụ quản lý rủi ro môi trường theo quy định tại Thông tư này. Chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các TCTD phải ban hành Quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng và gửi về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.