Ngành y tế TP.HCM đã làm được gì trong 10 năm qua?

19/12/2023 06:43 GMT+7

10 năm nhìn lại, ngành y tế TP.HCM đã có những thành tựu đáng kể. Đó là thực hiện quy trình báo động đỏ cứu sống hàng ngàn bệnh nhân nguy kịch, xây dựng nhiều bệnh viện cùng nhiều hoạt động chuyên môn khác...

Ngày 19.12, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, qua 10 năm (2013 – 2023) ngành y tế TP.HCM không ngừng cải tiến chất lượng khám chữa bệnh và đã đạt những kết quả nhất định với 10 hoạt động nổi bật.

"Báo động đỏ"

Hoạt động đầu tiên phải kể đến là quy trình "báo động đỏ nội viện" thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và từ năm 2016 ngành y tế triển khai quy trình "báo động đỏ liên viện", đã kịp thời cứu sống nhiều trường hợp nguy kịch mạng sống.

Theo đó, khi có trường hợp cấp cứu nặng, vượt quá khả năng chuyên môn, cần huy động chuyên gia, các bệnh viện có thể kích hoạt báo động đỏ liên viện để tập hợp sức mạnh hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành trong việc "tận dụng thời gian vàng" kịp thời cứu chữa bệnh nhân.

Ngành y tế TP.HCM đã làm được gì trong 10 năm qua? - Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã đến Bệnh viện Xuyên Á tặng giấy khen đột xuất cho 3 tập thể và 6 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện quy trình báo động đỏ liên viện cấp cứu thành công bệnh nhân bị vết thương thủng tim (ngày 5.5.2017)

SỞ Y TẾ TP.HCM

Với quy trình báo động đỏ, ngành y tế không cần thêm bất kỳ nguồn kinh phí nào nhưng thực tiễn đã chứng minh hiệu quả. Cụ thể, trong 5 năm (2018-2023) quy trình "báo động đỏ nội viện và liên viện" đã có gần 3.700 trường hợp bệnh nhân được cứu sống sau khi các đơn vị triển khai quy trình này. Trong đó, cứu sống bệnh nhân nhờ thực hiện báo động đỏ nội viện là 3.500 ca, báo động đỏ liên viện là 160 ca.

Có thể thấy, sáng kiến từ quy trình báo động đỏ đã tạo bước đột phá, khắc phục được nhiều hạn chế trong quy trình cấp cứu trước đây, mang lại sự sống, niềm vui cho nhiều người bệnh có nguy cơ tử vong cao.

Các công trình mới giải quyết quá tải

Hoạt động thứ 2 là xây dựng, cải tạo bệnh viện. Từ năm 2016 – 2023, ngành y tế có nhiều công trình xây dựng, cải tạo nâng cấp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện và tạo tiền đề cho việc phát triển y tế chuyên sâu.

Cụ thể là Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Truyền máu huyết học cơ sở 2, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, các khối nhà mới của Bệnh viện Nhi đồng 1

Ngành y tế TP.HCM đã làm được gì trong 10 năm qua? - Ảnh 2.

Một số bệnh viện xây mới

SỞ Y TẾ TP.HCM

Năm 2023 là năm cột mốc đánh dấu việc chấm dứt hình ảnh quá tải nghiêm trọng của 2 bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của thành phố và cả khu vực phía nam (Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và Bệnh viện Nhi đồng 1).

Những hoạt động nổi bật khác

Hoạt động thứ ba là thành lập Hội đồng chất lượng chữa bệnh của ngành y tế TP.HCM, gồm những chuyên gia và nhà quản lý bệnh viện có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết về xây dựng và triển khai các hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện, nhằm định hướng cho các bệnh viện triển khai hiệu quả 5 mục tiêu chất lượng.

Thứ tư, ngành y tế ban hành sổ tay khuyến cáo cải tiến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Sổ tay bao gồm 28 bộ khuyến cáo với các chuyên đề khác nhau trong công tác quản lý chất lượng bệnh viện, cần thiết cho công tác quản lý bệnh viện và hoạt động cải tiến chất lượng khám chữa bệnh trước những thách thức mới trong tình hình mới.

