Nhờ camera an ninh, việc truy xét hung thủ dễ dàng hơn với bằng chứng là những hình ảnh rõ ràng, giúp tình hình trật tự trị an được cải thiện tốt hơn ở nhiều khu vực trước đây phức tạp về an ninh trật tự. Tại TP.HCM, thời gian qua, nhiều vụ án phức tạp cũng nhờ đó được điều tra, truy xét nhanh chóng. Hệ thống camera theo dõi vận hành tốt, hình ảnh rõ, còn hỗ trợ rất nhiều cho công an quản lý địa bàn, giảm bớt nhiều thời gian đi tuần.
Tuy nhiên để phát huy hiệu quả trấn áp tội phạm thì cần tổ chức thực hiện tốt hơn nữa. Rút ngắn thời gian trấn áp hành vi phạm tội là yếu tố quan trọng để người dân vô tội không phải gánh chịu hậu quả đáng tiếc, và bọn côn đồ, băng nhóm giang hồ cũng khó tự tung tự tác. Ngày nay, camera tại hiện trường, kết hợp cùng nhiều phương tiện khác như gọi điện báo tin, truyền hình trực tiếp thông qua mạng xã hội đều có thể giúp lực lượng chức năng nhanh chóng nhận diện, xác định rõ ràng vị trí tình huống nguy hiểm đến trật tự trị an xã hội.
Thế nhưng, thực tế, chưa có nhiều trường hợp lực lượng chức năng nhờ vào hình ảnh trực tiếp từ camera để có mặt kịp thời trấn áp tội phạm. Phần lớn vụ việc vẫn là sau khi xảy ra thì lực lượng chức năng mới trích xuất hình ảnh từ camera để hỗ trợ tìm chứng cứ hoặc phá án. Nhưng lúc đó, hành vi phạm tội (thậm chí án mạng) đã xảy ra, tội phạm cấu thành.
Như vậy, để phát huy hiệu quả của camera, việc kết nối hệ thống các camera từ các con hẻm, khu phố... trên một phường, xã; giữa các phường, xã trong một quận, huyện; và rộng hơn là giữa các quận, huyện trên địa bàn tỉnh, thành phố là rất quan trọng.
Việc xã hội hóa camera an ninh là quan trọng. Nhà nước và nhân dân cùng làm. Cơ quan công an có trách nhiệm kết nối các camera thành hệ thống dẫn về trung tâm thông tin chỉ huy. Từ “tổng đài” này, bộ phận trực có trách nhiệm theo dõi tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn. “Điểm nóng” xảy ra ở đâu, lực lượng chức năng (công an, dân phòng...) có mặt ngay lập tức để trấn áp tội phạm.
Có như thế, việc ngăn ngừa tội phạm mới thực sự hiệu quả, hạn chế hành vi phạm tội.
Bình luận (0)