Ngành điện chuyển từ lỗ nặng sang lãi nhẹ như thế nào?

02/11/2024 06:25 GMT+7

Đề án cấu trúc lại Tập đoàn Điện lực VN (EVN) năm 2025 đặt ra mục tiêu phải kinh doanh có hiệu quả và có lãi. Mục tiêu này liệu có xa vời trong bối cảnh doanh nghiệp này đang lỗ lũy kế hơn 48.000 tỉ đồng?

Có cơ sở để thoát lỗ

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Điện lực VN giai đoạn đến hết năm 2025. Trong đó, đặt mục tiêu phát triển EVN thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; mục tiêu doanh thu toàn tập đoàn đến hết năm 2025 tăng trưởng bình quân từ 7 - 10%, nộp ngân sách nhà nước toàn tập đoàn trên 23.000 tỉ đồng/năm và hoàn thành các chỉ tiêu theo Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 345.

Để đạt mục tiêu trên, Đề án cũng đưa ra định hướng và giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn đến hết năm 2025. Cụ thể, cơ cấu về quản trị doanh nghiệp, tăng cường quản lý đầu tư, quản trị rủi ro, rà soát xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém thua lỗ thuộc EVN; cơ cấu lại tài chính và tăng cường quản trị tài chính, dòng vốn… cũng như sắp xếp, cơ cấu lại các đơn vị thành viên, công ty mẹ.

Ngành điện chuyển từ lỗ nặng sang lãi nhẹ như thế nào?- Ảnh 1.

Đề án tái cấu trúc EVN năm 2025 đặt mục tiêu tập đoàn phải có lãi và trở thành tập đoàn kinh tế lớn mạnh

ẢNH: H.H

Điều đáng nói ở đây là hiện trạng của EVN lại khá bết bát. Cụ thể, kết quả hoạt động kinh doanh điện năm 2023 của tập đoàn là lỗ gần 21.000 tỉ đồng dù đã có 2 lần tăng giá. Số lỗ này chưa bao gồm mức chênh lệch tỷ giá còn "treo" hơn 18.000 tỉ đồng. Như vậy, tính lũy kế 2 năm 2022 và 2023, số lỗ của EVN vẫn còn hơn 48.000 tỉ đồng. Trong 9 tháng của năm 2024, thông tin cho thấy EVN tiếp tục lỗ và lần tăng giá bán lẻ điện bình quân 4,8% vừa qua chỉ bù đắp phần nào chi phí và doanh nghiệp vẫn chưa thoát cảnh lỗ lã.

Nhìn vào số lỗ và mục tiêu có lãi vào năm 2025, nhiều người đặt câu hỏi liệu mục tiêu này có khả thi. Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo ngành điện lực cho rằng mục tiêu được Chính phủ đề ra và tình hình thực tế hoàn toàn không mâu thuẫn. Bởi về bản chất, khoản lỗ cũ đã được kiểm toán đầy đủ thì chưa thể bù và tạm hạch toán vào vốn chủ sở hữu. Tình hình kinh doanh năm 2024 phải chờ đến cuối năm. Tuy nhiên, hiện tại, vận hành thủy văn khá tốt, nếu tối ưu, nguồn điện này có giá thành rẻ hơn các nguồn khác, và qua đó giúp ngành điện giảm lỗ. Bên cạnh đó, theo Đề án đưa ra, ngành điện liên tục thực hiện cắt giảm chi phí thường xuyên 15%, chi phí sửa chữa lớn cắt giảm từ 15 - 30%...

"Nếu đẩy mạnh cơ cấu lại nguồn lực, thủy văn thuận lợi, giá chi phí đầu vào như than, dầu không biến động nhiều, hy vọng mục tiêu Đề án đề ra có thể thực hiện được", vị này nhấn mạnh và cho rằng, tăng giá điện không phải là giải pháp giúp tập đoàn có lãi mà cần nhiều yếu tố khác.

Tăng giá + tái cấu trúc = lãi nhẹ

Trong thực tế, những năm EVN báo lỗ lớn thì các tổng công ty thành viên, đặc biệt công ty phát điện, lại nhận lãi lớn. Đơn cử Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) ra báo cáo cuối năm 2023 cho thấy doanh thu thuần giảm 3,2% so với năm trước, nhưng lợi nhuận đạt 1.350 tỉ đồng. Công ty CP Phát triển điện lực VN lãi hơn 191 tỉ đồng; Công ty CP Thủy điện miền Trung cũng lãi sau thuế gần 338 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư điện lực 3 có lợi nhuận sau thuế đạt 38 tỉ đồng; Công ty CP Thủy điện - Điện lực 3 lãi ròng hơn 58 tỉ đồng; Công ty CP Điện lực Khánh Hòa lãi ròng hơn 50 tỉ đồng...

