Tại cuộc họp chiều tối 3.11, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu phê bình 3 địa phương là Q.12, Q.Bình Thạnh và H.Hóc Môn chậm chuyển động trong công tác làm sạch môi trường, dù đã có ca bệnh Zika trên địa bàn. Tính từ tháng 3.2016 đến nay, tại TP.HCM đã có 30 người mắc vi rút Zika, trong đó có 3 thai phụ.
|
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kể từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên tại VN (tháng 3.2016) đến nay đã có 7 tỉnh, TP là Khánh Hòa, Bình Dương, Đắk Lắk, Long An, Phú Yên, TP.HCM và Trà Vinh ghi nhận có người dương tính với Zika. “Tuy nhiên, với sự lưu hành rộng rãi của muỗi truyền vi rút này, có thể sẽ tiếp tục phát hiện thêm các trường hợp mắc trong thời gian tới, đặc biệt tại các vùng có lưu hành muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika”, ông Phu lo ngại và nhận định có thể đã có ca mắc nhưng chưa được xét nghiệm, hoặc không có biểu hiện, bởi 60 - 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Do đó, việc mỗi cá nhân chủ động phòng bệnh là quan trọng.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết vi rút Zika lây truyền qua 3 đường: qua muỗi Aedes; qua quan hệ tình dục, truyền máu; từ mẹ lây truyền sang con. “Trên người nhiễm bệnh, vi rút Zika được tìm thấy trong máu, nước tiểu, tinh dịch, nước ối, nước bọt và trong mô não, dịch não tủy của thai nhi. Chỉ có 1 trong 5 người nhiễm có biểu hiện các triệu chứng như mắt đỏ, viêm kết mạc, sốt nhẹ, nhức đầu, nổi ban, đau khớp và kéo dài từ 2 - 7 ngày”, ông Dũng nói.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP, cho rằng việc quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để giảm tối đa số mắc, từ đó sẽ kéo theo giảm cơ hội lây lan cho phụ nữ mang thai. Thứ hai là phải diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt, phụ nữ mang thai quan trọng nhất là phải phòng muỗi đốt. Còn đối với những người có biểu hiện lâm sàng mắc Zika thì phải bảo vệ mình 7 ngày không để bị muỗi đốt, nhằm không tạo cơ hội muỗi lây sang cho người khác. Bên cạnh đó, những người đàn ông phải có trách nhiệm với vợ, người yêu, nếu có đi qua vùng dịch, bị phơi nhiễm vi rút Zika thì trong vòng 6 tháng tránh quan hệ tình dục.
Trong khi đó, theo khảo sát của PV Thanh Niên tại KP.3, P.24 (Q.Bình Thạnh) vào sáng 4.11, nhiều hộ dân vẫn để các vật dụng chứa nước là nơi phát sinh muỗi truyền nhiễm bệnh. Ông Đỗ Hữu Vị, Tổ trưởng Tổ 57, KP.3, cho biết: “Phường đã phun thuốc diệt muỗi hôm chủ nhật rồi và chủ nhật tuần này tiếp tục phun. Tôi cũng đã phát hết tờ rơi tuyên truyền bệnh Zika cho bà con, nhưng đúng là nhiều hộ còn chủ quan lắm”. Còn một số hộ dân ở P.17 (Q.Bình Thạnh) cho biết khu vực họ sống không thấy phun xịt thuốc và cũng chẳng có ai đến tuyên truyền, phát tờ rơi phòng chống bệnh Zika!
|
Bảo vệ phụ nữ mang thai
Bác sĩ CKII Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), cho biết bệnh viện đã tăng cường tư vấn cho thai phụ các vấn đề dấu chứng liên quan đến Zika; lập kế hoạch tư vấn cho thai phụ trong vùng bị nhiễm hoặc chưa nhiễm nhưng lo lắng. Bên cạnh đó, Từ Dũ cùng các đơn vị bạn xây dựng các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh, các bước theo dõi thai phụ có bị nhiễm Zika để phát hiện sớm nhất di chứng, nhằm đảm bảo trẻ sinh ra được khỏe mạnh, an toàn. Đặc biệt là tư vấn cho thai phụ biết cách phòng ngừa không để muỗi đốt trong nhà, nơi làm việc, mặc áo tay dài, bôi kem, ngủ mùng... “Làm mọi cách, làm sao để không bị muỗi đốt”, bác sĩ Hải nói.