Thứ năm, lập kho dữ liệu phác đồ điều trị của ngành y tế TP.HCM, được tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế vào năm 2015. Kho dữ liệu với gần 2.400 phác đồ điều trị được tập hợp từ các phác đồ điều trị của các bệnh viện đa khoa hạng 1 và bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối thuộc thành phố. Kho phác đồ đã đáp ứng nhu cầu của các cơ sở khám chữa bệnh tham khảo, chọn lựa và bổ sung phác đồ điều trị phù hợp năng lực chuyên môn kỹ thuật của từng đơn vị.

Ngành y tế TP.HCM đã làm được gì trong 10 năm qua? - Ảnh 3.

Sở Y tế TP.HCM đối thoại với người dân

SỞ Y TẾ TP.HCM

Thứ sáu, hình thành mạng lưới với 40 trạm cấp cứu vệ tinh trên phạm vi toàn thành phố. Bên cạnh đó còn có cấp cứu bằng xe 2 bánh. Trong thời gian tới, ngành y tế TP.HCM sẽ tiếp tục đầu tư để mở thêm 2 trạm cấp cứu vệ tinh đường thủy và đường hàng không.

Thứ bảy,  năm 2016, lần đầu tiên ngành y tế triển khai hoạt động bình chọn giải thưởng chất lượng khám chữa bệnh cấp thành phố, với 5 mục tiêu chất lượng: "an toàn, hiệu quả, nhanh hơn, chi phí hợp lý hơn và người bệnh hài lòng hơn" hướng đến an toàn người bệnh. Qua 2 đợt tổ chức (năm 2016 và 2019), ngành y tế đã giới thiệu và nhân rộng 80 sản phẩm chất lượng khám chữa bệnh và 37 sản phẩm y tế thông minh cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Thứ tám, tổ chức hội thi điều dưỡng trưởng giỏi cấp thành phố. Từ năm 2014, ngành y tế đã tổ chức hội thi "điều dưỡng trưởng giỏi cấp thành phố" cho tất cả các điều dưỡng trưởng khoa, điều dưỡng được quy hoạch làm điều dưỡng trưởng khoa tại các bệnh viện trên địa bàn. Đến nay đã trải qua 8 lần tổ chức.

Thứ chín, khảo sát ý kiến không hài lòng của người dân khi đến khám bệnh tại các bệnh viện và đối thoại, lắng nghe ý kiến góp ý của người bệnh triển khai vào năm 2022, 2023.

Thứ 10, các bệnh viện tại TP.HCM đã tiếp cận các chứng nhận xuất sắc quốc tế theo từng chuyên khoa ngang tầm các nước trong khu vực như: chứng nhận kim cương - bạch kim - vàng về điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới – WSO; chứng nhận trung tâm xuất sắc về chăm sóc tim mạch trẻ em; chứng nhận quốc tế trong điều trị suy tim của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA). Chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế về hỗ trợ sinh sản RTAC. Chứng nhận chất lượng quốc tế của tổ chức JCI. Chứng nhận của Mỹ về chất lượng và an toàn người bệnh.

5 mục tiêu quan trọng

10 năm qua, điểm chất lượng của các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tăng dần. Nếu như năm 2013, 2014 chỉ có 1 bệnh viện có điểm trung bình từ 4.0 trở lên thì đến năm 2023, con số này đạt đến 37 bệnh viện. Tất cả thể hiện sự nỗ lực không ngừng của các bệnh viện hướng đến 5 mục tiêu chất lượng: tốt hơn, an toàn hơn, nhanh hơn, chi phí điều trị hợp lý hơn và người bệnh hài lòng hơn.

Với những thành quả đạt được sau 10 năm, ngành y tế TP.HCM phấn đấu trở thành 1 trong những ngành dịch vụ chất lượng cao của thành phố, hướng đến xây dựng TP.HCM trở thành 1 trung tâm sức khỏe của khu vực ASEAN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.