Ngăn lái xe say rượu

14/02/2019 09:03 GMT+7

Một học sinh ở Quảng Nam đã nghiên cứu thiết bị kiểm soát nồng độ cồn có tính năng khá đặc biệt: khi người lái xe có nồng độ cồn vượt mức cho phép, xe sẽ... không nổ máy.

Sản phẩm khá hữu ích khi hằng ngày có quá nhiều tin xấu về tai nạn do bia rượu.
Sản phẩm thông minh này của Nguyễn Văn Sỹ (lớp 12, trường THPT Phan Châu Trinh, H.Tiên Phước, Quảng Nam) đã đoạt giải nhì tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018, hồi năm em đang học lớp 11. Sỹ sớm đăng ký tham gia cuộc thi khi trường phát động. “Nhiều lần chứng kiến những vụ tai nạn giao thông do người điều khiển sử dụng bia rượu, em quyết định tìm hiểu và vận dụng kiến thức đã học để “chế” ra một thiết bị có thể kiểm soát được nồng độ cồn”, Sỹ nói.
Màn hình thể hiện thông số đo nồng độ cồn ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Màn hình thể hiện thông số đo nồng độ cồn ẢNH: MẠNH CƯỜNG

An toàn cho nhiều người

Ý tưởng là vậy, song để triển khai thành một sản phẩm hoàn chỉnh là không phải chuyện dễ. Nhất là với nguyên vật liệu, ở địa bàn Quảng Nam không có nên em phải đặt hàng từ TP.HCM. Sỹ mất hơn 6 tháng để có được sản phẩm kể từ khi nảy sinh ý tưởng, tốn kém chừng 1 triệu đồng. Đó là thiết bị gồm các linh kiện: vi xử lý chính Arduino Mega, cảm biến đo nồng độ cồn MQ3, màn hình LCD, giao tiếp I2C, module relay 2 kênh, thiết bị định vị… Ngoài ra, Sỹ cũng biết cách tận dụng một số linh kiện thiết bị có sẵn như điện thoại Nokia, pin, dây điện, đèn hộp mica, keo, dây buộc...
Thiết bị của Sỹ có chức năng giúp người lái xe biết được nồng độ cồn trong hơi thở và máu như thế nào, từ đó kịp thời chủ động trong việc tham gia giao thông an toàn. Thiết bị chỉ cho phép khởi động xe sau khi đã kiểm tra nồng độ cồn qua khí thở, thậm chí cảnh báo nguy hiểm khi nồng độ cồn quá cao và tự động liên lạc cho người thân. Ngoài ra, thiết bị còn định vị vị trí của người say rượu bia thông qua tin nhắn hay Google maps để người thân dễ dàng xác định.
“Thiết bị này nếu áp dụng vào cuộc sống thì rất thiết thực, nó có thể kiểm soát bản thân khi đã sử dụng rượu bia, góp phần vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông”, Sỹ nói.
Giải thích kỹ hơn về nguyên lý hoạt động, Sỹ cho biết đầu tiên người lái xe phải thổi vào một ống gắn ở đầu xe máy để đo nồng độ cồn. Cảm biến MQ3 sẽ nhận biết có nồng độ cồn đi vào, rồi xuất tín hiệu ra cho Arduino xử lý. Nếu nồng độ cồn vượt ngưỡng mức cho phép (0,2mg/l khí thở) thì Arduino sẽ gửi tín hiệu tới module relay để đóng dây nguồn của IC xe máy. Sau đó, LCD hiển thị nồng độ cồn lên màn hình và hiện dòng chữ cảnh báo “Không an toàn”.
Lúc đó, động cơ xe máy cũng tự động ngắt, điện thoại sẽ tự động kết nối với một số người thân đã được cài đặt sẵn trong danh bạ (sử dụng với tên danh bạ “Nguy hiểm”). Từ diễn biến này, người thân sẽ định vị được người lái xe đang ở đâu. “Nếu áp dụng thiết bị này vào thực tiễn thì người thân sẽ rất yên tâm. Sắp tới em sẽ nghiên cứu, cải tiến sản phẩm mình để có thể… kiểm tra luôn sức khỏe của lái xe, như đo mạch tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể", Sỹ tâm sự.
"Thợ săn” giải thưởng
Từ năm học lớp 8, Sỹ đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh về đề tài thuyền cứu hộ và tuyên truyền luật biển. Năm lớp 9, em đoạt giải ba với thiết bị xe dọn rác điều khiển đa năng, lọt vào top dự thi quốc gia. Thầy giáo Phạm Hữu Thức, Hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh, đánh giá suốt 11 năm học, Sỹ luôn là học sinh giỏi, rất đam mê sáng tạo. Những sản phẩm do Sỹ tạo ra nếu áp dụng vào thực tiễn thì rất có ích cho xã hội.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.