Một chuyên gia về dịch tễ học cho rằng xét nghiệm cũng không phải là tiêu chuẩn vàng để phòng chống Zika, vì xét nghiệm cho ra kết quả âm tính không có nghĩa là chưa mắc, do 80% người lành mang vi rút. Mặt khác, xét nghiệm chỉ “bắt” được vi rút trong vòng 7 ngày kể từ khi khởi phát, nếu muộn hơn thì không phát hiện được trong khi thai phụ đã mắc rồi. Do vậy, để xác định nguy cơ thì phải tính thời gian lây nhiễm vi rút. Nếu phụ nữ mang thai lây nhiễm vào tháng thứ 8, 9 thì nguy cơ dị tật cho con thấp hơn người bị lây nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ. “Từ trước đến nay khó có bệnh nào nguy hiểm như Zika vì còn nhiều câu hỏi đang nằm trong vi rút Zika. Thật ra bệnh không phải đơn giản, nhẹ và chỉ có gây đầu nhỏ mà nó còn có dị tật trong thần kinh, ngoài thần kinh, mắt, tai, xương... mà chưa đánh giá được hết. Chừng nào người ta chưa hiểu hết vi rút Zika tấn công giai đoạn nào và phát hiện ra các gien nào quy định độc tố, gien nào lây lan mạnh thì lúc đó vẫn còn là ẩn số với vi rút này. Do vậy, bảo vệ phụ nữ mang thai khỏi muỗi đốt sẽ giải quyết được tất cả các mắt xích”, vị chuyên gia nói.
TS Trần Đăng Khoa, Phó vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế), lưu ý: "Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu thai kỳ sống trong vùng có dịch, hoặc từ vùng dịch trở về có biểu hiện sốt, phát ban, đau mỏi cơ - khớp hoặc phụ nữ mang thai siêu âm nghi ngờ thai nhi đầu nhỏ nên đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn xét nghiệm Zika". Ông Khoa cũng lưu ý, để sàng lọc sớm dị tật thai nhi, phụ nữ mang thai nên đi kiểm tra, khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong cả thai kỳ, siêu âm định kỳ để phát hiện dị tật thai nhi. Theo WHO, chỉ có khoảng 1 - 9% phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút Zika sinh em bé bị dị tật đầu nhỏ. Muốn xác định thai nhi bị dị tật đầu nhỏ hay không, cần siêu âm, đo kích thước vòng đầu thai nhi so với tuổi thai.
Mở rộng điều tra các trường hợp trẻ sinh ra có tật đầu nhỏ
Chiều 4.11, Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức họp báo thông tin về trường hợp trẻ sinh ra có tật đầu nhỏ nghi liên quan tới vi rút Zika tại xã Cư Pơng, H.Krông Búk. Bác sĩ Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế, cho biết đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế và Trường ĐH Nagasaki (Nhật Bản) đã lấy mẫu tại gia đình bệnh nhân trên để kiểm tra. Hiện ngành y tế vẫn chưa xác định nguồn lây vi rút Zika đối với trường hợp trên. Ông Long cũng cho biết vừa qua Sở Y tế Đắk Lắk đã mở rộng điều tra, giám sát 3 trường hợp trẻ sinh ra có tật đầu nhỏ tại xã Ea Bhốk (H.Cư Kuin), xã Ea Bông (H.Krông Ana) và P.Tân Lập (TP.Buôn Ma Thuột). Sở đã lấy 12 mẫu bệnh phẩm của mẹ, trẻ và người xung quanh trường hợp ở xã Ea Bông, cùng 10 mẫu bệnh phẩm phụ nữ mang thai có sốt ở xã Cư Pơng gửi đi xét nghiệm nhưng hiện chưa có kết quả. (Ngọc Quyền)
|
Bình luận (0)