Theo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn 2021 - 2030 của Việt Nam khoảng 141,59 tỉ USD, trong đó phần nguồn điện 127,45 tỉ USD và phần lưới khoảng 14,14 tỉ USD.
Như vậy, bình quân vốn đầu tư mỗi năm vào ngành điện cho giai đoạn tới khoảng 14,16 tỉ USD. Trong đó phần nguồn khoảng 12,72 tỉ USD/năm và phần lưới khoảng 1,41 tỉ USD/năm. So với bình quân mỗi năm giai đoạn trước (2011 - 2020) là 9 tỉ USD/năm, tiền đầu tư phát triển điện lực giai đoạn sau tăng đến 5 tỉ USD/năm. Cục Điện lực và năng lượng tái tạo nhận định, đây là áp lực rất lớn cho ngành điện để đầu tư đảm bảo nguồn cung ứng đủ điện cho cả nước trong tương lai.
Trung bình mỗi năm, ngành điện cần hơn 14 tỉ USD đầu tư |
H.Hy |
Cụ thể, khối lượng đầu tư đến năm 2030 bao gồm: Khối lượng lưới điện truyền tải 500 kV cải tạo và xây dựng mới gần 15.000 km (trong đó xây mới khoảng 13.000 km); Tổng dung lượng trạm biến áp 500 kV cải tạo và xây mới khoảng 86.000 km (xây dựng mới hơn một nửa, khoảng 48.500 km); Lưới điện truyền tải 220 kV cải tạo và xây dựng mới gần 23.000 km (xây mới khoảng 16.000 km); Tổng dung lượng trạm biến áp 220 kV cải tạo và xây mới khoảng 110.000 km (xây dựng mới khoảng 74.000 km).
Mục tiêu của ngành đưa ra là xây dựng, phát triển ngành điện độc lập, tự chủ và hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào các nước ngoài, đặc biệt là các nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Đặc biệt, tăng cường nhập khẩu và liên kết lưới điện với các nước láng giềng, từng bước loại bỏ một cách mạnh mẽ các nguồn điện không thân thiện với môi trường và thay thế bằng các nguồn điện năng lượng tái tạo.
Tất nhiên, việc đầu tư các nguồn điện năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới cần cụ thể hóa nhanh nhằm đảm bảo việc thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 về việc khí thải carbon về 0 vào năm 2050. Hiện Việt Nam đang đẩy mạnh nhập khẩu điện từ Lào, đàm phán nhập khẩu điện Trung Quốc...
Bình luận (0)