Ngán ngẩm vì buôn bán ế ẩm phải… trả mặt bằng

13/03/2024 16:32 GMT+7

Có những người kỳ vọng khởi sự kinh doanh sẽ khởi sắc khi khách đến quán đông đúc vào giai đoạn đầu. Tuy nhiên sau đó thở dài ngán ngẩm vì buôn bán ế ẩm.

Ngán ngẩm vì buôn bán ế ẩm phải… trả mặt bằng- Ảnh 1.

Quán vắng khách, buôn bán ế ẩm

THANH NAM

"Mở cờ trong bụng"

Nhiều người trẻ đang là ông chủ, bà chủ cho biết họ từng "mở cờ trong bụng" khi những tưởng việc kinh doanh sẽ "ăn nên làm ra". Nhất là khi vào những ngày đầu mở quán, khách đến thường xuyên, doanh thu vượt kỳ vọng.

Thậm chí có người muốn bỏ hẳn công việc ổn định để toàn tâm toàn ý kinh doanh. Như Trần Quốc Huy (28 tuổi), làm việc tại một công ty thuộc ngành logistics trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM. Hơn một năm trước, Huy mở quán cà phê trên đường Bàu Cát, Q.Tân Bình, TP.HCM.

Huy kể: "Những ngày đầu tiên, bạn bè, đồng nghiệp, người thân đến chúc mừng, ủng hộ rất nhiều. Quán có 20 bàn, lúc nào cũng kín người. Tôi mừng thầm trong bụng, nghĩ rằng lượng khách sẽ luôn đông đúc".

Thấy 4 nhân viên trong quán phải làm việc liên tục để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, chàng trai này có ý định xin nghỉ việc để chú tâm quản lý, điều hành việc kinh doanh.

Nhưng ý định này thay đổi không lâu sau đó. "Cảnh khách nườm nượp trong mấy ngày đầu đã… đánh lừa tôi. Những người quen chỉ đến ủng hộ chứ không phải là khách hàng tiềm năng và xuyên suốt. Và chuyện chẳng muốn cũng đến, quán thường xuyên rơi vào cảnh ế ẩm. Từ 4 nhân viên giờ chỉ còn 2 người. "Thu không đủ bù chi" nên tiền lương hàng tháng không đủ bù lỗ", Huy chia sẻ.

Ông chủ trẻ tuổi này kể câu chuyện bản thân tại một nhóm tập hợp những người thích kinh doanh trên Facebook đã nhanh chóng nhận được sự đồng cảm. Nhiều người trẻ khác đã kể đó là "tình cảnh không phải của riêng ai".

Ngán ngẩm vì buôn bán ế ẩm phải… trả mặt bằng- Ảnh 2.

Một quán ăn ở đường Phạm Văn Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM rất đông khách vào ngày khai trương. Nay quán này đã "bay màu", phải trả mặt bằng

THANH NAM

Anh Đặng Nguyên Chương (33 tuổi), cho biết đang làm chủ địa điểm kinh doanh bi da tại đường Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Quán này anh sang nhượng từ người khác cách đây nửa năm. Sau khi khai trương, quán thường xuyên "hết bàn". Bạn bè đến chúc mừng, sử dụng dịch vụ phải ngồi đợi cả tiếng đồng hồ.

"Ban đầu tôi để 8 bàn bi da. Sau thấy có vẻ khả quan nên đặt thêm 4 bàn khác, cả bi da lỗ lẫn carom (dành cho bi da 3 băng – PV). Nhưng…", anh Chương bỏ lửng câu nói.

"Khi mà 4 bàn đặt thêm chưa được giao thì tôi mới… tỉnh ngộ là việc kinh doanh không phải xán lạn. Hóa ra hóa đơn những ngày đầu tiên, 80% là từ những người thân quen. Khách vãng lai rất ít. Mấy tháng qua tình hình kinh doanh rất chán. Quán đìu hiu. Mệt mỏi thật", anh Chương kể trong ngao ngán và cho biết thêm: "Đang kiếm mối để sang nhượng lại các bàn bi da. Chứ để làm gì khi không có khách? Có khi tôi sang nhượng quán luôn".

