Ngành học nào dễ trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT?

12/07/2023 14:38 GMT+7

Tại nhiều trường ĐH, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT còn rất nhiều, chiếm từ 30-60%, trong đó có nhiều ngành dự đoán điểm chuẩn không quá cao nên cơ hội đậu rất lớn.

Trong chương trình tư vấn trực tuyến "Những lưu ý khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 11.7, thạc sĩ Phạm Thị Xuân Hiền, đại diện Trường ĐH Việt Đức, cho rằng thí sinh không nên lo lắng về việc xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Ngành học nào dễ trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT? - Ảnh 1.

Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển

V.K

"Hiện nay, Trường ĐH Việt Đức dành 30% chỉ tiêu để xét tuyển bằng phương thức này. Trong số các ngành học của trường, khoa học máy tính là một trong những ngành có sự cạnh tranh cao nhất. Các ngành quản trị kinh doanh, tài chính kế toán, kỹ thuật điện máy tính, kỹ thuật cơ khí thì có mức điểm chuẩn luôn ở mức vừa phải. Đặc biệt, kỹ thuật xây dựng là ngành mới nên có mức điểm trúng tuyển thấp hơn các ngành trên".

Được biết, Trường ĐH Việt Đức có yêu cầu tiếng Anh đầu vào IELTS 5.0 hoặc tương đương, hoặc có kết quả thi tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT là 7,5. Nếu không đạt các mức điểm theo quy định trên thì thí sinh bắt buộc làm bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào.

Trong khi đó, Trường ĐH Công thương TP.HCM dành 60% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT (6.300 chỉ tiêu). Do đó, cơ hội trúng tuyển bằng phương thức này rất rộng mở, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM.

"Nhóm ngành công nghệ thực phẩm là mũi nhọn của trường nên thường có điểm chuẩn cao nhất, năm 2022 là 25-26 điểm (điểm thi tốt nghiệp), 27 điểm (học bạ). Năm nay, các ngành tương đồng nhau, công nghệ thực phẩm, marketing, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, điểm chuẩn dự kiến sẽ dao động từ 23,5-24 điểm", tiến sĩ Khả cho hay.

Ngành học nào dễ trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT? - Ảnh 2.

Các chuyên gia tư vấn tại chương trình

THANH HẢI

Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn thì dành 40% chỉ tiêu (khoảng 600) cho thí sinh dùng điểm thi tốt nghiệp xét tuyển.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết: "Ngành khoa học máy tính (gồm các chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật phần mềm, hệ thống dữ liệu lớn, mạng máy tính và an ninh thông tin) của trường thu hút hơn nên mức điểm chuẩn cao hơn. Tuy nhiên, các ngành mới như Đông Phương học (Hàn Quốc học, Nhật Bản học, Trung quốc học) và thương mại điện tử, và các ngành còn lại dự kiến sẽ có mức điểm chuẩn vừa phải, khoảng 18-19 điểm".

Nên chọn ngành gần nhau để đặt thứ tự ưu tiên

Về cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các nguyện vọng, tiến sĩ Nguyễn Văn Khả lưu ý thí sinh không nên đăng ký các nguyện vọng thuộc những nhóm ngành hoàn toàn khác nhau, mà nên chọn nhóm ngành gần nhau theo sở thích của mình.

"Chẳng hạn, nguyện vọng 1 là quản trị kinh doanh thì nguyện vọng 2 không nên là một ngành kỹ thuật vì 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, mà nên là quản trị nguồn nhân lực hoặc marketing. Nếu đặt sai nguyện vọng mà trúng tuyển thì khi học các em sẽ dễ chán nản, bỏ cuộc", tiến sĩ Khả lưu ý.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư đồng thời nêu một tình huống dễ khiến thí sinh hoang mang. Đó là thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm tại các trường thì sau ngày 10.7 sẽ có tên trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT?

"Theo quy định, trước ngày 10.7 các trường sẽ nhập danh sách thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm lên phần mềm của Bộ GD-ĐT. Do đó, chỉ những thí sinh đã đăng ký và trúng tuyển có điều kiện trước ngày 10.7 thì mới có tên trong hệ thống để đăng ký", thạc sĩ Tư thông tin.

Trong trường hợp thí sinh xét tuyển học bạ thời điểm này thì phải chờ xem sắp tới phần mềm của Bộ GD-ĐT có cho phép nhập dữ liệu nữa hay không. "Nếu không, để chắc chắn muốn vào ngành và trường ĐH yêu thích, các em phải chọn phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT", thạc sĩ Tư chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.