Tổng kết sau hơn 1 năm triển khai thu phí, Sở GTVT TP.HCM ghi nhận đến ngày 31.5, tổng số tiền thu được là gần 2.700 tỉ đồng. Trung bình mỗi ngày, ngân sách TP.HCM thu về hơn 7 tỉ đồng từ thu phí cảng biển, hoàn toàn qua hệ thống tự động.
Theo Nghị quyết 10 đã được HĐND TP ban hành, nguồn thu này sẽ bổ sung cho ngân sách thành phố để tập trung xây dựng các công trình giao thông kết nối cảng biển giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Đầu tư mở rộng đường Nguyễn Thị Định; nút giao thông Mỹ Thủy; khép kín đường Vành đai 2; mở rộng đường Võ Chí Công; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu; xây dựng mới cầu Thủ Thiêm 4 (theo hình thức PPP); đầu tư nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp, tuyến đường thủy nội địa; đầu tư xây dựng cảng cạn, cảng thủy nội địa để tăng năng lực khai thác vận tải hàng hóa bằng đường thủy, giảm áp lực giao thông đường bộ.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết đúng theo tinh thần của Nghị quyết, số tiền thu được thời gian vừa qua đã hòa vào ngân sách để triển khai các công trình gắn với hạ tầng khu vực cảng biển. Đơn cử như công trình nút giao Mỹ Thủy đã triển khai giai đoạn 2; một phần vốn góp vào làm nút giao An Phú; sắp tới góp vốn để triển khai Vành đai 2 đối với dự án thành phần rất quan trọng là công trình nối kết từ cầu Phú Hữu trên đường Võ Chí Công ra Bình Thái. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư lớn, gần 10.000 tỉ đồng.
TP.HCM tăng thu ngân sách nhờ cảng biển
"Số tiền thu được tuy chỉ mới đóng góp một phần nhỏ nhưng đã thể hiện được vai trò của việc thu phí, tăng thêm ngân sách đáp ứng hạ tầng. Trên địa bàn thành phố có đến 60.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, để nhận được sự đồng thuận của các doanh nghiệp, Sở GTVT đã phải có nhiều cuộc tiếp xúc trao đổi, ngoài ra phải tổ chức việc thu phí một cách thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu. Việc ứng dụng 100% công nghệ vào việc thu phí hạ tầng và chưa để xảy ra sự cố nào là nỗ lực rất đáng ghi nhận của cán bộ nhân viên trong ngành bởi thu phí cảng biển là hạng mục chưa từng có tiền lệ tại TP.HCM” - ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh.
Cũng theo số liệu mới công bố của Sở GTVT, tính đến ngày 30.5, thành phố đang quản lý hơn 8,9 triệu phương tiện, trong đó có 905.035 ô tô và hơn 8 triệu mô tô. So với cùng kỳ năm 2022, tổng số phương tiện tăng 3,6% (ô tô tăng 5,95%, mô tô tăng 3,34%). Bốn tháng đầu năm, bình quân mỗi ngày có khoảng 137 ô tô và 648 mô tô đăng ký mới.
Cùng với tốc độ tăng trưởng của phương tiện, lượng hành khách vận tải bằng cả đường thủy, đường sắt và đường không đều tăng mạnh, đặc biệt là đường không. Số hành khách đi và đến tại sân bay Tân Sơn Nhất trong 5 tháng đầu năm ước đạt hơn 16,7 triệu lượt, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, mặc dù hoạt động vận tải, vận chuyển hàng hóa gia tăng nhưng tai nạn giao thông ghi nhận giảm mạnh ở cả 3 tiêu chí: số vụ tai nạn (5 tháng, trên địa bàn thành phố xảy ra 639 vụ tai nạn giao thông, giảm 27,37%); số người chết (giảm 19,08%) và số người bị thương (giảm 30,26%).
"Tai nạn giao thông giảm sâu mang lại niềm vui lớn nhất đối với ngành giao thông. Hàng hóa, con người đi lại tăng nhưng tai nạn giảm, cho thấy những chính sách mà ngành giao thông đã và đang triển khai là hướng đi đúng, phát huy tác dụng tốt. Đồng thời, thể hiện ý thức tham gia giao thông của người dân ngày càng cao" - lãnh đạo ngành giao thông TP.HCM nhận định.
Bình luận (0)