Trước đó, năm 2022, dù EVN lỗ hơn 26.000 tỉ đồng song nhiều công ty thành viên thuộc "họ EVN" lại có mức lãi lớn. Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO 2) lợi nhuận tăng 59% so với năm trước, lên 4.531 tỉ đồng; EVNGENCO 1 lãi 2.104 tỉ đồng; EVNGENCO 3 đạt 2.549 tỉ đồng. Tương tự, lợi nhuận của Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức tăng 75% lên 7 tỉ đồng; Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4 tăng 17% lên 41 tỉ đồng; Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh lợi nhuận đạt 1.264 tỉ đồng, vượt 40% so với kế hoạch năm và tăng gấp 3 lần mức lãi của năm trước đó; Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh cũng thu lãi 764 tỉ đồng…

Về vấn đề này, theo các chuyên gia, thị trường điện cạnh tranh vận hành từ tháng 7.2012, trong đó EVN được giao nhiệm vụ là đơn vị duy nhất đứng ra mua điện để bán lại cho khách hàng, từ giá thấp đến giá cao. Thế nên, khi nguồn điện giá thấp giảm, bắt buộc phải huy động nguồn điện giá cao, khiến chi phí đội lên, nhưng giá bán điện lại theo Nhà nước quy định khiến tập đoàn bị lỗ lã kéo dài.

Lỗ lãi phụ thuộc vào giá bán cũng đặt ra câu hỏi với mục tiêu có lãi trong Đề án, liệu giá bán lẻ điện bình quân trong năm tới có phải tăng liên tục để bù vào cho khoản chênh lệch giữa giá thành sản xuất và giá bán của EVN hay không?

TS Nguyễn Đức Độ, chuyên gia kinh tế, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, cho rằng tình trạng lỗ từ các năm trước của EVN liên quan nhiều vấn đề, trong đó có ảnh hưởng lớn từ đại dịch Covid-19, giá cả hàng hóa thế giới biến động. Năm 2023, ngành điện đã có 2 lần tăng giá điện, nhưng không bù được phần nào lỗ do giá đầu vào vẫn biến động mạnh. Năm nay cũng tương tự. Những tháng đầu năm, giá cả vẫn còn biến động, giá điện lại không được điều chỉnh. Giữa tháng 10 mới tăng 4,8% nên hy vọng doanh thu đến cuối năm nay sẽ được cải thiện. Các tháng đầu năm sau thì tốt hơn.

"Doanh thu tăng thì lợi nhuận sẽ được cải thiện tốt. Nên tôi nghĩ mục tiêu đề ra trong đề án tái cơ cấu EVN năm 2025 không mâu thuẫn với thực tế. Riêng về mặt doanh thu, lợi nhuận, tôi nghĩ là khả thi", TS Nguyễn Đức Độ đánh giá.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, cũng khá lạc quan với mục tiêu chuyển từ lỗ khủng sang lãi nhẹ vào năm sau nhờ giá điện tăng. Ông dẫn chứng năm 2023, giá điện tăng 2 lần với tổng mức tăng 7,5%, nhưng cuối năm 2023, EVN vẫn lỗ lớn do giá không được tính đủ trong 2 năm giá cả đầu vào biến động lớn.

"Giá dầu, giá than trong những năm dịch biến động, có thời điểm tăng rất cao, nhưng giá bán điện không được tăng vì phải hỗ trợ nền kinh tế vừa chống dịch, vừa phục hồi. Nay lại khác hoàn toàn, biến động giá thế giới trong tầm có thể dự báo được. Quan trọng nhất của ngành điện là tiếp tục tái cấu trúc nhiều hơn, tái cấu trúc trong bộ máy, trong giá mua giá bán, trong các chi phí sửa chữa…", TS Thịnh nói và giải thích rõ hơn: "Trước khi EVN có quyết định tăng 4,8% giá bán lẻ điện bình quân ngày 11.10, tính toán chênh lệch giữa giá mua và giá bán điện bình quân khoảng 6,29%. Tức là giá đầu vào cao hơn giá bán ra bình quân hơn 6%. Năm 2025, nếu đặt ra mục tiêu tăng trưởng 7% theo đề án, chắc chắn sẽ "thoát" lỗ và có lãi một ít".

Tái cấu trúc, tách bạch, đẩy mạnh cắt giảm chi phí, tái cơ cấu ngành, kiểm toán đầy đủ và thực hiện cạnh tranh theo thị trường, tức là giá điện được điều chỉnh kịp với biến động giá thế giới... Tôi hy vọng tương lai ngành điện sẽ phát triển tốt hơn hiện nay.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.