Thách thức chưa từng gặp
Nhìn lại 2 năm chống dịch Covid-19, dù có những tổn thất về nhân lực, và có cả những “biến cố”, nhưng với vai trò là cơ quan thường trực chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế có chia sẻ về khoảng thời gian thật đặc biệt đó, đặc biệt trong thời gian cao điểm chống dịch 2021?
Nhân viên y tế đội taxi cấp cứu các ca F0 nặng tại Q.4, TP.HCM trong đợt dịch cao điểm thứ 4 |
Ngọc Dương |
GS-TS Nguyễn Thanh Long: Tôi cho rằng, bao trùm lên tất cả hoạt động của ngành trong năm 2021 là công tác phòng chống dịch Covid-19. Cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19 chưa có trong tiền lệ, tạo ra thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế. Thậm chí, có đôi lúc tưởng chừng khó vượt qua.
Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tham gia tích cực của mọi tầng lớp người dân, chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, sự quyết tâm cao và nỗ lực lớn, ngành y tế đã trụ vững, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
GS-TS Nguyễn Thanh Long |
Trong cuộc chiến chống dịch, với ngành y tế, trên hết là tinh thần khắc phục mọi thử thách mà họ chưa từng gặp.
Cá nhân tôi rất cảm phục tinh thần đó
Chúng ta đang ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn, cùng với cả nước chuyển sang giai đoạn mới “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Thưa bộ trưởng, những giải pháp nào mà ông tâm đắc, cùng toàn ngành lần đầu vận dụng nhưng đã góp phần cho thành công chung trong chống dịch?
Trong phòng chống dịch, nhiều giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ như: giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập các trung tâm hồi sức, các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà… đã được triển khai kịp thời, phù hợp, hiệu quả, thích ứng với từng giai đoạn.
Ngành y tế các cấp đã luôn bám sát thực tế diễn biến dịch bệnh, chủ động, linh hoạt trong tham mưu, đề xuất và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Có lẽ, một trong những điều mà ngành y tế đã từng chịu áp lực rất lớn, đó là làm sao triển khai chiến dịch tiêm chủng Covid-19 an toàn, hiệu quả. Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công, từ nước tiếp cận vắc xin chậm nhưng tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của chúng ta hiện nay thuộc những nước hàng đầu trên thế giới, và đã về đích sớm hơn so với mục tiêu khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Không chỉ mang ý nghĩa về sức khỏe cộng đồng, vắc xin là điều kiện quan trọng để chúng ta thực hiện thích ứng an toàn theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Bây giờ, khi chúng ta đã bao phủ vắc xin với tỷ lệ gần như 100% người từ 18 tuổi tiêm đủ liều cơ bản, nhìn lại những ngày đầu chuẩn bị thực sự không tránh khỏi những lo lắng, căng thẳng. Bởi số lượng lớn vắc xin đòi hỏi phải tổ chức rất chặt chẽ, từ tiếp nhận, phân bổ, vận chuyển và triển khai đến cả trăm ngàn điểm tiêm trên cả nước với yêu cầu ngặt nghèo về chuyên môn.
Qua chiến dịch tiêm chủng, một lần nữa càng thấy rõ vai trò của sự vào cuộc rất khẩn trương của các bộ ngành, các tỉnh, thành đặc biệt là sự hỗ trợ rất hiệu quả của các đơn vị quân đội trong tiếp nhận, vận chuyển.
Cùng với chiến dịch tiêm chủng vẫn đang thần tốc trên cả nước, nhiều người vẫn nhớ về hình ảnh lực lượng tham gia chống dịch trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt ...
Phải khẳng định, chúng ta chống dịch, kiểm soát dịch thành công là nhờ sự vào cuộc của toàn dân; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành cùng ngành y tế, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Riêng với ngành y tế, trong đợt dịch thứ 4 với mốc thời gian mà hẳn nhiều người vẫn nhớ, đó là ngày 27.4.2021 - thời điểm ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên. Với yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, cùng với cả hệ thống chính trị và các tầng lớp người dân, ngành y tế đã huy động tổng lực, chưa từng có từ trước đến nay với nỗ lực, quyết tâm cao nhất cho công tác phòng chống dịch.
Chỉ tính đợt dịch thứ 4, ngành y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất với hơn 25.000 giáo sư, y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên các trường y dược tham gia phòng chống dịch. Nhiều người hiện nay vẫn đang tiếp tục trực chiến tại các địa phương ở khu vực miền Nam. Hầu hết các nhân viên y tế tại các địa phương có dịch vẫn đang miệt mài làm việc, đã có gần 3.000 cán bộ y tế bị nhiễm Covid-19 và hơn 10 trường hợp đã mất do mắc Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ…
Trong cuộc chiến chống dịch, với ngành y, trên hết là tinh thần khắc phục mọi thử thách mà họ chưa từng gặp. Cá nhân tôi rất cảm phục tinh thần đó.
Chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 lớn nhất trong lịch sử đã được triển khai thành công |
Đào ngọc thạch |
Luôn hướng đến minh bạch và phải thực sự minh bạch
Là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng đánh giá, đâu là những vấn đề bất cập, tồn tại, hạn chế của ngành y tế?
Như nhiều người trong chúng ta đều thấy, bên cạnh những kết quả đạt được còn có những tồn tại, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế nói chung và hệ thống y tế cơ sở nói riêng còn hạn chế; các chế độ chính sách chưa phù hợp; đời sống cán bộ y tế có nhiều khó khăn.
Một số tồn tại cơ bản, đó là hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ; chưa thể chế được hết các quan điểm, đường lối, chính sách tại Nghị quyết 20/NQ-TW, Nghị quyết 21/NQ-TW. Đặc biệt, trong phòng chống dịch Covid-19, các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh.
Cùng với đó, hệ thống y tế còn bộc lộ hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra. Trung tâm kiểm soát bệnh tật của nhiều tỉnh, TP thiếu trang thiết bị, nhân lực. Phân bổ nhân lực y tế chưa hợp lý giữa các vùng, các tuyến...
Trong khi ngành y tế đang hướng đến sự minh bạch trong mọi lĩnh vực thuộc Bộ Y tế, ngành y tế quản lý, cấp phép; hay chúng ta đang đẩy mạnh triển khai bệnh viện không giấy tờ, thì hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, đầy đủ, chưa đảm bảo an toàn thông tin.
Cùng với đó, công nghiệp dược, thiết bị y tế chưa phát triển đáp ứng yêu cầu, phụ thuộc vào nguyên liệu ở nước ngoài. Tồn tại nhiều bất cập trong công tác thẩm định đăng ký lưu hành thuốc về chuyên gia thẩm định...
Và, những người trong ngành cũng đều trăn trở khi qua 2 năm chống dịch, nhiều cán bộ nhân viên y tế đã rất mệt mỏi do phải liên tục làm việc trong môi trường có áp lực cao và trong thời gian dài, trực tiếp đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao, bị sang chấn tâm lý, quá tải công việc... Đã ghi nhận các trường hợp xin nghỉ việc, thôi việc dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực y tế.
Những vấn đề tồn tại đó không phải ngày một ngày hai có thể hoàn thiện hết, nhưng đã thay đổi và còn tiếp tục thay đổi, để nhân viên y tế yên tâm gắn bó với công việc mà họ lựa chọn. Còn người dân, doanh nghiệp được tiếp cận thuận lợi hơn nữa khi sử dụng dịch vụ y tế, các dịch vụ hành chính công.
Tiếp tục phải có giải pháp thực chất, hiệu quả
Cảm ơn Bộ trưởng đề cập thẳng thắn. Vậy, sẽ có sự thay đổi nào về chính sách cho lực lượng y tế để đảm bảo chăm lo sức khỏe người dân, cũng như phát triển nhân lực y tế chất lượng hơn; cung cấp dịch vụ minh bạch hơn, như ông mong muốn?
Đúng là hệ thống y tế của Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới: Mô hình bệnh tật thay đổi, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; nhiều bệnh truyền nhiễm gây dịch tăng mạnh như dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ còn kéo dài, đã làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội, kinh tế...
Nhưng chắc chắn sẽ có những thay đổi. Về phía Bộ Y tế, chúng tôi đã và đang đề xuất một số chế độ, chính sách cho lực lượng y tế dự phòng, nhân viên y tế thôn bản, y tế cơ sở... như: nâng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 40 - 70% lên 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại trạm y tế tuyến xã, phường, nhà hộ sinh. Khi nhân lực, năng lực của y tế gần dân nhất được củng cố mạnh lên, thúc đẩy chất lượng dịch vụ, và chính người dân được thụ hưởng.
Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được thúc đẩy. Thực tế vừa qua, đã từng bước khẳng định hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp phép về an toàn thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm; thẩm định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Gần đây nhất, trong phòng chống dịch, hiện có phần mềm đánh giá cấp độ dịch mà mỗi người dân đều có thể tiếp cận được. Nhưng, không chỉ mở rộng, mà tới đây, ứng dụng công nghệ thông tin phải chất lượng hơn, đảm bảo kết nối liên thông với các bộ, ngành; giữa các bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ ngay trong đơn vị.
