Hàng ngoại xa xỉ bắt đầu có chỗ đứng
Những năm gần đây, các nhãn hiệu thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới dần xuất hiện tại các cửa hàng bách hóa ở thủ đô Bình Nhưỡng và nhiều thành phố lớn khác, đáp ứng nhu cầu thời trang ngày càng cao của phái đẹp.
Cửa hàng bách hóa Hae Dang Hwa tại Bình Nhưỡng, người ta có thể bắt găp lối trưng bày hiện đại, sang trọng tương tự những cửa hàng thời trang lớn ở Tokyo (Nhật Bản) hay Seoul (Hàn Quốc). Tại đây, các mặt hàng đắt đỏ mang nhãn hiệu Chanel, Dior, Lancome… được bày bán ngày càng nhiều. Trong khi đó, các gian hàng thuộc cửa hàng bách hóa Rakwon được tìm thấy trên đường Changwwang ở trung tâm thủ đô cũng bắt đầu được khách hàng chú ý bởi cung cấp giày dép mang thương hiệu Adidas hay các loại rượu nhập khẩu.
|
Theo số liệu thống kê đệ trình lên Quốc hội Hàn Quốc năm 2013, chi tiêu cho hàng xa xỉ của Triều Tiên đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền. Năm 2012, nhập khẩu hàng xa xỉ vào Triều Tiên được báo cáo đã lên tới 645,8 triệu USD, tăng mạnh so với mức trung bình khoảng 300 triệu USD một năm dưới thời ông Kim Jong Il. Dữ liệu cũng chỉ ra sự gia tăng trong việc nhập khẩu mỹ phẩm, túi xách, sản phẩm da, đồng hồ và xe hơi.
Tuy nhiên, hàng hiệu chỉ là một khái niệm dành cho giới nhà giàu và tầng lớp bình dân tại nước này vẫn thể hiện tình yêu và niềm đam mê với thời trang bằng những món đồ nhái có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngày nay, trên đường phố của Triều Tiên, người ta vẫn có thể nhìn thấy phụ nữ đeo những chiếc túi hàng hiệu giả những thương hiệu đình đám thế giới.
|
Thời trang nội địa đang chuyển mình tích cực để theo kịp xu hướng
Sự xuất hiện của nhóm nhạc nữ Moranbong do ông Kim Jong Un thành lập với phong cách thời trang hiện đại như: những mái tóc được cắt kiểu cách, váy ngắn, trang phục gợi cảm và mang giày cao gót (những điều từng được coi là cấm kỵ tại Triều Tiên), phụ nữ ngày càng ý thức nhiều hơn về thời trang và làm đẹp.
|
Với một quốc gia không có mạng xã hội và các tạp chí thời trang danh tiếng thế giới, Ri Sol Ju, phu nhân nhà lãnh đạo đương thời lại là một biểu tượng thời trang trong nước. Bà thường xuyên xuất hiện với những trang phục, phụ kiện thanh lịch, trang nhã đến từ các thương hiệu đình đám thế giới từ Red Valentino, Tiffany, Movado đến Dior, Chanel.
Theo số liệu của Business of Fashion, ngành công nghiệp may mặc tại Triều Tiên ước tính đạt 725 triệu USD vào năm 2016, chiếm tỉ lệ đáng kể trong nền kinh tế nội địa. Thời trang đang trở thành một ngành được nhà nước quan tâm, đầu tư và đẩy mạnh phát triển.
|
Những doanh nghiệp thời trang trong nước cũng bắt đầu chú ý đến thị hiếu của khách hàng, đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng đẹp, hợp thời trang và đảm bảo chất lượng. Theo tờ Daily Mail, đầu năm 2019, chính phủ nước này cho biết họ đang nghiên cứu một loại vải mới dệt bằng protein và có thể hòa tan trong nước. Theo trang báo Anh, ngoài protein, loại vải này có thành phần gồm nước ép trái cây, magie, sắt, canxi và có thể ăn được. Những sản phẩm may mặc thông minh cũng dần được đưa vào sử dụng và được quảng cáo có thể theo dõi tình trạng sức khỏe hằng ngày của người dùng.
|
Bên cạnh những bước tiến khả quan trong ngành thời trang, ở nhiều khía cạnh, vấn đề này vẫn tồn tại nhiều quy định khắt khe. Nam giới lẫn phụ nữ tại nước này chỉ được cắt những kiểu tóc theo quy định. Người dân phải mặc quần áo rộng, tối màu, váy phải dài qua gối và quần jeans chỉ được mặc màu đen. Tóc nhuộm, trang sức cầu kỳ, quần áo bó sát, lòe loẹt… là những điều tối kỵ khi bước ra đường.
|
Những năm gần đây, các quy tắc ăn mặc khắt khe bắt đầu được nới lỏng, cảnh phụ nữ đi giày cao gót, mặc váy ngắn và đeo túi hàng hiệu không còn là điều lạ lùng. Thay vì ưa chuộng những trang phục đen, nâu, xám như trước đây, những bộ cách mang màu sắc tươi trẻ, hợp mốt hơn xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố.
Bình luận (0)