Rất nhiều yếu kém trong quản lý, điều tiết cung cầu thị trường điện được chỉ ra trong hội thảo “Thị trường năng lượng cạnh tranh”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức hôm qua (1.7) tại Hà Nội.
Nhiều người dân bức xúc vì hóa đơn tiền điện tăng vọt bất thường trong tháng qua - Ảnh: Bạch Dương
|
EVN “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Dẫn ra những ví dụ thực tế về yếu kém của thị trường điện gần đây như điều chỉnh giá bất thường, chất lượng cung ứng điện kém…, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng tuy VN đang xây dựng thị trường điện cạnh tranh ở nhiều cấp độ nhưng hiện nay chưa có một thể chế thị trường tốt thì không thể có một thị trường điện.
|
“Cải cách trong lĩnh vực điện vừa qua rõ ràng không thành công vì không hiệu quả. Tôi không thấy rõ việc cải cách trong lĩnh vực này có định hướng tốt để thúc đẩy đầu tư dài hạn vào điện; không nhìn thấy sự tách biệt giữa Tập đoàn điện lực VN (EVN) với Bộ Công thương. Thị trường thiếu hụt về sản lượng, giảm sút về chất lượng, giá cả có vẻ không hợp lý. Ở đây, có gì đó thất bại của thể chế, cách thức quản lý. Chúng ta cứ so sánh với thị trường điện ở các nước thì thấy VN đang có một khoảng cách lớn và ngành điện VN đang rất khác biệt so với họ”, ông Cung nói.
Nhận xét về thị trường điện VN hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công thương), cho rằng mức độ cạnh tranh của thị trường phát điện VN thấp. Hằng năm, Cục Điều tiết điện lực (thuộc Bộ Công thương) ra danh sách trực tiếp và gián tiếp thị trường điện cạnh tranh thì tổng lượng điện chỉ có 48% đấu giá trên hệ thống. Đó đều là nhà máy lớn và nhà máy BOT…, chưa có sự tham gia đầy đủ của các thành phần phát điện. Nhiều chức năng thị trường hiện vẫn nằm trong EVN, như Trung tâm điều động hệ thống điện, Tổng công ty truyền tải điện, Công ty mua bán điện… “Phải tách các đơn vị này ra thì mới có thị trường”, ông Hưng nhấn mạnh. Cũng theo chuyên gia này, hiện các nhà sản xuất điện lớn buộc phải thực hiện theo hợp đồng bán điện cho người mua duy nhất là EVN, nên có cản trở cả kỹ thuật và thể chế. Các nhà máy nhỏ thì không vướng về thể chế nhưng lại vướng về kỹ thuật, muốn bán phải đấu nối với hệ thống điện, và vẫn phải thông qua EVN.
Cần xem lại biểu giá điện
Ông Julian Scarff, chuyên gia Úc, cho rằng tình trạng thiếu điện sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn, phải tìm nguồn phát riêng có chi phí lớn dẫn đến sức cạnh tranh kém. Do đó, VN cần thu hút đầu tư tư nhân nhiều hơn để tăng cường nguồn cung. Việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh của VN cũng quan trọng, nhưng đáng lưu ý nhất là phải có một cơ quan điều tiết điện lực đủ năng lực để kiểm soát thị trường, nhất là với những dạng vi phạm phổ biến nhất về giá, xử lý tình trạng chào giá không đúng.
Trao đổi với báo chí về tình trạng hàng loạt hộ gia đình ở nhiều tỉnh, thành phố bức xúc về hóa đơn tiền điện tăng vọt trong tháng qua, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM, cho rằng cần xem lại biểu giá điện lũy tiến hiện nay có phù hợp thực tế và thu nhập của người dân hay không. “Vào năm 2000, giá điện VN tính theo USD, khi đó tỷ giá 11.000 đồng/USD, hấp dẫn nhà đầu tư. Khi lạm phát tăng, tỷ giá lên 21.700 đồng, lạm phát không phải do người dân. Bây giờ mình lấy lý do giá điện thấp, không thu hút nhà đầu tư, dồn gánh nặng lên đầu người dân”, ông Doanh phân tích và cho rằng: "Không ai muốn ngành điện sụp đổ nhưng phải xem lại giá điện có phù hợp, nhất là mức độ lũy tiến của giá điện, giãn cách tính lũy tiến ra. Tại sao lại lấy mốc 50 kWh, phải xem người tiêu dùng sử dụng bao nhiêu, 50 kWh thì dùng được vào việc gì để rồi dùng cơ chế trợ cấp giá điện”. Cũng theo chuyên gia này, ngành điện đang đẩy khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, nhất là các ngành thép, xi măng, cắn răng chịu giá điện cao, không cạnh tranh được với các nước khi VN hội nhập với các nước khác. “Với nhiệt độ tăng lên bất thường, nhu cầu dùng điện là nhu cầu tối thiểu, không thể vì tiết kiệm mà không dùng nên chỉ có người dân là thiệt thòi. Ngành điện đang vô cảm với người dân”, ông Doanh nói.
Cũng theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc EVN, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương xây dựng chính sách giá điện là không hợp lý. Vì Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu, vừa quản lý vừa giám sát nên bộ này chưa bao giờ từ chối đề xuất tăng giá điện. "EVN và Bộ Công thương là một. Vấn đề là cải cách thể chế, cần có cơ quan độc lập, tách khỏi Bộ Công thương, tách chức năng chủ sở hữu trực tiếp và hoạt động theo luật. Đây là mô hình của các nước theo thị trường”, ông nói.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cũng khẳng định nếu không thay đổi, đặc biệt là EVN, thì vấn đề kỹ thuật không giải quyết được. Thách thức để cải cách ngành điện rất lớn khi Bộ Công thương vừa làm quản lý, làm chính sách vừa làm chủ sở hữu, điều hành doanh nghiệp trong khi EVN làm cả sản xuất, phân phối và bán lẻ. “Người trong cuộc không bao giờ tự thay đổi, chỉ khi có áp lực bên ngoài đủ lớn”, ông Cung nói.
Tách truyền tải khỏi sản xuất Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho rằng để có thị trường điện cạnh tranh phải thiết lập thể chế, thay đổi cấu trúc cách thức quản lý. “Ngành điện có nhiều khái niệm: người vận hành thị trường, điều tiết thị trường, giám sát thị trường... nhưng ở VN, có cơ quan chưa có hoặc có nhưng không độc lập. Ví dụ như cơ quan điều tiết phải độc lập, cơ quan hoạch định chính sách phải độc lập với chủ sở hữu. Những cơ quan điều tiết, giám sát thị trường có đứng độc lập mới bảo vệ lợi ích người tiêu dùng (cộng đồng), và bảo vệ lợi ích người sản xuất. Vì vậy, phải tách biệt hệ thống truyền tải khỏi sản xuất, đây là hệ thống độc quyền tự nhiên nhà nước phải vận hành nó, để người sản xuất và người tiêu dùng có quyền bình đẳng như nhau và thuận lợi tiếp cận hệ thống truyền tải. Giá cả của nó phải là giá dịch vụ công ích”, ông Cung nói. |
Bình luận (0)