TP.HCM tri ân những thầy thuốc tận tụy
Hôm qua (26.2), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức lễ đón nhận các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước và họp mặt kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc VN (27.2.1955 - 27.2.2022) nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp to lớn của đội ngũ y bác sĩ trong phòng chống dịch Covid-19 nói riêng và công tác chăm sóc sức khỏe nói chung.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá ngành y tế TP.HCM vừa trải qua 1 năm đầy khó khăn, thử thách khi ứng phó với đại dịch Covid-19 lần thứ 4 chưa có tiền lệ. Trước bối cảnh sức khỏe tính mạng người dân bị đe dọa nguy cấp, toàn ngành y tế là lực lượng chủ yếu, dũng cảm xông pha ra tuyến đầu chống dịch cứu dân.
Chứng kiến ngày tháng cam go tưởng chừng không thể vượt qua, ông Nguyễn Văn Nên đúc kết nhiều phẩm chất cao quý của thầy thuốc được nhìn thấy rất rõ. Đó là tinh thần đoàn kết trong sáng, toàn hệ thống không phân biệt vị trí, thứ bậc, tuổi tác, vùng miền, đương chức hay nghỉ hưu đều có chung sứ mệnh thiêng liêng, vượt lên trách nhiệm đơn thuần vì sức khỏe và tính mạng đồng bào trong cơn nguy khó. Trong mọi hoàn cảnh, các thầy thuốc luôn tìm tòi, sáng tạo, nhiều mô hình, phương pháp mới trong điều trị, phác đồ được thay đổi nhằm thích ứng với tình huống dịch bệnh tăng cao. “Họ làm việc tận tụy hết lòng, làm nhiều việc chưa được học ở nhà trường, chưa từng làm trong thực tế nhưng đã hành động theo mệnh lệnh trái tim, lý trí và tình cảm”, ông Nên nói.
Bày tỏ sự biết ơn đội ngũ y tế TP.HCM và cả nước, ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh lịch sử TP.HCM sẽ mãi mãi khắc ghi, tưởng nhớ đóng góp của đội ngũ y tế.
Dịp này, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba cho 9 tập thể và 6 cá nhân; Thủ tướng tặng Cờ thi đua Chính phủ cho 2 tập thể, tặng bằng khen cho 21 tập thể và 108 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong phòng chống dịch và cống hiến cho ngành y tế.
Sỹ Đông
Cần đầu tư cho chất lượng đào tạo, củng cố y tế cơ sở
Trước hết, chúng ta đều thấy hệ thống y tế của VN như tôi vẫn nói vui là “hệ thống khảm” - không đồng nhất. Vì y tế chúng ta tuy đã làm chủ được nhiều kỹ thuật cao như ghép tạng, tim mạch, nội soi...; tiếp cận được trình độ quốc tế nhưng nhiều cái cơ bản lại chưa tốt. Ví dụ đơn giản nhất, sự kết nối, liên thông giữa các đơn vị, các tuyến điều trị còn nhiều bất cập. Và như vậy chịu thiệt thòi nhất vẫn là người bệnh.
Phải khẳng định, y tế của chúng ta là một trong số ít ngành khoa học tiếp cận được trình độ tiên tiến quốc tế, nhưng vẫn cần đánh giá về những tồn tại. Trong đó, một vấn đề đã thấy từ rất lâu là chất lượng cán bộ, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Nhiều nơi chi hàng chục tỉ đồng để mua máy móc, nhưng có thể chỉ cần 10% số đó dành thêm cho đào tạo, thì chất lượng đào tạo đã được nâng lên rồi.
Đáng lưu ý, chúng ta cần đặc biệt chú trọng đào tạo nhân lực cao; cần lấp khoảng trống thiếu bác sĩ chuyên khoa trong một số chuyên ngành như: truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu. Như vụ dịch vừa qua, điều trị Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A nhưng phải huy động nhiều bác sĩ chuyên khoa khác như da liễu, tai mũi họng... Chất lượng đào tạo không phải do thiếu tiền, mà vấn đề là nhận thức và có đủ quyết liệt hay không.
Cũng liên quan đến chất lượng nhân lực và đào tạo, chúng ta thấy rõ nhất là người bệnh vẫn đổ xô về TP lớn chữa bệnh, vì chất lượng nhân lực tuyến tỉnh vẫn là khoảng cách lớn.
