Nhóm tác giả đã quan sát kết quả của một nghiên cứu về tim mạch từ năm 1985 đến nay với hơn 5.000 người từ 18 - 30 tuổi. Tác giả cao cấp của nghiên cứu - tiến sĩ Lyn Steffen thuộc Đại học Minnesota - cho biết mục tiêu của nhóm là theo dõi hồ sơ sức khỏe của người tham gia nghiên cứu với khẩu phần ăn có thêm hạt óc chó.
shutterstock |
Sau 30 năm nghiên cứu, người ăn hạt óc chó có chỉ số về tim mạch, số khối cơ thể, vòng bụng, huyết áp và lượng mỡ trong máu tốt hơn người không ăn. Nhóm nghiên cứu cũng ghi nhận người ăn hạt óc chó có chế độ ăn uống lành mạnh hơn, ít tăng cân và hoạt động thể chất cũng nhiều hơn.
“Phát hiện này không gây ngạc nhiên. Các loại hạt khác cũng giàu dinh dưỡng, chứa axit béo và chất chống ô xy hóa, nhưng các loại hạt khác không chứa ALA - một loại axit béo n-3 có nguồn gốc thực vật như hạt óc chó”, tiến sĩ Steffen nhận xét trên Medical News Today.
Một nghiên cứu công bố trước đó trên chuyên san The Journal of Nutrition vào năm 2021 cũng đã ghi nhận sự xuất hiện của 19 chất chuyển hóa có lợi trong quá trình hấp thụ hạt óc chó. Các chất chuyển hóa này được cho là có thể làm giảm nguy cơ mắc đái tháo đường loại 2 và bệnh tim mạch ở những người có nguy cơ, theo nhật báo Express (Anh).
Tiến sĩ Steffen gợi ý: “Khoảng 7 hạt óc chó mỗi ngày là hợp lý. Mục tiêu không phải là con số cụ thể nào cả mà là sự kết hợp hạt óc chó và các chất dinh dưỡng khác vào bữa ăn của bạn để mang lại kết quả tối đa”, theo Medical News Today.
Bình luận (0)