Ngành gỗ đạt kỳ tích kim ngạch xuất khẩu 15,6 tỉ USD

17/12/2021 14:46 GMT+7

Vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và nguy cơ tranh chấp phòng vệ thương mại từ thị trường Mỹ, ngành gỗ Việt Nam đã tăng tốc đột phá trong những tháng cuối năm và đạt kim ngạch xuất khẩu 15,6 tỉ USD, tăng hơn 18% so với năm trước.

Thành tích ngoạn mục

Ngày 17.12, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất, xuất khẩu ngành gỗ năm 2021. Đánh giá lại giai đoạn khó khăn trong năm 2021, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chia sẻ: Mới cách nay vài tháng chúng ta ngồi cùng nhau tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn do tình hình dịch bệnh và những rào cản thương mại, lúc đó ai cũng hết sức lo lắng và cảm thấy bất an trước diễn biến khó lường của dịch bệnh và gần như bế tắc. Thế nhưng chỉ trong vài tháng các doanh nghiệp ngành gỗ đã hồi phục thần tốc và đạt mức tăng trưởng ngoài mong đợi. Năm 2020 chúng ta đã tăng trưởng rất mạnh rồi nhưng năm nay khó khăn kéo dài như thế mà mức tăng lại còn mạnh hơn nữa, đó có thể gọi là kỳ tích.

Ngành sản xuất đồ gỗ, lâm sản đã đạt kỳ tích kim ngạch xuất khẩu 15,6 tỉ USD trong năm 2021

quang thuần

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 15,6 tỉ USD, tăng 18% so với năm 2020, gồm: Gỗ các loại đạt 3,6 tỉ USD, tăng 28%; sản phẩm gỗ đạt 10,87 tỉ USD, tăng 14%, lâm sản ngoài gỗ đạt 1,1 tỉ USD, tăng 29,5%. Trong đó các mặt hàng tăng trưởng mạnh như đồ gỗ nội thất đạt 9,46 tỉ USD (tăng 7,7 %), đồ gỗ xây dựng đạt 461 triệu USD, (tăng 17,1%), dăm gỗ đạt 1,73 tỉ USD (tăng 18,4%), viên nén gỗ đạt 425,7 triệu USD (tăng 17,4%), gỗ tròn, xẻ đạt 48,4 triệu USD (tăng 24,5%), ván các loại đạt 1,38 tỉ USD (tăng 58,1%), sản phẩm từ mây, tre đạt 841 triệu USD (tăng 38,1%), sản phẩm từ quế, hồi đạt 265,4 triệu USD (tăng 8,1%).

Về thị trường, gỗ và lâm sản Việt Nam được xuất khẩu trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 13,98 tỉ USD, chiếm 89,5 % giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước. Cụ thể: xuất khẩu sang Mỹ đạt 9,1 tỉ USD, tăng 21,4% so với năm 2020; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 1,45 tỉ USD; xuất sang Trung Quốc đạt 1,5 tỉ USD, xuất sang EU đạt 1,1 tỉ USD; xuất sang Hàn Quốc đạt 950 triệu USD, tăng 5,7% so với năm 2020...

Tiếp nối đà tăng trưởng năm 2021, Bộ NN-PTNT đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt trên 16,5 tỉ USD trong năm 2022.

