Những “công dân” bệnh viện
Dọc hành lang Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM, hình ảnh mỗi bệnh nhân (BN) trải một chiếc chiếu nhỏ, ăn uống, nằm nghỉ cũng trong khoảng diện tích nhỏ hẹp đó đã không còn xa lạ với những người đến khám, ghé vào BV. Mỗi BN một nỗi niềm nhưng họ lại quây quần bên nhau như người một nhà, ngôi nhà lớn mang tên BV.
|
Trong ánh nắng yếu ớt của buổi chiều muộn, bà H.Tùng (55 tuổi, Cà Mau) ngồi bên những BN khác tại hành lang của BV Ung bướu TP.HCM và chậm chạp đưa những thìa cơm lên miệng nuốt. 5 năm sống trong BV tưởng dài như thế kỷ mà ngắn ngủi bởi cửa tử đã lơ lửng trước mắt.
|
Trụ lại trong BV với căn bệnh ung thư buồng trứng, di căn lách, xương, bà thường đùa mình là “cựu chiến binh” của BV này, bởi ít người trụ lại lâu như bà lắm. Bà không nhớ nổi mình đã vô hóa chất bao nhiêu lần, chỉ biết gần đây chân tay bị lở loét nên thay vì tiếp tục vô hóa chất, các bác sĩ cho bà uống viên hóa trị, một viên hơn 2 triệu đồng và bà Tùng phải uống 3 viên trong 1 tháng.
Hồi mới điều trị tại đây, bà còn nằm trên khoa nhưng sau đó lại ra “đăng ký làm công dân” tại hành lang. Vỏn vẹn chiều rộng bằng 4 viên gạch, chiều dài hơn 10 viên gạch, bà dọn một chỗ để sống tại BV. Bệnh tật ập đến, bà không có con để được chăm sóc, chồng cũng qua đời từ hơn 2 năm nay. Bà trải lòng: “Năm 1979, tôi học xong lớp cử nhân chính trị sau đó qua dạy triết học ở trường trung cấp chính trị cho cán bộ dư nguồn ở tỉnh Cà Mau. Lúc bị bệnh, tôi phải nghỉ việc. Vợ chồng tôi không có con, ổng đã mất cách đây 2 năm do bị tai biến”.
Nhưng bà Tùng không đơn độc, mỗi lúc lên cơn đau, bà Hai nằm bên cạnh lại vỗ lưng bà Tùng: “Cô đau ở đâu, để tôi xoa lưng cho coi đỡ hơn không”. Đến bữa đi lấy cơm từ thiện, anh Việt lại chạy qua hỏi: “Cô đang đau à, vậy để cháu lấy phần cơm giùm cô luôn nhé”.
Những lúc bà Tùng không ăn được cơm, mấy cô nằm gần mua rau, xin rau đem về chia ra cho bà ăn. “Xung quanh mình ai cũng bị ung thư mới thấu hiểu nỗi đau dai dẳng nên đồng cảm với nhau. Phải vô thuốc liên tục, bao nhiêu tiền cũng hết, nhà bán, đất bán còn chỗ nào mà về. Nhìn bà này cũng đau, ông kia cũng bệnh nên càng thương nhau. Phải chấp nhận cái chết, cái sống cận kề mà cố gắng vui vẻ, lạc quan mỗi ngày”, bà Tùng nói.
Lúc BV đổi lại cơ chế đóng tạm ứng với mỗi lần BN phải đóng 2 triệu đồng, nhiều người lâm vào khốn đốn phải chạy vạy đủ đường để vay tiền. “Lúc đầu nhiều người gặp khó nhưng sau đó không thanh toán trùng ngày thì mượn nhau đóng tạm rồi trả lại. Chúng tôi cứ mượn xoay vòng nhau, người này, người kia một ít rồi cũng đủ đóng”, bà Hai, điều trị ung thư vú chia sẻ.