Cũng có những người chia sẻ, rằng "không thể nào cầm cự" nổi khi liên tục "gồng lỗ" nên dự định trả mặt bằng, thay đổi mô hình kinh doanh, hoặc "lo tập trung làm việc, từ bỏ chuyện buôn bán"…

Rồi có người kể chuyện "cười ra nước mắt" khi ban đầu lập fanpage, thường xuyên đăng tải hình ảnh khoe khách đông đúc. Nhưng không lâu sau đó đã…xóa hẳn fanpage, sợ người khác hỏi "dạo này kinh doanh thế nào?".

Ngán ngẩm vì buôn bán ế ẩm phải… trả mặt bằng- Ảnh 3.

Sau những ngày đầu khai trương đông khách, nhân viên spa này ở Q.Bình Tân, TP.HCM thường thảnh thơi, ngồi bấm điện thoại, nằm nghỉ ngơi. Và nay đã... dẹp tiệm, trả mặt bằng vì kinh doanh ế ẩm

THANH NAM

"Vui không thể tả" thành "buồn chẳng muốn kể"

Chị Nguyễn Như Nguyệt (31 tuổi) cũng rầu rĩ vì "tôi cũng là người trong cuộc" của câu chuyện "khách chỉ đông đúc nườm nượp được vài ngày đầu, sau đó kinh doanh ế ẩm".

Chị Nguyệt kể mở spa ở đường Ngọa Long, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội. Mấy ngày đầu tiên, chị Nguyệt phấn chấn vì khách đông. Tất cả dịch vụ ở spa như: xông hơi, chăm sóc da mặt, giảm mỡ, triệt lông, tắm trắng... đều có khách sử dụng.

Nhưng cảm giác "vui không thể tả" đã nhanh chóng bị khỏa lấp, thay vào đó là "buồn chẳng muốn kể". Lý do là spa không có khách.

"Lúc mới mở spa, bạn bè ở Thái Nguyên, người thân ở Ninh Bình cũng đến ủng hộ. Đồng nghiệp đến sử dụng dịch vụ liên tục. Thế nên mới tự hồ hởi là "chắc ăn nên làm ra lắm đây". Nhưng nhìn vậy mà không phải vậy. Đúng là đời không như mơ", chị Nguyệt kể.

Theo bà Trần Thị Diệu Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Skill Media, TP.Thủ Đức, TP.HCM (cũng là người thường giảng dạy về kinh doanh, khởi nghiệp cho giới trẻ - PV), khi mở quán thường có tâm lý thông báo với bạn bè, người quen. Sau đó, những người này đến chúc mừng, ủng hộ và dành những lời nhận xét tích cực như: các món ăn rất ngon, hợp khẩu vị, thức uống tuyệt vời, dịch vụ quá tốt…

"Tuy nhiên cần phải hiểu, những lời nhận xét ấy chưa hẳn khách quan. Thậm chí chỉ khen... cho vui. Nếu muốn có đánh giá chính xác hơn, cần phải khảo sát khách hàng", bà Hiền nói.

Bà Hiền cho rằng trong giai đoạn đầu kinh doanh, dù bất cứ lĩnh vực, dịch vụ gì đi chăng nữa, cũng nên khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng. Từ đó có cách điều chỉnh để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Anh Đỗ Thành Tú (32 tuổi), chủ quán cà phê Điểm hẹn, đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, nói: "Thời gian đầu khai trương, người thân quen đến chúc mừng, sử dụng dịch vụ. Nhưng họ không phải là khách hàng thường xuyên. Bởi có người ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh… đến TP.HCM ủng hộ thì họ không thể ghé liên tục. Có thể họ đến một lần để chúc mừng rồi… thôi. Nên đừng nghĩ những ngày đầu có 50 khách (mà đa phần là người quen) thì đó cũng là lượng khách được duy trì đều đặn".

Anh Tú chia sẻ kinh nghiệm: "Muốn quán kinh doanh ổn định, hiệu quả, cần đẩy mạnh quảng bá, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội. Song song đó, phải thường xuyên khảo sát sự hài lòng của khách hàng. Qua đó thu nhặt ý kiến đóng góp để thay đổi. Cũng cần có những ưu đãi cho khách để thu hút...".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.