Thu ngân sách tăng vọt
Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy sau 6 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 932.900 tỉ đồng, bằng 66,1% dự toán năm và tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 744.000 tỉ đồng, tăng 15,8%; thu từ dầu thô đạt 34.200 tỉ đồng, tăng 80,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 154.500 tỉ đồng, tăng 25,5%.
Hoạt động xuất nhập khẩu đóng góp lớn cho việc thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh |
Nguyễn Long |
Số thu NSNN 6 tháng đầu năm có tiến độ đạt khá so với dự toán cũng như so với cùng kỳ 2021, trong đó có một số nguồn thu thể hiện sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp (DN) trên cả nước như thuế giá trị gia tăng tăng 15,6%, thuế thu nhập DN tăng 8,6% so với cùng kỳ 2021. Đặc biệt, một số ngành có mức tăng thu đột biến có thể kể đến là dầu thô khi giá dầu bình quân ước đạt 100,4 USD/thùng, vượt đến 67,3% so với dự toán, mặc dù sản lượng lại giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Hay như cả nước xuất siêu trong 6 tháng đầu năm với kim ngạch 710 triệu USD trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỉ USD. Điều này khiến cho số thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu cũng gia tăng. Còn trong nguồn thu nội địa, thu tiền sử dụng đất tăng 35,1%; thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tăng 73%… Hầu hết các tỉnh, TP trên cả nước cũng thu NSNN đạt trên 50% dự toán. Một số địa phương có số thu đạt cao như: Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kon Tum, Thừa Thiên-Huế, Hà Tĩnh...
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), cho rằng những con số nói trên rất ấn tượng. Trong bối cảnh các dự báo kinh tế toàn cầu có sự suy giảm do bất ổn địa chính thế giới và xung đột Nga - Ukraine chưa chấm dứt, với mức tăng trưởng hơn 7,7% cho thấy nền kinh tế chúng ta đang trên đà phục hồi tốt và nửa đầu năm có nhiều gam màu sáng hơn. “Trong báo cáo thường niên năm 2022 của chúng tôi cũng đặt vấn đề là nếu chúng ta ổn định được dịch bệnh và dần dần từng bước mở cửa, chắc chắn kinh tế sẽ phục hồi tốt. Quan trọng hơn là thành công của VN trong phục hồi kinh tế sau đại dịch, đó là ổn định được kinh tế vĩ mô, duy trì mức lạm phát dưới mức cho phép. Vấn đề này không phải quốc gia nào cũng thực hiện được”, TS Việt nói.
Trên đà phục hồi nhưng vẫn còn thấp
Đánh giá chung của Tổng cục Thống kê cho thấy một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao 2 con số trong quý 2/2022 như dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,92%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,7%; nghệ thuật vui chơi giải trí tăng 14%... Các ngành này có mức tăng trưởng ngoạn mục khi thị trường hồi phục mạnh mẽ, dịch bệnh Covid-19 tại VN được kiểm soát tốt, mọi hoạt động trong đời sống xã hội diễn ra bình thường như trước đại dịch, du lịch trong nước và quốc tế khởi sắc. Tuy nhiên, khi so sánh với quý 2/2019, là năm trước khi xảy ra đại dịch, thì vẫn có mức tăng trưởng thấp. Nghĩa là quy mô các ngành này (theo giá so sánh) chưa trở về hoặc xấp xỉ mức cách đây 3 năm. Còn trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 17 đợt, trong đó có 13 lần tăng tổng cộng gần 12.000 - 14.000 đồng/lít, tương ứng mức tăng gần 52% đã tác động lớn đến mặt bằng giá nhiều loại hàng hóa lên theo.
Đâu đó đã xuất hiện tình trạng “đẻ” thêm thủ tục gây khó cho DN. Họ cũng mong muốn được tiếp cận vốn vay để đầu tư kinh doanh với mức lãi suất tốt mà không phải là ưu đãi. Thế nên, vấn đề lúc này không phải là trong nhà có “của ăn của để” mà cải cách thủ tục, thể chế mới quan trọng.
