Hãng nào cũng có chậm chuyến
|
Chị N.T.Hương kể thêm vừa đặt chuyến bay BL782 của Jetstar Pacific Airlines ngày 9.7 từ TP.HCM ra Hà Nội, giờ khởi hành là 12 giờ 15, dù chưa bay nhưng hãng đã nhắn tin thông báo dời chuyến 2 lần. Lần thứ nhất chuyển giờ bay là12 giờ 45. Lần thứ hai giờ bay là 14 giờ 50.
Một trường hợp khác hy hữu hơn, được đẩy giờ bay sớm 2 tiếng khiến khách bị vỡ kế hoạch. Ngày 15.7, chị N.T.Hiền bay từ Đà Lạt về Hà Nội trên chuyến bay VJ402, giờ bay là 1 giờ 30 nhưng lại bị đẩy sớm lên bay chuyến 11 giờ 30, khiến việc di chuyển ra sân bay vô cùng cập rập.
Anh M.Đ (Hà Nội) cho biết bay chuyến VN266 ngày 24.6 của hãng Vietnam Airlines từ TP.HCM - Hà Nội, theo thông báo máy bay sẽ khởi hành vào 18 giờ. Nhưng sau khi lên máy bay thì phải chờ hơn 90 phút, cơ trưởng mới thông báo, xin lỗi khách và giải thích vì máy bay bị hỏng, hành khách quay trở lại sân bay để đi chuyến khác. Tới 22 giờ 48, sau nhiều giờ chờ đợi ở sân bay, hành khách mới được thông tin chuyến thay thế sẽ khởi hành lúc 0 giờ.
Giải thích về chuyến bay chậm kéo dài 6 tiếng này, Vietnam Airlines cho biết khi hành khách lên máy bay, nhân viên phục vụ mặt đất phát hiện vấn đề kỹ thuật cần kiểm tra. Sau khi xác định máy bay không thể tiếp tục khai thác, tiếp viên đã mời hành khách xuống máy bay quay lại nhà ga. Đại diện hãng này cho biết đã xin lỗi các khách hàng và bồi thường 400.000 đồng/khách.
Theo quy định của ngành hàng không, các hãng được miễn trừ nghĩa vụ bồi thường trong rất nhiều trường hợp như hủy chuyến, chậm chuyến kéo dài vì thời tiết, sự cố kỹ thuật, nguy cơ an ninh hoặc đã thông báo bằng tin nhắn, điện thoại cho hành khách... Tuy nhiên, các hãng có rất nhiều cách né bồi thường, như thông báo chậm chuyến thành nhiều lần cho hành khách, kéo giãn thời gian chậm thành nhiều đợt thấp hơn 4 giờ.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng cần xem xét nâng mức bồi thường khi chậm hủy hoặc giảm bớt các quy định bồi thường, như rút ngắn thời gian từ 4 giờ xuống 2 - 3 giờ, có như thế mới tăng trách nhiệm cho hãng, giảm thiệt thòi cho khách hàng.
Cần có máy bay dự phòng
|
Còn theo Vietjet Air, cuối tháng 5, đầu tháng 6 thời tiết có những diễn biến phức tạp, tình trạng mưa lớn thường xuyên tại miền Nam, mưa gió bất thường tại Hà Nội cũng như các sân bay Thanh Hóa, Vinh, Phù Cát, Cần Thơ, Cam Ranh, Đà Nẵng đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động khai thác của các hãng. Bên cạnh đó, thiếu hụt cục bộ tại các đơn vị phục vụ mặt đất cũng ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của các hãng.
Đáng chú ý, sự quá tải tại các sân bay, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất khiến giờ bay thực tế của các hãng tăng lên rất nhiều do phải bay vòng chờ trên trời. Theo Vietnam Airlines, giờ bay thực tế so với kế hoạch 2016 tăng thêm 1.392 giờ, chi phí tăng thêm khoảng 188 tỉ đồng. Việc tăng thêm giờ bay chờ cũng là một nguyên nhân gây chậm chuyến dây chuyền.
Đại diện một hãng hàng không cho biết 1 máy bay trung bình mỗi ngày thực hiện 4 lượt cất hạ cánh, ví dụ từ đầu TP.HCM chậm 30 phút, các chuyến bay kế tiếp sẽ chậm dây chuyền theo.
Để giảm chậm hủy chuyến, Cục Hàng không yêu cầu các hãng phải có 10% năng lực máy bay khai thác làm dự phòng, ứng phó các tình huống bất thường gây chậm hủy chuyến. Tuy nhiên, một số hãng không thực hiện đầy đủ được tiêu chí này, lý do nếu để máy bay dự phòng không sử dụng tới vài chiếc sẽ... lãng phí, hiệu quả kinh tế thấp.
Bình luận (0)