Ngành hàng hải cần đào tạo mới ít nhất 15.000 người

14/01/2019 08:05 GMT+7

Nhu cầu tuyển dụng lớn, thu nhập cao, lên đến hơn trăm triệu đồng/tháng nhưng ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành hàng hải không làm đúng chuyên ngành học.

Các trường tăng số lượng đào tạo

Phát biểu trong hội thảo khoa học quốc gia về nguồn nhân lực vừa diễn ra tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Đức Ca, Viện Khoa học giáo dục VN, cho biết theo thống kê của Ban Đăng ký tàu biển và thuyền viên (Cục Hàng hải VN), tính đến tháng 6 năm nay, đội ngũ thuyền viên VN hiện có khoảng 20.500 người.
Cũng theo ông Ca, nhu cầu nhân lực hàng hải VN hiện nay rất lớn. Đến năm 2020, công tác đào tạo và bồi dưỡng sẽ phải đạt khoảng 42.000 sĩ quan, thuyền viên chất lượng cao. Trong đó đào tạo mới khoảng 15.000 người (7.000 người bổ sung theo yêu cầu phát triển đội tàu và 8.000 người thay thế lực lượng hiện có). VN cũng cần đào tạo khoảng 6.000 sĩ quan quản lý và khoảng 9.000 thuyền viên, công nhân kỹ thuật hàng hải nhằm tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển được bền vững và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Từ năm 2000 trở lại đây, do nhu cầu nhân lực hàng hải lớn, các trường hàng hải trong cả nước tăng số lượng đào tạo đáng kể: Trường ĐH Hàng hải VN hằng năm tuyển trên 800 sinh viên (SV) cho hai khoa đi biển. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tuyển mỗi năm từ 250 - 300 SV. Còn các trường CĐ, TC đào tạo ngành hàng hải chỉ tuyển với số lượng trên dưới 200 SV/trường.

Nhiều sinh viên không đáp ứng được yêu cầu

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Đức Ca, thống kê cho thấy có tới 80 - 90% SV tốt nghiệp các ngành hàng hải làm việc không đúng ngành nghề.
Tiến sĩ Ca cho biết tình trạng trên vẫn xảy ra dù thu nhập trung bình của một sĩ quan vận hành, quản lý hay thuyền trưởng, máy trưởng nếu đi xuất khẩu nước ngoài có thể lên tới 150 - 250 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân là do nhiều hạn chế về chính sách, quản lý và đặc thù nghề nghiệp. Hệ quả dẫn đến sự thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng lao động trong lĩnh vực này.
Có mặt trong một ngày hội nghề nghiệp diễn ra tại TP.HCM vào tháng 11 năm ngoái, bà Nguyễn Mỹ Thiên Di, Trưởng phòng Nhân sự của Evergreen Shipping Agency, cũng thừa nhận có sự giảm sút về mức độ quan tâm của ứng viên với thông báo tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực hàng hải.
Bà Thiên Di cho biết trước đây khi đăng tải một thông báo tuyển dụng có khi nhận được cả trăm hồ sơ ứng tuyển, nhưng sau này có khi chỉ 10 - 20 hồ sơ. Đặc biệt, có những thời điểm công ty đăng tuyển nhưng không tìm được ứng viên nào phù hợp. “Nhu cầu tuyển vẫn lớn nhưng đòi hỏi chất lượng cao nên có những ứng viên không đáp ứng được. Nhưng một phần do nhu cầu tuyển dụng nhiều nên ứng viên có nhiều lựa chọn, có khi chỉ nộp đơn là có việc”, bà Di lý giải.
Về yêu cầu nhân lực trong lĩnh vực này, bà Thiên Di khuyến cáo, tiếng Anh là điều kiện tiên quyết khi tuyển dụng. Bên cạnh đó, kinh nghiệm làm việc cũng là một lợi thế. “Kinh nghiệm ở đây không đòi hỏi phải từng làm việc trong lĩnh vực chuyên môn mà chỉ yêu cầu ứng viên từng có kinh nghiệm cọ xát trong môi trường làm việc nào đó, ở bất cứ vị trí làm việc bán thời gian nào”, bà Di nhấn mạnh.

Tuyển dụng ngay từ năm nhất

Cũng tham gia Ngày hội nghề nghiệp do Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức, đại diện Công ty TNHH đào tạo và nguồn nhân lực hàng hải cho biết đơn vị này có nhu cầu tuyển dụng 2 đối tượng lao động đi biển khác nhau là thuyền viên và SV.
Với đối tượng tuyển là SV, mỗi năm công ty có 2 đợt tuyển tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM (số lượng tuyển khoảng 30 - 40 SV mỗi năm).
Bà Ngô Thị Thu Trang, chuyên viên phòng đào tạo của doanh nghiệp này, cho biết đơn vị đứng ra tuyển dụng SV cho các chủ tàu quốc tế. Điểm đặc biệt trong kế hoạch tuyển dụng của các chủ tàu này là ưu tiên SV từ năm 1 đến năm 3. Những SV được tuyển sẽ được các chủ tàu cấp học bổng để trả học phí, được đào tạo miễn phí để khi tốt nghiệp có thể đạt đủ tiêu chuẩn đi tàu. Tốt nghiệp, các SV sẽ làm việc trên các tàu này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.