Ngang nhiên mạo danh nghệ sĩ

25/06/2021 05:42 GMT+7

Tự nhận là nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long và đoạt giải thưởng quốc tế, một số cá nhân mạo danh nghệ sĩ , “ăn cắp” giải thưởng của người khác một cách ngang nhiên.

Nghệ sĩ Nguyễn Xuân Long, Nhà hát Múa rối Thăng Long, rất bức xúc khi đọc được bài viết trên một số trang báo mạng về nhân vật có tên N.V.B. Bài viết đưa thông tin N.V.B là nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Thăng Long, thêm nữa còn đoạt huy chương vàng cá nhân cho vai Roberto trong vở Hào quang từ quá khứ tại Liên hoan Múa rối quốc tế năm 2015.

Nếu việc mạo danh người của tổ chức nào đó hay nghệ sĩ nổi tiếng để lừa đảo sẽ là hành vi vi phạm pháp luật

Luật sư Phạm Văn Phất

Nhà hát Múa rối Thăng Long không có nghệ sĩ nào là N.V.B, còn giải thưởng được nhắc đến chính là giải thưởng mà nghệ sĩ Nguyễn Xuân Long đã được trao tặng. Khôi hài hơn, nghệ sĩ Nguyễn Xuân Long còn phát hiện bài viết về nhân vật N.V.B được “cải biên” từ bài viết về anh cách đây đã 5 năm. “Đây là sự bịa đặt trắng trợn”, NSƯT Đăng Tiến, nguyên Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Múa rối Thăng Long, cũng là tác giả kịch bản vở diễn Hào quang từ quá khứ, bức xúc. “Để có một vai diễn tâm đắc, Nguyễn Xuân Long đã phải mất rất nhiều công sức sáng tạo nghệ thuật. Vậy mà, một người ở đẩu đâu ngang nhiên “ăn cắp” giải thưởng của anh. Đó là việc bất công và không thể chấp nhận được”, ông nói.

Bài báo về nhân vật N.A tự nhận là nghệ sĩ múa rối Nhà hát Múa rối Thăng Long, đoạt giải quốc tế

Ảnh: Chụp màn hình

Khi những bài viết về nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long “dỏm” N.V.B vẫn còn gây bức xúc, thì lại xuất hiện thêm nhân vật khác có tên N.A trên một số trang báo mạng với bài viết có nội dung y chang như bài viết về nhân vật N.V.B (tức là được chỉnh sửa từ bài viết gốc về nghệ sĩ Nguyễn Xuân Long, và tiếp tục tự nhận là nghệ sĩ thuộc Nhà hát Múa rối Thăng Long, đoạt giải thưởng quốc tế). “Hai nhân vật trên tôi đều không biết là ai. Không hiểu động cơ của họ là gì”, nghệ sĩ Nguyễn Xuân Long nói.

Quote content

Quote author

“Sự việc này khiến nghệ sĩ chúng tôi rất bất bình”, NSƯT Quốc Khanh, Nhà hát Múa rối Thăng Long, lên tiếng. Anh đặt câu hỏi: phải chăng ở đây có việc những cá nhân vô danh giả mạo lý lịch nghệ thuật của nghệ sĩ để quảng bá, lợi dụng mạng xã hội với mục đích khuất tất?

Trang Facebook của Nhà hát Múa rối Thăng Long cảnh báo về đối tượng giả mạo nghệ sĩ nhà hát

Ảnh: Chụp màn hình

Không chỉ mạo danh

Trên trang Facebook đề tên N.V.B và N.V.B media có những hình ảnh giống hệt nhân vật N.V.B xuất hiện trên một số trang báo mạng. Trang N.V.B còn có đường dẫn những bài viết với thông tin giả mạo trên một số trang báo mạng. Cùng với đó, những trang Facebook này đều đăng tải thông tin quảng cáo: “N.V.B cho thuê nhóm bán hàng, livestream lớn nhất VN”.
Chia sẻ với Thanh Niên, NSƯT Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, cho biết nhà hát đã có văn bản gửi tới những đơn vị đăng tải thông tin về nhân vật mạo danh nghệ sĩ của nhà hát. Trong văn bản gửi tới các đơn vị trên, nhà hát khẳng định: “Người xưng danh nghệ sĩ N.V.B chưa từng có tên trong danh sách cán bộ, nhân viên và nghệ sĩ của nhà hát. Cũng đồng thời không phải là diễn viên, cộng tác viên thuộc đơn vị Nhà hát Múa rối Thăng Long”.  
Đến tối qua, sau bài phản ánh trên Thanh Niên Online về việc nhân vật N.V.B mạo danh nghệ sĩ, bài viết về nhân vật này trên một số trang báo đã không còn truy cập được.
Chúng tôi đã gọi tới số điện thoại “hotline”được chia sẻ cùng hình ảnh quảng cáo. Ban đầu, một nam thanh niên nghe máy nhận mình tên là B. Nhưng ngay khi biết người gọi điện là PV Thanh Niên và được hỏi có phải là nhân vật N.V.B - nghệ sĩ múa rối trong bài báo đăng tải thời gian qua, người này liền nói: “B. không dùng số này nữa, vừa mới mua lại”. Khi được hỏi vì sao lúc đầu nhận là B. mà bây giờ lại không thì người này thản nhiên đáp: “Mình cứ thích nhận đấy!”.

Quote content

Quote author

Trên thực tế, từng có nhiều vụ mạo danh nghệ sĩ nhằm mục đích lừa đảo. Mới đây, khi nhà thiết kế Nhật Dũng qua đời vì bạo bệnh, một trang Facebook được lập ra lấy tên của nhà thiết kế này, đồng thời giả mạo là người thân của anh đăng tải số tài khoản, kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ… gửi tiền phúng viếng.
Năm ngoái, một tài khoản đã mạo danh ca sĩ Phương Loan gửi tin nhắn cho bạn bè thân thiết đề nghị chuyển tiền để lo hậu sự cho chồng chị - nghệ sĩ Chí Tài. Bên cạnh đó, từng xuất hiện những tài khoản giả mạo tên nhiều nghệ sĩ kêu gọi giúp đỡ nghệ sĩ Lê Bình và Mai Phương trị bệnh ung thư.
Nhiều năm trước, ca sĩ Phương Thanh đã phải lên tiếng cảnh báo việc có kẻ mượn danh là tài xế riêng của chị để “hốt” khoảng 500 triệu đồng rồi bỏ trốn. Hoa hậu Đặng Thu Thảo từng phát hiện một tài khoản Facebook tự nhận là quản lý của mình cùng nhiều người đẹp khác để lừa đảo như xin tiền từ thiện, ký hợp đồng quảng cáo… Sau đó, những đối tượng này đã bị bắt quả tang khi đang ký hợp đồng quảng cáo với một đơn vị.
Theo luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), với trường hợp nhân vật tự nhận mình là nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Thăng Long, đoạt giải thưởng quốc tế, nếu để thông tin đó tồn tại lâu dài sẽ khiến công chúng tin đây chính là nghệ sĩ nổi tiếng và dẫn tới nhiều hệ lụy khác. Luật sư Phất cũng nhìn nhận tùy thuộc vào bối cảnh, mục đích sử dụng thông tin giả mạo để đánh giá về việc vi phạm của cá nhân. “Nếu việc mạo danh người của tổ chức nào đó hay nghệ sĩ nổi tiếng để lừa đảo sẽ là hành vi vi phạm pháp luật”, ông Phất nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.