Ngoài ra, y tế cơ sở là vấn đề cần được ưu tiên, đặc biệt sau 2 năm chống dịch Covid-19 càng thấy rõ yêu cầu này. VN có mạng lưới y tế đến tận xã, phường được gầy dựng rất sớm. Nhưng sau nhiều năm, y tế cơ sở không được nâng cấp lên đúng với nhiệm vụ mà y tế cơ sở phải đảm đương. Đó là thiếu hụt nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị không đảm bảo; hoặc nếu có thì không có người đủ điều kiện vận hành, sử dụng.
Thực tế đó cho thấy cần tăng cường thêm nhân lực cho y tế cơ sở, cả về chất lượng và số lượng, chứ không phải loay hoay đi tìm các mô hình mới nữa. Chính các bác sĩ, nhân viên y tế tại xã, phường khi được đào tạo bài bản và đủ số lượng, họ hoàn toàn có thể thực hiện quản lý sức khỏe cho người dân trên địa bàn; hỗ trợ phòng và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, bệnh mãn tính. Nếu được như vậy, các trạm y tế phường, xã sẽ thực hiện tốt vai trò bác sĩ gia đình. Đây có thể là mô hình riêng của VN mà không cần phải theo mô hình nào khác.
Đáng lưu ý, tài chính y tế cùng với việc bệnh viện công tự chủ tài chính cũng cần được đánh giá toàn diện lại. Nếu bệnh viện công chịu sức ép nguồn thu thì bệnh nhân có thể bị lạm dụng.
Ngoài ra, cần bình đẳng y tế công - tư, và làm sao có cơ chế phối hợp công - tư phù hợp. Cần tạo cơ chế để bác sĩ giỏi ở bệnh viện công tham gia làm cho y tế tư nhân. Việc này giúp họ có nguồn thu nhập tốt hơn và mọi bệnh nhân đều được tiếp cận nhân lực chất lượng cao, dù là khám, điều trị ở bệnh viện công hay bệnh viện ngoài công lập.
GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội Phẫu thuật nhi VN
Phát triển hệ thống y tế gần dân
DUY TÍNH |
Nghiên cứu, đầu tư phát triển hệ thống y tế cơ sở gần dân là vấn đề nóng của TP.HCM cũng như cả nước được rút ra trong đại dịch Covid-19.
Cố Viện sĩ - tiến sĩ - bác sĩ Dương Quang Trung, người sáng lập ra Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, tiền thân của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từng phát biểu: “Ngành y tế như một con chim có 2 cánh: 1 cánh là y tế chuyên sâu và 1 cánh là y tế cơ sở. Nếu như chỉ phát triển y tế chuyên sâu mà y tế cơ sở không phát triển, thì như con chim sẽ bay sà quần, không thể cất cánh được”.
Thực tế cho thấy, hoạt động khám chữa bệnh hiện nay trên địa bàn TP.HCM tập trung nhiều vào hoạt động khám chữa bệnh chuyên khoa sâu tại các bệnh viện. Người dân tập trung đông đến các bệnh viện khiến cho lực lượng nhân viên y tế cũng tập trung về đây công tác, cũng như định hướng học tập theo các chuyên khoa sâu làm cho “cánh chim” của ngành lệch hẳn về một phía. Trong khi lĩnh vực chăm sóc ban đầu tại tuyến y tế cơ sở mà trong đó các trạm y tế giữ vai trò trung tâm lại ít được người dân quan tâm.
Đại dịch vừa qua cho thấy tuyến y tế cơ sở có nhiều lỗ hỏng cần phải củng cố và khắc phục. Hiện tại, TP.HCM có 312 trạm y tế nhưng 50% số trạm y tế chưa có trưởng, phó trạm. Tỷ lệ nhân viên y tế tại tuyến cơ sở của TP.HCM rất thấp, chỉ 2,3/10.000 dân (Hà Nội là 6 và cả nước là 7,4/10.000 dân). Do vậy, thực tế cần tăng cường nguồn lực cho y tế cơ sở, cả về con người và trang thiết bị y tế, thuốc. Trong khi đó theo thống kê trong giai đoạn 2015 - 2020, TP.HCM có số lượt khám chữa bệnh chiếm hơn 1/4 cả nước, nội trú chiếm 1/10 cả nước.
Thực tế cho thấy, hiện nay tuyến y tế cơ sở của TP.HCM còn nhiều hạn chế, đặc biệt số lượng bác sĩ đa khoa tổng quát và bác sĩ gia đình còn ít, nên chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa các hoạt động, có chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tăng cường y tế cơ sở trong giai đoạn sắp tới.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Bình luận (0)