Ngành y tế TP.Cà Mau sẽ quá tải nếu ca mắc Covid-19 không giảm

07/12/2021 17:43 GMT+7

Chỉ trong 10 ngày, số ca mắc Covid-19 tại TP.Cà Mau (Cà Mau) tăng liên tục với 2.137 ca, trong đó hơn 50% là ca mắc trong cộng đồng.

Ngày 7.12, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, có buổi làm với TP.Cà Mau sau khi địa phương này có ca mắc Covid-19 tăng liên tục trong 10 ngày qua.

Ông Nguyễn Tiến Hải nhận định ca bệnh tăng ở trong thời gian qua ở TP.Cà Mau có nguyên nhân chủ quan của người dân.

C.T.V.

Nguy cơ ngành y tế quá tải

Trong vòng 10 ngày qua, TP.Cà Mau có tổng cộng 2.137 ca mắc Covid-19, trong đó 1.250 ca cộng đồng. Ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch UBND TP.Cà Mau, cho biết phần lớn số ca mắc là lao động từ công ty, doanh nghiệp lây lan cộng đồng sinh sống. Nhóm cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động lại, mặc dù có test định kỳ nhưng sau đó xuất hiện hàng loạt ca bệnh, cho thấy mầm bệnh trong cộng đồng đã có nhiều nơi, khó xác định. Ông Hải cho rằng: "Với số ca bệnh như hiện tại thì các trạm y tế của thành phố đảm đương nổi. Nếu ca nhiễm tăng như những ngày qua thì 1 tuần nữa sẽ quá tải".

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết hiện số ca mắc Covid-19 của tỉnh bình quân là 120 ca/100.000 dân. Về thực tế thiết bị y tế điều trị, thuốc điều trị hiện còn đáp ứng cho 2.700 ca. Ngành y tế đang tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Y tế để cung cấp thêm thuốc điều trị kháng virus. Cần mua bổ sung thêm test xét nghiệm để tầm soát diện rộng.

Đối với y tế tuyến cơ sở, hiện trạm y tế lưu động đã trang bị ô xy, máy tạo ô xy khí trời (còn 100 cái), nhu cầu ô xy không thiếu trong tình hình hiện tại. Riêng các bệnh viện, cần nhanh trang bị thêm ô xy lỏng để điều trị kịp thời bệnh nhân.

Người dân còn quá chủ quan

Từ ngày 27.4 đến nay, Cà Mau ghi nhận tổng số 12.360 ca nhiễm Covid-19, riêng ngày 6.12, ghi nhận 639 ca nhiễm mới.

"Hiện tỉnh có 6.099 ca đang điều trị. Riêng điều trị tại các cơ sở y tế là 1.910 ca trong khi các cơ sở của tỉnh chỉ có 2.230 giường. Tức là chỉ còn hơn 300 giường nữa. Với số ca nhiễm tăng như thế này thì chỉ cần nửa ngày nữa là hết giường. Cơ sở thu dung điều trị cũng đã đầy. Còn điều trị theo dõi tại gia đình có 2.768 ca, chiếm hơn 45% bệnh nhân. Qua đó cho thấy mức độ lây nhiễm và khả năng đáp ứng của tỉnh gần như đạt đỉnh”, ông Nguyễn Tiến Hải lo ngại.

Ông Hải cũng nêu: "Thiết bị điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch vẫn còn thiếu, kinh nghiệm chuyên môn còn hạn chế. Điều này hết sức khó khăn. Ca bệnh tăng thì số bệnh nhân chuyển nặng cũng sẽ tăng lên, đồng nghĩa nguy cơ tử vong sẽ rất nhiều vì số giường, thiết bị đáp ứng rất ít. Đây là mối lo ngại rất lớn đối với tỉnh, đặc biệt đối với TP.Cà Mau".

"Nguyên nhân lây nhiễm là do sự chủ quan của người dân quá lớn, không thực hiện nghiêm các biện pháp 5K; còn tụ tập đông người, đám tiệc, liên hoan, cà phê với mật độ dày, không giữ khoảng cách. Đồng thời, do cơ chế quản lý dịch bệnh mới, nới lỏng kinh doanh, đi lại nhiều hơn; các lực lượng làm nhiệm vụ cũng không quyết liệt, kịp thời đôn đốc, nhắc nhở xử lý những nơi vi phạm", ông Nguyễn Tiến Hải nhận định.

Hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong

Để khắc phục thực trạng trên, ông Hải chỉ đạo Sở Chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh, UBND tỉnh Cà Mau rà soát điều chỉnh ngay những nội dung quy định trong Quyết định 222 của Chủ tịch UBND tỉnh, kèm theo các biện pháp áp dụng theo từng cấp độ dịch, để điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay và khả năng đáp ứng.

Đối với Sở Y tế, rà soát lại nguồn nhân lực, điều động cho phù hợp để quản lý điều trị F0. Tăng cường thuốc, phương tiện, dụng cụ cho các bệnh viện, cơ sở điều trị và địa phương có nhiều ca F0 tại nhà. Kiểm tra chặt chẽ việc phân công cán bộ y tế điều trị F0 tại nhà để nắm tình hình sức khỏe từng người, kịp thời tư vấn điều trị bệnh nhân trong từng tình huống. Tuyệt đối không giao nhiệm vụ một cách chung chung. Mỗi cán bộ y tế phải chịu trách nhiệm với danh sách đã được phân công.

Đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, nhất là bệnh nhân chuyển tầng, cần rà soát lại nhân lực, thiết bị để sẵn sàng đáp ứng bệnh nhân ở tầng 2 và 3 để hạn chế thấp nhất số bệnh nhân tử vong.

Tiêm trộn vắc xin AstraZeneca, Pfizer với Moderna lại bảo vệ tốt hơn

Riêng đối TP.Cà Mau, ngành y tế vận động và sử dụng lực lượng y tế phường, xã, y tế tư nhân, y tế đã nghỉ chính sách cùng tham gia chống dịch. Đặc biệt, tăng cường nhân lực cho những xã, phường có đông bệnh nhân F0, theo dõi bệnh nhân đang điều trị tại nhà.

Ngoài ra, ông Hải cũng chỉ đạo các địa phương của Cà Mau tăng cường quản lý F1, F2. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trong dân áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhất là 5K. Cũng như bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.