Ngăn ngừa cúm gia cầm lây bệnh trên người

27/02/2023 04:19 GMT+7

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vi rút cúm gia cầm H5N1 được tìm thấy trên thế giới hơn 100 năm trước.

Tại Việt Nam, từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào cuối năm 2003, đến nay có 128 trường hợp nhiễm, trong đó 52 ca tử vong. Có thời điểm, tỷ lệ tử vong do cúm gia cầm tại Việt Nam lên đến 100% (4/4 ca mắc đều tử vong, trong vụ dịch được ghi nhận tháng 7 và 8.2004). Ca nhiễm cúm gia cầm gần đây nhất là tháng 10.2022.

Ngăn ngừa cúm gia cầm lây bệnh trên người - Ảnh 1.

Đường lây nhiễm cúm gia cầm. Phòng cúm gia cầm trên người, trước hết cần kiểm soát dịch cúm trên gia cầm

Tư liệu BV Bệnh nhiệt đới T.Ư

Về lây truyền vi rút cúm gia cầm, theo Cục Y tế dự phòng, vi rút này có nhiều trong chất bài tiết như: dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh; trong bụi và đất. Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bệnh hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính. Vi rút có thể lây truyền qua không khí (qua các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp của gia cầm bệnh hoặc hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm) hay qua ăn uống (nước, thực phẩm nhiễm vi rút...) và tiếp xúc dụng cụ, đồ vật nhiễm vi rút.

Người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm nhiễm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.

Bệnh do vi rút H5N1 thường diễn biến nhanh với các biểu hiện như: sốt trên 38 độ C, có thể rét run; ho (thường ho khan), đau ngực, khó thở, thở nhanh, tím tái; nghe phổi thấy có ran, nhịp tim nhanh, đôi khi có sốc. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng khác như: đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng. Chụp X-quang phổi thấy có tổn thương thâm nhiễm lan tỏa một bên hoặc hai bên, tiến triển nhanh.

Ca bệnh xác định là các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1. Các bệnh phẩm có thể dùng cho việc chẩn đoán nhiễm vi rút đường hô hấp, bao gồm: máu tĩnh mạch, dịch họng, dịch mũi, dịch mũi họng, dịch hút phế quản, dịch rửa phế quản - phế nang, mẫu sinh thiết phổi, mô phổi hoặc phế quản sau tử vong.

Xem nhanh 20h: Nhìn lại xung đột Nguyễn Phương Hằng-Đặng Thị Hàn Ni | Nguy cơ từ cúm H5N1

Chưa có bằng chứng lây từ người sang người

Theo một chuyên gia y tế dự phòng của Bộ Y tế, điều kiện thuận lợi làm tăng khả năng thay đổi của vi rút cúm là do người sống gần các loại gia cầm nuôi.

Nguy cơ người bị nhiễm vi rút cúm gia cầm cao nhất là khi tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh. Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, người dân cần thực hiện:

  • Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.
  • Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
  • Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
  • Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Hiện cúm gia cầm chưa lây từ người sang người. Đây là yếu tố quan trọng để kiểm soát nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát trên người. Tuy nhiên, do vi rút cúm liên tục biến đổi, nên việc nghiên cứu, theo sát các biến đổi của vi rút này là rất quan trọng. Nếu có nhiều người mắc bệnh thì làm tăng nguy cơ người bệnh trở thành nơi trộn lẫn các vi rút cúm người và động vật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái tổ hợp hình thành vi rút mới với gien vi rút cúm người, từ đó làm cho dịch dễ lan truyền từ người sang người, gây nên đại dịch ở người.

Cúm A/H5N1 được các chuyên gia y tế quan tâm với nhiều lý do: vi rút này biến dị nhanh, có tính sinh bệnh cao, có khả năng gây bệnh nặng ở người và có độc lực cao. Vi rút này có thể tồn tại lâu ở môi trường, đặc biệt ở nhiệt độ thấp. Vi rút có thể sống ít nhất trong 35 ngày ở 40 độ C. Ở nhiệt độ 37 độ C nó có thể sống đến 6 ngày trong phân của gia cầm. Bị tiêu diệt ở 56 độ C trong 3 giờ và 60 độ C trong 30 phút; hoặc chất tẩy uế thông thường như formalin và iodin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.