Ngành chăn nuôi kiến nghị khẩn vì thua lỗ nặng

15/03/2023 06:40 GMT+7

Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cùng Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có công văn kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước đang hết sức khó khăn do giá đầu ra giảm mạnh.

1 con heo xuất chuồng lỗ 1 triệu đồng

Liên tiếp trong 4 tháng gần đây, giá heo hơi sụt giảm mạnh và hiện nằm ở mức đáy, thấp nhất trong 2 năm qua khiến người chăn nuôi gần như kiệt quệ vì thua lỗ.

Lý giải về việc này, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ngành chăn nuôi của VN đã và đang chịu thiệt hại nặng nề từ ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (AFS), dịch bệnh Covid-19, xung đột Nga - Ukraine đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu trên toàn cầu, dẫn tới chi phí logistics tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) cao kỷ lục trong một thời gian dài khiến giá thành sản xuất chăn nuôi rất cao. Cùng lúc đó, kinh tế trong nước cũng phải chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố khách quan dẫn tới nhu cầu của người dân giảm mạnh, giá bán sản phẩm chăn nuôi ra thị trường lao dốc, gây thua lỗ lớn cho toàn ngành.

Ngành chăn nuôi kiến nghị khẩn vì thua lỗ nặng - Ảnh 1.

Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán thịt xuống thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng

Q.T

Hiện nay, giá xuất chuồng các sản phẩm chăn nuôi đang rất thấp. Chẳng hạn, giá heo tại VN đã giảm mạnh về mức 45.000 đồng/kg tại miền Bắc và 47.000 đồng/kg tại miền Nam, trong khi giá thành sản xuất lên tới 54.000 - 55.000 đồng/kg. Vậy nên, một con heo xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng. Ngoài ra, giá gà, vịt, trứng, thủy sản cũng không khá hơn nên ngành chăn nuôi nói chung rất u ám.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhận định có rất nhiều hộ sẽ phải "đóng chuồng, đóng ao" trong thời gian tới vì thua lỗ triền miên, càng làm càng lỗ. Nhiều nông hộ không có khả năng tái đàn do giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá thành chăn nuôi. Năm 2022, giá bình quân các nguyên liệu TACN đều tăng so với năm 2021, với mức tăng từ 10 - 27%. Trong ngành sản xuất TACN VN, vì là nguyên liệu chính trong công thức cám thủy sản và cám heo, khô đậu tương là loại nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 về lượng, hiện khoảng 5 triệu tấn/năm. Giá khô đậu tương tăng mạnh trong thời gian qua đã tác động trực tiếp tới giá thành, làm tăng giá thịt, cá, trứng, sữa là nguồn cung cấp đạm động vật thiết yếu trong thành phần dinh dưỡng của người dân.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN, dẫn chứng cụ thể: "Giá khô đậu tương đã tăng liên tục đến 60 - 70% do ảnh hưởng của các yếu tố dịch bệnh, thời tiết và địa chính trị xảy ra trên toàn cầu. Khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu TACN có sản lượng nhập khẩu về VN đứng thứ 2, nhưng lại có kim ngạch lớn nhất do giá thành nhập khẩu khô đậu tương cao hơn bắp (ngô) khoảng 70%. Việc giá thành sản xuất tăng cao trong điều kiện người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đã khiến hàng loạt doanh nghiệp sản xuất và chăn nuôi phải dừng hoạt động. Tình hình các doanh nghiệp chăn nuôi thua lỗ, giải thể đã làm đứt đoạn phát triển kinh tế địa phương, thâm hụt nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển doanh nghiệp theo chiến lược phát triển của Chính phủ".

Kiến nghị giảm thuế về 0%

Trước tình hình cấp thiết trên, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để kiến nghị giảm thuế khô đậu tương từ 2% xuống 0%.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhằm hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước, Chính phủ đã có chính sách điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng lúa mì từ 3% xuống 0%, bắp giảm từ 5% xuống 2% từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu đối với khô đậu tương vẫn giữ nguyên trong khi đây là mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao nhất và là nguyên liệu chính để sản xuất cám cho heo và thủy sản. Vì vậy, việc giữ nguyên mức thuế này gây áp lực rất lớn lên chi phí sản xuất TACN.

Liên quan đến công văn này, ngày 7.3.2023, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tài chính, phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét để xử lý kiến nghị của hiệp hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có động thái gì mới trong khi ngành chăn nuôi đang chịu đựng thua lỗ mỗi ngày.

Ông Nguyễn Trí Công kiến nghị bức thiết: "Chúng tôi đại diện cho doanh nghiệp chăn nuôi tỉnh Đồng Nai và cũng vì người chăn nuôi trên cả nước, cấp bách đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương về 0% để hỗ trợ ngành sản xuất TACN, ngành chăn nuôi và người tiêu dùng VN".

Trước đó, cuối tháng 2.2023, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi VN đã có công văn kiến nghị nội dung tương tự. Theo đó, hiệp hội cho rằng: "Khô đậu tương là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu TACN, trong khi nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 85 - 90% giá thành. Tình trạng này đã khiến 45 - 50% trang trại lớn treo chuồng và khoảng 70 - 75% hộ chăn nuôi ngừng tái đàn. Nếu tiếp tục kéo dài mà không có sự can thiệp, hỗ trợ của Chính phủ thì tất yếu sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành chăn nuôi".

Ông Nguyễn Như So kiến nghị: "Trong khi đó, các nước có ngành TACN và chăn nuôi phát triển trong khu vực ASEAN nhiều năm qua đều đang duy trì thuế suất 0% đối với khô đậu tương nhập khẩu để hỗ trợ ngành TACN và chăn nuôi trong nước. Còn ở Hàn Quốc, chính phủ sẵn sàng trợ giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong những chu kỳ giá nguyên liệu tăng cao cho một số mặt hàng nguyên liệu chính để hỗ trợ các doanh nghiệp chăn nuôi, nhằm ổn định giá thành chăn nuôi trong nước. Việc giảm thuế suất nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% không chỉ giúp các doanh nghiệp chăn nuôi tại VN ổn định mặt bằng giá thành sản xuất trong nước, mà còn giữ lợi thế cạnh tranh cho ngành TACN của VN trong khu vực".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.