Ngăn ngừa lao động xuất khẩu bỏ trốn

27/09/2022 05:48 GMT+7

Nhiều bạn đọc đưa ra ý kiến sau vụ việc Trớ trêu thay “quýt làm, cam chịu ” phản ánh 34/41 lao động người Quảng Bình đi làm việc thời vụ ở TP.Yeongju (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc) đã không về nước như cam kết mà... bỏ trốn.

Số lao động (LĐ) không về nước vào ngày 15.9 như cam kết trước đó đối với cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình và TP.Yeongju là nhóm LĐ nằm trong đợt 1/2022 mà Quảng Bình tổ chức sang TP.Yeongju.

Điều đáng nói là, sau hành động vô kỷ luật như trên của nhóm người bỏ trốn, 55 LĐ (vốn đa phần có hoàn cảnh khó khăn, phải vay mượn tiền, cầm cố tài sản để có lộ phí sang Hàn Quốc làm việc) mà Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình đã phối hợp các địa phương tổ chức phỏng vấn, tuyển chọn đi làm việc thời vụ nông nghiệp tại Hàn Quốc đợt 2 đã phải tạm dừng lại. Lý do, cơ quan chức năng TP.Yeongju chính thức gửi thông báo từ chối làm các thủ tục nhập cảnh cho LĐ đợt 2/2022…

55 người được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình tuyển chọn trong đợt 2 đưa đi XKLĐ tại Hàn Quốc đều là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn

BÁ HOÀNG

Làm sao đời sống khá hơn khi có suy nghĩ bỏ trốn?

Bạn đọc (BĐ) Nguyễn Đức Phát phân tích: “Người bỏ trốn không am hiểu pháp luật, không hiểu mình mất quyền lợi như thế nào khi làm như vậy. Hàn Quốc là nước phát triển, chỉ là vấn đề thời gian khi cảnh sát Hàn Quốc bắt được và trục xuất. Nhưng vấn đề không chỉ vậy mà là mất quyền lợi của chính bản thân của người bỏ trốn, không được pháp luật bảo trợ, không thể gửi tiền về, không được ở trọ hợp pháp, đau ốm thì không được bảo hiểm mà cũng có thể là không có ai chữa cho; đi làm thì chỉ có công việc làm “chui”, đừng “mơ” ổn định. Làm sao đời sống khá hơn khi có suy nghĩ bỏ trốn như vậy? Đã thế còn ảnh hưởng đến những người khác đợt sau...”.

Đồng tình với ý kiến này, BĐ Duong Lanh cũng bày tỏ: “Chỉ vì lợi ích của cá nhân mà không tuân theo mệnh lệnh của cơ quan chức năng cả hai nước làm ảnh hưởng đến bản thân và những người đi sau… Rất mong các cấp, các ngành có thẩm quyền phải răn đe, có biện pháp giáo dục để cảnh tỉnh đến những người có ý định bất chính khác...”.

BĐ Trinh Cuong bức xúc: “Từ ý thức của người LĐ mà ra... Họ không biết trốn là bất hợp pháp và có thể liên lụy cho người sau. Khi về nước, họ có bị xử phạt để làm gương không?”.

Ràng buộc trách nhiệm

Nhiều BĐ cho rằng trường hợp bỏ trốn như những LĐ kể trên (so với số LĐ ra nước ngoài làm việc) là không nhiều. Đa số LĐ VN xuất khẩu lao động (XKLĐ) đều có năng suất làm việc tốt và chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại. Nhiều công ty nước ngoài vẫn đều đặn thông báo đăng nhu cầu tuyển dụng LĐ VN ra nước ngoài làm việc.

Thế nhưng, để ngăn chặn số ít LĐ ra nước ngoài bỏ trốn, BĐ đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị. “Bên cạnh việc tuyên truyền cho người LĐ về quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi đi XKLĐ, theo tôi, cần có chế tài, điều khoản ràng buộc các bên liên quan. Phía tiếp nhận LĐ xuất khẩu cũng nên cam kết tái tuyển dụng LĐ thời vụ để họ được chắc chắn rằng, sau 6 tháng khi về nước họ sẽ được quay lại tiếp tục công việc. Bên cạnh đó, phạt thật nặng những công ty, xí nghiệp hay các công trường xây dựng sử dụng LĐ bất hợp pháp. Đối với cơ quan chức năng ở VN, phải thiết lập chặt chẽ các quy định về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của người đi XKLĐ. Phải yêu cầu người đi XKLĐ đồng ý ký kết vào điều kiện ràng buộc; thậm chí nếu bỏ trốn thì khi về nước sẽ phải nộp phạt số tiền lớn...”, BĐ C.Tình đề xuất.

Còn theo BĐ Thanh Toàn: “Bên cạnh những thỏa thuận và ràng buộc đối với người LĐ khi ra nước ngoài LĐ - có nghĩa họ phải có trách nhiệm tuân thủ hợp đồng đã ký kết với các đơn vị, cơ quan chức năng - thì nếu vi phạm, phải đền bù hợp đồng. Như vậy có lẽ sẽ ổn hơn chăng?”.

* Nên công khai danh sách những người này trên thông tin đại chúng và của địa phương để gia đình, người thân họ biết và vận động quay về, cũng để chấn chỉnh những lứa LĐ sau?

Bùi Định Nghiệp

* Phải có chế tài phạt nặng khi họ về nước; đôi khi phải hình sự hóa để bảo vệ những LĐ chính đáng, chứ không vì lợi ích cá nhân mà làm khổ người khác được.

Thanh Luan

* Theo tôi, nên giữ lại 50% tiền lương và phải thế chấp một phần tài sản của người đi xuất khẩu LĐ cho cơ quan chức năng tại VN. Nếu bỏ trốn thì phát mãi tài sản, sung công quỹ, xem còn ai dám trốn?

Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.