Điều này khiến cho nhiều người dân phải thắt lưng buộc bụng bởi thu nhập không tăng hoặc tăng không kịp giá hàng hóa. Nhiều DN cho biết các loại nguyên vật liệu đến giá cước vận chuyển… đồng loạt tăng, đẩy chi phí đầu vào lên 30 - 40% so với cuối năm vừa qua khiến cho lợi nhuận ngày càng teo tóp, thậm chí nhiều đơn vị phải chấp nhận hòa vốn hoặc gồng lỗ để duy trì hoạt động sản xuất. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích, thu thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng qua tăng nhưng chủ yếu là thu nhập của người kinh doanh bất động sản và chứng khoán, còn người làm công ăn lương thì thu nhập không tăng nhiều. Chính vì vậy, khi nguồn thu NSNN “xông xênh” thì có thể tập trung vào những gói an sinh xã hội để hỗ trợ người dân. Đồng thời nhà nước phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa giúp DN có thể tiếp cận được vốn vay để tăng sản xuất, đặc biệt kiềm chế lạm phát để giá cả nguyên liệu đầu vào không còn phi mã. “Tôi gặp gỡ, trao đổi với nhiều DN, đa số đều nêu 2 thực tế: Lúc này họ không cần giảm thuế nữa mà cần giảm các thủ tục hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí của DN trong việc xin phép này nọ. Đâu đó đã xuất hiện tình trạng “đẻ” thêm thủ tục gây khó cho DN. Họ cũng mong muốn được tiếp cận vốn vay để đầu tư kinh doanh với mức lãi suất tốt mà không phải là ưu đãi. Thế nên, vấn đề lúc này không phải là trong nhà có “của ăn của để” mà cải cách thủ tục, thể chế mới quan trọng”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh bổ sung.
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh chủ yếu đến từ hoạt động xuất nhập khẩu và thuế thu nhập cá nhân |
Ngọc Dương |
Dư địa để hỗ trợ người dân, nền kinh tế
TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh, thu NSNN 6 tháng đầu năm nay thặng dư đến 220.000 tỉ đồng là dư địa tốt cho Chính phủ triển khai các kế hoạch đề ra từ đầu năm. Đây cũng là nền tảng để Chính phủ đủ tự tin và có dư địa triển khai ngay gói kích thích hỗ trợ DN, làm nền tảng nâng cao năng lực của nền kinh tế trong trung và dài hạn. Có 2 vấn đề Chính phủ cần lưu ý, đó là dùng thặng dư ngân sách nhà nước để hỗ trợ bình ổn lạm phát. Đặc biệt, hỗ trợ nhóm yếu thế trong xã hội như người nghèo, người lao động có thu nhập thấp tại các đô thị, khu công nghiệp. Đây vừa là chính sách an sinh, vừa giúp ổn định tinh thần người lao động trong các khu công nghiệp đang cần ổn định để tăng tốc sản xuất kinh doanh. Thứ hai, có dự phòng cho những rủi ro. Ví dụ như dịch bệnh quay trở lại, hay các dự phòng cho trường hợp rủi ro về tài chính hoặc ảnh hưởng bất ổn địa chính trị trên toàn cầu từ nay đến cuối năm và có thể kéo dài sang năm sau. “Trước mắt, để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, theo tôi, phải giảm giá xăng dầu. Cụ thể, sau thuế bảo vệ môi trường sẽ được giảm từ ngày 11.7 tới đây qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua, phải sớm giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu để giá cả hàng hóa, chi phí của DN không còn tăng như thời gian qua”, TS Nguyễn Quốc Việt chia sẻ thêm.
Trong thực tế, chúng ta đã thấy rất nhiều nước “vỡ trận” vì lạm phát, như vậy bất ổn vĩ mô đẩy suy thoái các nền kinh tế. Chúng ta đã ổn định kinh tế vĩ mô rất hiệu quả trong nửa đầu năm qua. Số thu ngân sách tăng cũng giúp đà phục hồi và tăng trưởng cho nền kinh tế.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng cần phải tiếp tục bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu để hỗ trợ người dân và cả nền kinh tế. Nguồn thu NSNN 6 tháng đầu năm nay tăng khá, phần lớn nhờ nguồn thu từ dầu thô. Song song đó, các khoản thu liên quan đến xăng dầu tiêu dùng trong nước như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu cũng đã tăng thêm vài ngàn tỉ đồng khi giá dầu thế giới liên tục đi lên. Đây chính là nguồn để Chính phủ mạnh dạn giảm các loại thuế đối với hàng hóa thiết yếu này. Chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh: dầu thô cũng như các loại tài nguyên là sở hữu toàn dân. Ngân sách được hưởng lợi từ đó thì phải dùng để hạ nhiệt giá xăng dầu trong bối cảnh giá hàng loạt hàng hóa đều gia tăng. Đây là gói hỗ trợ tốt nhất, thiết thực nhất và toàn bộ người dân lẫn nền kinh tế được hưởng lợi. Việc giảm giá xăng dầu cũng sẽ ngay lập tức có tác động lan tỏa đến hoạt động của nhiều ngành nghề, từ đó sẽ góp phần vào sự phục hồi, phát triển của kinh tế trong năm nay.
Bình luận (0)