Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã sống sót thế nào trong xung đột?

02/05/2023 19:38 GMT+7

Dù gặp nhiều khó khăn vì các trận oanh tạc của Nga, các nhà sản xuất quốc phòng Ukraine vẫn tìm ra cách để tăng cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang nước này.

Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã sống sót thế nào trong xung đột? - Ảnh 1.

Một quân nhân Ukraine kiểm tra súng máy của xe tăng sau khi nạp đạn trong một cuộc huấn luyện quân sự gần tiền tuyến ở vùng Zaporizhzhia ngày 29.3

REUTERS

Đối với nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Ukraine là Ukroboronprom, cuộc xung đột bắt đầu khi một loạt tên lửa Nga phá hủy một nhà máy và một số máy bay chở hàng Antonov khổng lồ của họ.

Bất chấp các cuộc tấn công dai dẳng, Ukroboronprom cho biết trong năm qua họ đã cung cấp cho quân đội Ukraine số vũ khí nhiều hơn 8 lần so với năm trước.

Theo The Wall Street Journal, để tránh các cuộc tấn công của Nga và tăng cường sản xuất, Ukroboronprom và các công ty quốc phòng địa phương khác đã mở rộng sản xuất trên khắp Ukraine và thiết lập cơ sở ở các nước láng giềng.

Công nghiệp quốc phòng Ukraine đã sống sót thế nào trong xung đột?

Việc Ukraine có thể tiếp tục tự chế tạo đạn pháo, tên lửa và máy bay không người lái (UAV) bất chấp các cuộc oanh tạc và việc mua các linh kiện từ nước ngoài đóng vai trò quan trọng trên chiến trường. Đạn dược do các công ty nội địa giúp các khí tài từ thời Liên Xô của Ukraine tiếp tục vận hành. Hầu hết số khí tài này được mua từ trước xung đột và chiếm hơn 70% lực lượng pháo binh của nước này. Các công ty địa phương cũng có thể sửa chữa vũ khí theo thông số kỹ thuật của Liên Xô, trong khi một loạt công ty mới tham gia cũng đã bắt đầu sản xuất UAV và các thiết bị khác.

Tuy nhiên, khả năng chiến đấu của Ukraine hiện tại và trong tương lai vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vũ khí do phương Tây cung cấp. Các công ty địa phương không thể sản xuất những loại vũ khí tinh vi như hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Mỹ hay vũ khí chống tăng NLAW do Anh và Thụy Điển sản xuất vốn đã có tác động lớn đến cuộc chiến.

Dù vậy, các khí tài sản xuất trong nước đã mang lại cho Ukraine một số thành công đáng chú ý. Tháng 4.2022, tên lửa chống hạm Neptune của Ukroboronprom đã đánh chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga. Trong khi đó, lựu pháo tự hành Bohdana do Nhà máy máy kéo Kharkiv chế tạo đã bắn phá các vị trí của Nga trên Đảo Rắn ở Biển Đen trước khi Moscow rút quân.

Thiết kế lỗi là điểm yếu chí tử của xe tăng Nga?

"Bất chấp tên lửa tấn công và một số nhà máy của chúng tôi đang ở trong các vùng lãnh thổ bị Nga kiểm soát, chúng tôi thậm chí còn sản xuất nhiều hơn nữa", The Wall Street Journal dẫn lời ông Yuriy Husyev, giám đốc điều hành của Ukroboronprom, cho biết.

Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2.2022, ông Husyev cho biết ông đã ngay lập tức quyết định cho Ukroboronprom sản xuất ngày 24 giờ, 7 ngày một tuần.

Vì các cơ sở sản xuất của Ukroboronprom là mục tiêu cho tên lửa Nga, công ty đã chuyển càng nhiều hoạt động sang các địa điểm an toàn càng tốt và bắt đầu liên hệ với các công ty ở nước ngoài để được giúp đỡ. Cho đến nay, hơn 150 tên lửa Nga đã nhắm vào các nhà máy của Ukroboronprom, một số nhà máy đã bị phá hủy.

Ukroboronprom cho biết Cục An ninh Ukraine (SBU) năm ngoái đã bắt giữ một nhân viên của công ty với cáo buộc cung cấp cho lực lượng Nga vị trí của một nhà máy sản xuất xe bọc thép.

Phân tán sản xuất

Di dời sản xuất vũ khí trong chiến tranh không phải là điều hoàn toàn mới lạ. Trong Thế chiến 2, cả Anh và Đức đều phân tán hoạt động sản xuất để tránh máy bay ném bom. Họ đã đưa những hoạt động này cả vào hầm mỏ và xuống hệ thống tàu điện ngầm London.

Tuy nhiên, việc di chuyển các nhà máy được trang bị để chế tạo vũ khí hạng nặng không hề dễ dàng. Phân tán sản xuất cũng làm tăng chi phí và thời gian lắp ráp.

Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã sống sót thế nào trong xung đột? - Ảnh 2.

Biểu tượng của Ukroboronprom trên gian hàng của công ty bên trong hội trường Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế lần thứ 30 ở Kielce, Ba Lan ngày 5.9.2022

REUTERS

Hồi đầu tháng 4, Ukroboronprom cho biết họ đã đồng ý sản xuất đạn xe tăng ở Ba Lan. Công ty này sẽ cung cấp công nghệ và nhân sự cho dự án với Polska Grupa Zbrojeniowa SA, một công ty quốc phòng có trụ sở ở phía đông Ba Lan. Ukroboronprom cũng sản xuất đạn pháo và súng cối ở một quốc gia láng giềng khác mà ông Husyev từ chối nêu tên.

