Những tồn tại của du lịch Long An
Trong 7 tháng đầu năm 2024, Long An đón gần 1 triệu du khách (tăng gấp đôi so với cùng kỳ và gần bằng lượng du khách của cả năm 2023). Song, kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng du lịch rất lớn của tỉnh.
Ông Nguyễn Thành Thanh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Long An, nhìn nhận rằng ngành du lịch của tỉnh còn nhiều tồn tại, đang được tập trung khắc phục. Theo ông Thanh, du lịch Long An chưa có được những sản phẩm du lịch đặc thù chất lượng cao; sản phẩm du lịch phần lớn chỉ dựa vào các điểm di tích lịch sử - văn hóa, nhiều điểm mới chưa được đầu tư, trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh. Đối với sản phẩm du lịch, phần lớn chỉ dựa vào các sản vật sẵn có tại địa phương, chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng, chưa tạo có thương hiệu riêng mang tính độc đáo đến du khách nên khó ghi dấu ấn tên sản phẩm riêng biệt, đặc trưng để làm quà lưu niệm, kích thích sự đón nhận và trở lại của du khách.
Chất lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ ăn uống… chưa đạt chuẩn. Về cơ sở lưu trú, tỉnh chưa có khách sạn 3 sao trở lên; đa số nhà nghỉ, phòng nghỉ chật hẹp, chất lượng phục vụ của bộ phận lễ tân thiếu chuyên nghiệp. Kết cấu hạ tầng du lịch chưa đáp ứng yêu cầu kết nối với các khu, điểm có tiềm năng trọng yếu; hệ thống giao thông đường bộ xuống cấp, chật hẹp, chưa thông thoáng, ảnh hưởng đến quá trình di chuyển và tâm lý thoải mái của du khách.
Vẫn theo ông Thanh, nguồn vốn đầu tư của ngân sách cho du lịch còn hạn chế; thiếu các nhà đầu tư kinh doanh du lịch mang tính chiến lược và chuyên nghiệp. Công tác mời gọi đầu tư vào các dự án (DA) du lịch, nhất là các di tích lịch sử văn hóa, còn gặp nhiều khó khăn do vướng những quy định của pháp luật hiện hành như: luật Di sản văn hóa; Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12.11.2015 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện luật Đầu tư và Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10.10.2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục thực hiện xã hội hóa.
Để ngành kinh tế tổng hợp phát triển toàn diện
Sở VH-TT-DL Long An đang xây dựng dự án phát triển du lịch để thu hút đầu tư; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền về các chính sách ưu đãi đầu tư để kêu gọi nhà đầu tư tham gia đầu tư vào các dự án du lịch, các di tích lịch sử trên địa bàn.
Về chính sách, Sở VH-TT-DL Long An phối hợp các ngành nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù trong các lĩnh vực thuế, về đầu tư, về đào tạo nhân lực, thị trường... nhằm tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mọi thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Sở tham mưu vận hành chính thức Cổng thông tin và ứng dụng di động du lịch thông minh tỉnh Long An để thực hiện công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thông tin du lịch của Long An đến với du khách và bạn bè quốc tế. Tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ "Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Long An thông qua việc xác lập, quản lý các quyền sở hữu trí tuệ" để đưa vào sử dụng.
Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, hằng năm, sở đều rà soát, xây dựng kế hoạch tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng du lịch, cho các cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý Nhà nước lĩnh vực du lịch nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác phát triển du lịch.
Long An đang tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về du lịch; tăng cường hợp tác liên kết với các địa phương trên cả nước; đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp.
Bình luận (0)