Ngành học nào vừa dễ trúng tuyển đại học lại có việc làm sau tốt nghiệp ?

16/04/2022 06:00 GMT+7

Trúng tuyển đại học, đúng ngành mình yêu thích và đi đến đích cuối cùng là có việc làm ngay, có thu nhập tốt ngay sau khi ra trường là mong mỏi của mỗi thí sinh.

Vậy thì lựa chọn ngành nghề ra sao, ngành nghề nào “hot” trong bối cảnh hiện nay cũng như dự báo xu hướng nhân lực trong tương lai sẽ được các chuyên gia tư vấn trong chương trình

Tư vấn mùa thi sẽ được phát trên Đài phát thanh - truyền hình Gia Lai chiều nay (16.4), đồng thời phát tại thanhnien.vn và các mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok của Báo Thanh Niên. Chương trình do Vingroup tài trợ.

Các chuyên gia tư vấn giúp thí sinh chọn ngành trong tương lai

Thanh Hải

Ngành học có cơ hội việc làm cao...

Khi đưa ra dự báo về ngành học có cơ hội việc làm cao, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho rằng trong 2 năm qua, khi dịch Covid-19 xuất hiện đã bộc lộ việc thiếu nhân lực trong ngành y tế, không chỉ là đội ngũ y, bác sĩ mà còn là các lực lượng nằm trong chuỗi cung ứng của khối ngành sức khỏe. Nhân lực dịch vụ đáp ứng một số ngành nghề mới như logistics hay có thể là các ngành nghề truyền thống như: kiến trúc, xây dựng, sản xuất khi các doanh nghiệp tái cấu trúc để thích ứng trong thời kỳ hậu Covid-19 cũng đòi hỏi nhân lực được đào tạo cao hơn...

Qua quá trình kết nối với doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, chỉ ra thời gian gần đây các đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu nhân lực về ngành truyền thông, tiếp thị để kết nối với khách hàng nhiều hơn. Đặc biệt từ cuối năm 2021 đến nay có lĩnh vực các doanh nghiệp đòi hỏi nhu cầu nhân lực rất lớn, nổi lên đó là ngành bất động sản, nhóm ngành sức khỏe...

Thực tế, hằng năm các doanh nghiệp đều đến trường ĐH tìm nguồn nhân lực, không ít sinh viên đã nhận lương ngay khi thực tập, nhưng nhiều trường vẫn không đào tạo đáp ứng đủ nhu cầu. Câu hỏi đặt ra là có mất cân bằng giữa cung và cầu, giữa đào tạo nhân lực và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng hay không? Về điều này, thạc sĩ Trần Văn Trắng, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng khi sinh viên ra trường hàng loạt, có bao nhiêu bạn đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng như ngoài tiêu chí chuyên môn cao thì còn kỹ năng về ngoại ngữ, tin học và thái độ làm việc. Thạc sĩ Trắng khuyên: “Trong quá trình đào tạo, sinh viên hãy rèn luyện kỹ năng, xây dựng hình ảnh, thái độ tích cực trong mắt của doanh nghiệp thì không sợ thất nghiệp, tìm không ra việc”.

Thạc sĩ Đinh Công Viễn Phương, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, nói rằng mục tiêu mở ngành học mới, bên cạnh việc khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực thì mục tiêu của các trường là muốn tạo thêm lựa chọn, cơ hội đối với sinh viên. Những trường có ngành học mới, thí sinh sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn những trường đã đào tạo ngành này.

Không giỏi có học được đại học ?

Thí sinh Ngô Gia Tuấn, đang học lớp 12 tại Gia Lai, đã gửi đến chương trình câu hỏi: “Ngành học nào nhu cầu lớn nhưng ít người học vì em có học lực trung bình khá, muốn chọn ngành có mức độ cạnh tranh thấp, dễ trúng tuyển?”.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải tư vấn: Những năm gần đây, thí sinh có xu hướng chọn những khối ngành kinh tế, khoa học xã hội hành vi, du lịch, công nghệ thông tin; còn khối ngành kỹ thuật, công nghệ thì ít thí sinh lựa chọn hơn vì các em nghĩ học vất vả hơn. Trong khi 2 năm nay sinh viên tốt nghiệp ngành cầu đường, xây dựng công trình, kiến trúc của Trường ĐH Duy Tân không đủ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và có lương cao hơn khối ngành khác. Nên đó là ngành nếu lựa chọn thì cơ hội cao vì hiện nay sinh viên học khối ngành này ít, không chỉ tại Trường ĐH Duy Tân.

Ông Hải cũng chia sẻ với thí sinh: “Không nên lo lắng về sức học vì việc học phổ thông khác học ở ĐH. Nhiều thí sinh có sức học ở phổ thông vừa phải, nhưng khi vào môi trường ĐH với cách tiếp cận chủ động, nhiều em bứt phá và trưởng thành với đam mê”.

Trả lời những thắc mắc của một thí sinh về ngành bất động sản, thạc sĩ Kim Phụng cho rằng doanh nghiệp tuyển dụng chú trọng 3 tiêu chí: Thái độ với vị trí việc làm, kiến thức chuyên môn nền tảng, kỹ năng mềm. Khi tốt nghiệp ra trường với kiến thức chuyên môn nền tảng sẽ là nhân tố quyết định việc làm. Đặc biệt khi đã tuyển đúng ứng viên có chuyên môn nền tảng thì ít phải đào tạo lại kiến thức đó, còn tuyển dụng không đúng lĩnh vực chuyên môn thì ngược lại.

Phụ huynh Dương Tuyết Mai (ở Gia Lai) lo lắng khi “con muốn học ngành công nghệ thông tin thì phải chọn hướng chuyên sâu nào để 4 năm sau ra trường kiến thức không bị lạc hậu?”. Để phụ huynh an tâm trước mong muốn và đam mê của con, thạc sĩ Đinh Công Viễn Phương chia sẻ việc xác định đúng ngành nghề, có tiếng nói chung giữa cha mẹ và con cái ngay từ đầu là lựa chọn tốt. Thực sự, hầu hết các ngành đều có sự biến chuyển, không chỉ với ngành công nghệ thông tin, cho nên phải thường xuyên cập nhật kiến thức, không thể giậm chân tại chỗ. Trong quá trình đào tạo, nhà trường thường xuyên cập nhật xu hướng nhưng với sinh viên cũng phải có sự tự trang bị, mở rộng kiến thức cho bản thân.

Cũng có thí sinh băn khoăn về ngành quản trị kinh doanh và cho rằng: “Tên ngành còn chung chung, ra trường thì làm công việc gì?”. Thạc sĩ Trần Văn Trắng lý giải đây là một ngành tổng hợp, học ngành này ra trường có thể làm nhiều vị trí trong một công ty. Chẳng hạn đó có thể là phòng kinh doanh, phòng tổ chức hoặc với kiến thức nền tảng ứng viên có thể khởi nghiệp tạo tiền đề cho công việc kinh doanh sau này. Và trong chương trình đào tạo ngành này ở Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn còn có chuyên ngành chuyên sâu như: Thương mại điện tử, thương mại quốc tế, kinh tế đối ngoại, quản trị du lịch...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.