Giá vận chuyển làm giảm lợi thế cạnh tranh

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp gỗ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định đều nêu ra khó khăn lớn nhất là thiếu tàu vận chuyển và chi phí nguyên liệu gia tăng. Theo các hiệp hội, chi phí vận tải tăng gấp 4 lần so với thời điểm trước khi dịch bệnh diễn ra. Một container hàng sang Mỹ hiện doanh nghiệp mất từ 20.000 - 30.000 USD, chi phí logistics tăng cao, thậm chí không tìm được kho tạm lưu hàng hóa. Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định phản ánh: Chi phí quá cao cộng vào giá thành khiến gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang bị lép vế cạnh tranh trên thị trường. Lợi thế của Việt Nam là giá nhân công rẻ, nhưng khi giá vận chuyển tăng thì lợi thế này không còn nữa. Ví dụ nếu so với nước sản xuất khác như Mexico thì giá nhân công họ cao hơn Việt Nam nhưng họ lại gần bên cạnh Mỹ nên chi phí vận chuyển thấp. Về nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu thì các nhà cung cấp cũng chưa báo giá cho năm 2022 mà vẫn còn xem xét do diễn biến thị trường khó lường. Nguồn nguyên liệu gỗ trong nước thì việc lưu thông cũng chưa thật sự thông suốt, giá xăng dầu tăng cao cũng tác động đến giá thành sản phẩm, vì vậy dự báo năm 2022 sẽ còn rất khó khăn.

Bên cạnh vấn đề logistics và vận chuyển, các hiệp hội cũng đặt ra vấn đề chuyển đổi số để gia tăng lợi thế cạnh tranh và khắc phục những điểm yếu hiện nay. Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), đánh giá: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đòi hỏi ngành gỗ phải tìm hướng đi mới trong đó có chuyển đổi số. Tuy nhiên, đến nay chuyển đổi số ngành gỗ chưa tích cực, các doanh nghiệp vẫn còn dè dặt triển khai mặc dù đa số đều nhận thức được là cần phải chuyển đổi. So với các nước đang phát triển như Đức, Trung Quốc, Ba Lan..., Việt Nam vẫn đang ở phía sau khá nhiều. Nhiều doanh nghiệp ngại chuyển đổi số vì áp lực chi phí lớn, chưa biết bắt đầu từ đâu, chưa có giải pháp cụ thể.

Chuyển đổi số, gia tăng hàm lượng chất xám, đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế là những giải pháp gia tăng cạnh tranh của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới

quang thuần

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam - nhận định, nâng cao năng lực và quản trị doanh nghiệp, cốt lõi vấn đề là thực hiện chương trình chuyển đổi số. Hiện, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với các doanh nghiệp ngành khác, cũng như so với các doanh nghiệp FDI. Trong thời gian tới, các hiệp hội ngành gỗ sẽ tổ chức diện rộng cho các doanh nghiệp để đưa nội dung chuyển đổi số phát triển, nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt trên nền tảng công nghệ 4.0 và nâng cao nền tảng quản trị doanh nghiệp.

Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nêu kiến nghị: Trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ, lâm sản nói chung thì các doanh nghiệp FDI chiếm doanh số cao, thị phần lớn, các doanh nghiệp Việt Nam tuy số lượng lớn nhưng giá trị lại thấp hơn. Một điều quan trọng là các doanh nghiệp thành lập mới rất khiêm tốn, đặc biệt giới trẻ ít có dự án khởi nghiệp liên quan đến ngành gỗ. Nếu muốn ngành gỗ phát triển bền vững thì phải có sự quan tâm của giới trẻ, phải có lớp doanh nhân kế thừa để gia tăng hàm lượng chất xám, đầu tư vào các sản phẩm thiết kế thông minh, cao cấp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cho các khách hàng chứ ko phải chỉ là gia công lắp ráp.

Năm 2021 có 203 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong ngành chế biến gỗ, trong đó có 46 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Đáng lưu ý là số doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thành lập cao hơn năm 2020 nhưng nguồn vốn đăng ký kinh doanh lại thấp, chỉ đạt trung bình 1,6 triệu USD/doanh nghiệp, trong khi năm 2020 vốn đăng ký trung bình là 4,6 triệu USD/doanh nghiệp. Đây là việc rất đáng quan tâm. Tại sao quy mô và chất lượng dự án lại giảm nhiều như vậy? Hàm lượng công nghệ trong các dự án này như thế nào?

Ông Hà Công Tuấn - nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.