Giữa người bệnh có sự đồng cảm rất lớn nên thường xuyên có sự động viên, chia sẻ lẫn nhau. Bà Tùng bảo, chính vì điều đó mà giờ không sợ cái chết nữa. Lúc mới vào BV, mỗi ngày chứng kiến mấy lượt xe đưa xác về mà thấy sởn gai ốc và nghĩ đến đoạn kết của mình. “Ai đó nếu biết mình mắc căn bệnh ung thư sẽ buồn bã, suy sụp lắm. Nhưng sống được ngày nào còn quý trọng ngày đó. Người bệnh chúng tôi cố gắng để bảo bọc, giúp nhau trong cuộc sống. Dù thời gian sống ngắn ngủi thì vẫn cứ lạc quan, vui vẻ”, bà Tùng nói.
Bà Hai, nằm bên cạnh bà Tùng cũng cười nói vọi vào: “Ở BV, có mấy người đến thăm hỏi “nhà ở đâu, quê ở đâu”, tôi nói với họ: “Là BV. Nhà và quê chính là ở đây”.
Ngàn ngày mẹ vẫn bên con
Vừa lấy cơm ra bát và chan canh cho con là chị Nguyễn Thị Mộng Tuyền (43 tuổi, quê Trà Vinh) ăn, bà Lê Thị Hà (63 tuổi) lại vừa phải dỗ Tuyền như dỗ đứa trẻ. Con gái bà đang phải đối chọi với căn bệnh ung thư vú, lại mắc thêm chứng tâm thần. Bà Hà đã ly hôn chồng. Tuyền sống với cha nhưng khi nghe Tuyền bị bệnh phải lên điều trị ở BV Ung bướu, bà Hà cũng bỏ hết công việc dưới quê và lên chăm chị.
Hơn 3 năm mòn mỏi với bệnh tật của con trong BV, đôi mắt bà trũng sâu vì nhiều lo toan. Đầu ngón tay bà sưng vù và lở loét do hằng ngày phải đi lượm xe chai góp nhặt thêm tiền. Bà Hà kể, bà thường lên lầu và lượm mấy ống nước, chai nước khoáng rơi vãi dọc hành lang và ở các đống rác. “Nhiều người thấy thương mình nên mỗi khi có chai nhựa gì cũng tự động đem cho tôi. Bảo vệ BV thấy hoàn cảnh của tôi nên cũng không đuổi”, bà nói. Mỗi ngày bà kiếm thêm được khoảng 20.000 đồng.
Nói về Tuyền, bà ngân ngấn nước mắt: “Trước đây, lúc biết bị bệnh phải cắt vú, nó khóc hết nước mắt vì chưa lập gia đình. Nó nói với tôi: “Mẹ ơi, sao con lại phải cắt vú, làm sao con lấy chồng đây”. Biết mình bị ung thư Tuyền suy sụp, càng ngày càng gầy sọp đi. Do nhiều đêm khóc và kêu gào trong nỗi đau, một hôm trở dậy Tuyền bỗng nói cười một mình. “Rồi những ngày ở BV, lúc nó cười vui lúc nó giận dữ và quát cả tôi”, bà Hà kể lại.
Khổ nhất là những lúc Tuyền lên cơn, chị chạy khắp BV và chửi bới om sòm. “Chắc tại lòng nó đau đớn quá mới ra nông nỗi này”, bà Hà ngậm ngùi. Khi được những BN và bảo vệ BV quyên góp tiền, bà Hà đưa Tuyền đi chữa bệnh tâm thần rồi lại đưa con gái về BV Ung bướu để tiếp tục điều trị ung thư.
Đôi mắt trũng sâu vì nhiều đêm thiếu ngủ, bà Hà bảo không khóc được nữa, những khổ đau đều kinh qua hết rồi. Nhìn con từng ngày đau đớn sau các đợt hóa trị thì bà phải mạnh mẽ, cứng rắn để còn là chỗ dựa vững chắc cho Tuyền. Ngồi bên mẹ lúc không lên cơn, Tuyền bẽn lẽn và kiệm lời. Đôi mắt cứ nhìn trân trối vào phía trước. Bà Hà đưa tay lên vuốt lại mái tóc ngắn cũn của con, những ngón tay mưng mủ, sưng húp vì vục vào các đống rác lượm ve chai đang dỗ Tuyền vào giấc ngủ giữa đêm ồn ào dọc hành lang BV.
Hà Minh
Bình luận (0)