Từ năm 2013, ngành Y tế xây dựng kế hoạch triển khai phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân. Ngay khi thực hiện kế hoạch, Cục Quản lý môi trường y tế đã chọn Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là đơn vị phối hợp phát động phong trào và tạo ra những chuyển biến rõ rệt.
Nhà vệ sinh tại Ga Gia Lâm đáp ứng nhu cầu của hành khách tại ga |
Các hoạt động của phong trào gồm, thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe, tổ chức thực hiện tốt vệ sinh nơi công cộng bằng việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; thu gom, loại bỏ dụng cụ phế thải xóa bỏ nơi sinh sản của muỗi, quản lý tốt nước thải, rác thải sinh hoạt, rác thải tại nhà ga, đoàn tàu khách, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường. Định kỳ hàng tháng tổ chức đợt tổng vệ sinh cơ quan, nhà ga đoàn tàu để tạo thói quen và nề nếp vệ sinh trong nhân dân, đảm bảo an toàn cung cấp nước ăn uống và sinh hoạt tại cơ quan, nhà ga, đoàn tàu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường lao động, vệ sinh cá nhân người lao động.
Nhà vệ sinh tại Ga Hà Nội thoáng đãng, sạch sẽ, miễn phí cho hành khách
|
Sau hơn 2 năm phát động, phong trào đã đem lại những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng vệ sinh tại các nhà ga, bến tàu.
Theo quan sát của chúng tôi, ở các nhà ga, bến tàu tại Hà Nội, không gian sạch sẽ và thoáng đãng hơn rất nhiều. Thùng rác được đặt ở các lối đi, hệ thống nhà vệ sinh được xây dựng khang trang, sạch sẽ và hoàn toàn miễn phí cho hành khách đi tàu. Nhà vệ sinh cung cấp đầy đủ, nước, gương, bộ vòi chậu. Tất cả các phòng vệ sinh đều xả thải tự động, rất tiện dụng. Nhân viên vệ sinh dọn dẹp ngày 2 lần, thậm chí 3 -4 lần. Trên mỗi toa tàu đều có nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay sạch sẽ.
|
Chị Đào Thị Ngọc Ánh (Hà Tĩnh), một hành khách thường xuyên đi tàu tại ga Hà Nội cho biết: “Mấy năm trước, tôi bí lắm mới phải bịt miệng, bịt mũi vào nhà vệ sinh ở nhà ga, cứ về quê một chuyến là mệt lử. Bây giờ khác nhiều rồi. Tôi thấy thoáng hơn, không còn cảm giác ghê người khi đi vào nhà vệ sinh công cộng như trước kia nữa. Khi lên tàu, nhân viên nhà ga cũng nhắc nhở khách vứt rác đúng nơi quy định nên việc vứt rác bừa bãi trên tàu cũng giảm. Tôi đỡ bị ám ảnh vì mùi tàu xe hẳn”.
Cùng chung suy nghĩ với chị Ánh, chị Lăng Quế Lâm (Lạng Sơn), hành khách tại ga Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội) cho rằng, chất lượng vệ sinh tại nhà ga này đã có những thay đổi rõ rệt. Theo chị Lâm, từ khu vực đợi tàu đến sân ga đều sạch sẽ, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi như trước đây nữa. Nhà vệ sinh không còn ô uế, lầy lụa nước, thoáng đãng hơn trước rất nhiều.
|
Dù đã có những chuyển biến tích cực, tại các nhà ga, bến tàu hiện nay, tình trạng quá tải dẫn đến mất vệ sinh vẫn còn diễn ra, đặc biệt trong dịp tết. Theo một nhân viên vệ sinh tại Ga Hà Nội, trước đây, phía bên ngoài nhà ga có 2 nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, gần đây, các nhà vệ sinh này đã bị phá bỏ khiến lượng người dồn vào, giải quyết nhu cầu tại nhà ga rất đông. “Những dịp lễ tết, khách tập trung ở nhà đây như đi hội, 2 khu vệ sinh trong nhà ga không kịp đáp ứng. Những hôm ấy, chúng tôi quét dọn luôn tay nhưng vẫn không thể hoàn toàn sạch sẽ được. Chưa kể, nhiều người vì không chờ đợi được còn phóng uế bừa bãi trong nhà ga, làm bốc mùi khó chịu”, nhân viên vệ sinh này phàn nàn.
Tới đây, để tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào, Cục Quản lý môi trường y tế sẽ phối hợp với ngành Đường sắt tiếp tục tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của cán bộ quản lý các nhà ga hạng 1, trưởng các đoàn tàu và khảo sát, đánh giá thực trạng sử dụng nhà vệ sinh, nhà tiêu hợp vệ sinh tại các nhà ga hạng 1, trên các đoàn tàu, đồng thời tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, giám sát công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân viên y tế.
Bình luận (0)