Ngàn VĐV giải nghệ, mươi người có việc làm

27/04/2016 09:10 GMT+7

Đang duy trì hệ thống đào tạo “khủng” với 3.500 VĐV của 42 môn, song thể thao Hà Nội lại đang có lỗ hổng lớn trong việc chăm lo cho các lao động đặc thù ấy khi họ giải nghệ. Theo thống kê, chỉ có khoảng 15% số VĐV giải nghệ được giải quyết công ăn việc làm.

Đang duy trì hệ thống đào tạo “khủng” với 3.500 VĐV của 42 môn, song thể thao Hà Nội lại đang có lỗ hổng lớn trong việc chăm lo cho các lao động đặc thù ấy khi họ giải nghệ. Theo thống kê, chỉ có khoảng 15% số VĐV giải nghệ được giải quyết công ăn việc làm.

VĐV Vũ Bích Hường thời hoàng kim và khi giải nghệ - Ảnh: Lê Nam - Ngô Nguyễn
Thúy Hiền là ngoại lệ
Nợ lương 9 tháng liền
Nếu so với các đơn vị khác, Hà Nội thường chậm trả các khoản tiền bồi dưỡng, tiền thưởng. Ví dụ, các VĐV bắn súng Hà Nội cho đến thời điểm này vẫn chưa được lĩnh một đồng nào tiền thưởng cả một năm trời thi đấu các giải vô địch toàn quốc, vô địch Đông Nam Á, giải vô địch thanh thiếu niên toàn quốc. Năm 2015, các VĐV bắn súng dạng hợp đồng (chưa phải biên chế) bị nợ lương 9 tháng liền.  
 Lan Phương
Với những thành tích sáng giá cùng ảnh hưởng đặc biệt, nhà vô địch thế giới wushu Nguyễn Thúy Hiền đã nhận sự tưởng thưởng xứng đáng. Ngôi sao này được thưởng một căn hộ chung cư chất lượng trên phố Nguyễn Chí Thanh, rồi được đặc cách vào biên chế ngành thể thao Hà Nội ngay sau khi giải nghệ.
Tuy nhiên, Thúy Hiền chỉ là một trường hợp ngoại lệ bởi đẳng cấp, tầm vóc và sự cống hiến của chị quá nổi trội. Còn đa phần VĐV dù có nhiều cống hiến, đoạt huy chương SEA Games, huy chương châu lục nhưng đều lâm vào cảnh khó khăn khi giã từ nghiệp VĐV.
Trong số báo ngày 26.4 với tựa đề “Vắt chanh bỏ vỏ” với tài năng thể thao, chúng tôi đã đề cập đến cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Nụ. Sau 17 năm gắn bó với đường chạy, 5 năm làm HLV hợp đồng, cựu vô địch SEA Games Nguyễn Thị Nụ đã phải nộp đơn xin nghỉ, để bắt đầu một hành trình “vào đời lại” trong tình cảnh không tiền, không nghề, cùng chấn thương đầu gối nặng. Có thể một phần xuất phát từ khả năng, song Nụ đã không còn có đủ động lực và niềm tin để tiếp tục phấn đấu cho mục tiêu trở thành một HLV “trong khung” của đội điền kinh Hà Nội.
Cả thế hệ vàng của điền kinh Hà Nội - mà Nụ là một gương mặt nổi bật - từng giúp đội tuyển VN thăng hoa tại SEA Games 2003 trên sân nhà, không ai có cơ hội gắn bó với đường chạy trong tư cách HLV. Người có lẽ là may mắn nhất, cựu kỷ lục gia Nguyễn Thị Tĩnh đã được vào biên chế song lại là chuyên viên của Phòng Thể dục thể thao quần chúng, công việc không còn liên quan gì đến chuyên môn trực tiếp.
Phải tự xoay xở
Theo thống kê, kể từ sau SEA Games 2003, thể thao thủ đô mới chỉ giải quyết được khoảng 15% nhu cầu việc làm cho các VĐV giải nghệ. Chỉ một số ít các cựu tuyển thủ xuất sắc, có đóng góp và năng lực phù hợp được bố trí làm HLV của các môn, còn lại đều phải tự xoay xở. Một phần nhỏ làm giáo viên thể chất, còn phần lớn phải chấp nhận làm lao động tự do.
Nhìn từ mặt khách quan, rõ ràng cả 42 bộ môn của thể thao Hà Nội dù có quy mô rất lớn và ngày càng tăng, vẫn không thể đáp ứng được nguyện vọng làm HLV cho tất cả các VĐV sau khi giải nghệ. Thế nhưng, ngành thể thao thủ đô gần như không có giải pháp nào để lo cho các VĐV khi thôi thi đấu, mà họ phải hoàn toàn tự bơi.
Suốt nhiều năm nay, cả ngàn VĐV thủ đô may ra chỉ mươi người được giải quyết công ăn việc làm. Lỗ hổng lớn về chế độ đãi ngộ, có thể coi như một sự bất công mà VĐV Hà Nội đang phải gánh chịu, dường như các nhà quản lý của thể thao Hà Nội lại không coi đó là một vấn đề cần phải gấp rút giải quyết. Thay vào đó, họ vẫn bàng quan, và vẫn luôn cho rằng quân mình đang được quan tâm, chăm lo tốt.
Một lãnh đạo của Trung tâm huấn luyện đào tạo VĐV Hà Nội nói: “Sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu cho thành phố về chính sách, chế độ đãi ngộ cho VĐV, nhất là học nghề, việc làm sau khi giải nghệ để các VĐV có thể ổn định cuộc sống sau khi chia tay thể thao“.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.