Những loại đạn này là cỡ nòng của vũ khí Liên Xô, khác với loại quân đội phương Tây sử dụng. Ông Husyev cũng ước tính rằng bất chấp việc Mỹ và các đồng minh liên tục gửi vũ khí tới Ukraine, tới 70% vũ khí và phương tiện hạng nặng của Kyiv vẫn có nguồn gốc từ thời Liên Xô.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh), gần 1.000 xe tăng chiến đấu chủ lực mà Ukraine sử dụng từ đầu xung đột đều có từ thời Liên Xô, hoặc dựa trên các thiết kế từ thời đó. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) cũng cho biết hơn 70% pháo binh của Ukraine là do Liên Xô thiết kế.

Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã sống sót thế nào trong xung đột? - Ảnh 3.

Xe tăng chiến đấu T-72 tại Nhà máy Thiết giáp Kyiv trước lễ bàn giao cho các quân nhân của lực lượng vũ trang Ukraine ở Kyiv, Ukraine ngày 24.2.2021

REUTERS

Dù Ukroboronprom đã giúp quân đội Ukraine đáp ứng một số nhu cầu, nhưng vẫn chưa đủ. "Chúng tôi cần tăng cường sản xuất gấp 10 lần và hơn thế nữa", ông Husyev nói.

Công ty cũng đang trong quá trình thiết lập dây chuyền sản xuất đạn pháo cỡ nòng 155 mm - tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - với một thành viên liên minh. Số đạn này sẽ được dùng cho pháo của phương Tây, bao gồm cả lựu pháo M-777 do Anh sản xuất và lựu pháo Panzerhaubitze của Đức, những vũ khí đang được lực lượng Ukraine sử dụng.

Ukraine đóng vai trò quan trọng trong tổ hợp công nghiệp-quân sự của Liên Xô. Đất nước này sản xuất tàu, động cơ máy bay trực thăng và tên lửa đạn đạo. Song, theo phó giáo sư Tom Roseth tại Đại học Quốc phòng Na Uy, ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine ít được đầu tư trong nhiều năm, khiến họ chỉ còn các sản phẩm cũ.

Ông Roseth cho biết Ukraine không sản xuất hoặc không thể sản xuất phần lớn những gì mà Mỹ và các đồng minh đã gửi tới Kyiv, bao gồm các hệ thống phóng loạt như HIMARS, vũ khí chống tăng và cả xe tăng.

Và một số sản phẩm do Ukraine sản xuất như UAV phụ thuộc vào các linh kiện nước ngoài. Các linh kiện này đang trở nên khó mua hơn do nhu cầu gia tăng.

UAV Nga đặt Ukraine vào thế lưỡng nan

Nhiều công ty UAV ra đời

Tuy nhiên, ngành công nghiệp vũ khí Ukraine đã hồi sinh trong những năm gần đây, được thúc đẩy từ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và căng thẳng giữa quân chính phủ và phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine vào năm 2014.

Vadym Yunyk, một kỹ sư không có kinh nghiệm quân sự, đã quyết định chế tạo UAV sau khi chứng kiến các cuộc biểu tình Maidan năm 2014 lật đổ tổng thống thân Nga của Ukraine lúc bấy giờ.

Công ty của ông Yunyk, ISR Defense, hiện sản xuất UAV. Các UAV này được sử dụng để thả chất nổ vào các mục tiêu Nga, chẳng hạn như xe tăng. Bất chấp những khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng linh kiện, ông Yunyk cho biết ISR hiện sản xuất tới 70 UAV mỗi tháng, tăng mạnh so với 4 chiếc/tháng của trước đây.

Mặc dù gặp nhiều thách thức trong việc sản xuất do ở trong vùng chiến sự, ông Yunyk cho biết ISR thường xuyên nhận được phản hồi từ các binh sĩ về cách UAV của họ hoạt động trên thực địa. Nhờ đó, họ đã ngưng sản xuất các UAV dùng Hệ thống định vị toàn cầu (GPS), sau khi người dùng cho biết hệ thống của GPS đang bị Nga gây nhiễu.

UkrSpecSystems, một nhà sản xuất UAV Ukraine khác được thành lập sau năm 2014, đã thiết kế một UAV giám sát mới có tên Shark theo yêu cầu của binh sĩ. Nhà máy của UkrSpecSystems đã bị đánh bom và công ty đang sản xuất UAV tại nhiều nơi ở Ukraine và ở Ba Lan.

Ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã sống sót thế nào trong xung đột? - Ảnh 4.

UAV Enterprise của AeroDrone, có thể bay xa tới 3100 km, ở một địa điểm không được tiết lộ hồi tháng 9.2022

REUTERS

Ngay sau khi Nga tấn công, đạn pháo đã rơi xuống bên cạnh nhà máy của AeroDrone ở Kyiv, khiến ông Dmytro Shymkiv, một trong những đối tác của công ty, phải sơ tán các sản phẩm dở dang của mình lên một chiếc xe tải.

Trong vòng vài tuần, AeroDrone đã chuyển địa điểm sản xuất và đang điều chỉnh để các UAV sử dụng trong nông nghiệp của mình chuyển sang mục đích quân sự.

"Chúng tôi đã di chuyển từ một số địa điểm và chuyển nhà máy nhiều lần. Toàn bộ ngành công nghiệp quốc phòng ở Ukraine đang thay đổi", ông Shymkiv cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.