Ngao ngán sao nhiều người cứ thích vẽ bậy kín đặc di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

16/02/2019 11:12 GMT+7

Cầu Thấu Ngọc ở khu di tích Côn Sơn bị bôi vẽ bẩn kín đặc dù có biển cấm; người bói toán, bốc quẻ lấy tiền chèo kéo du khách đến khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Hải Dương khiến nhiều người ngán ngẩm.

[VIDEO] Bói toán nịnh khách, mua thần bán thánh ở khu di tích Côn Sơn Kiếp Bạc

Ngày 15.2.2019, tức 11 tết âm lịch, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan, vãn cảnh chùa.

Khung cảnh ngôi chùa cổ kính ngàn năm tuổi, cùng nhiều dấu tích lịch sử trầm mặc dịp đầu xuân bị ảnh hưởng khi một số nơi bị bôi vẽ bẩn.

Cầu Thấu Ngọc bị bôi vẽ, khắc họa nguệch ngoạc, xấu xí mặc biển cấm


Cầu Thấu Ngọc bắc qua suối Côn Sơn, khi xưa được các sử gia và thi nhân ca ngợi như một công trình tuyệt mỹ tựa cảnh bồng lai. Nhà sử học Phan Huy Chú đã viết: "Trên núi có động Thanh Hư, dưới núi có cầu Thấu Ngọc, cây và đá xanh um, thật là một cảnh đẹp ở nhân gian".

Tuy nhiên, đến vãn cảnh chùa Côn Sơn, bước qua cầu Thấu Ngọc, người viết chứng kiến nhiều cột gỗ bị khắc tên, bôi vẽ nguệch ngoạc bằng dao nhọn hay bút xóa trắng. Mặc cho biển "cấm viết, vẽ lên di tích" đặt ở cả hai đầu cầu. Am nghỉ chân đối diện cây cầu này cũng bị tình trạng tương tự.

Trong khi đó, trên đỉnh núi Côn Sơn, có Bàn Cờ Tiên, tương truyền là nơi Nguyễn Trãi và các bậc tiền nhân dừng chân chơi cờ - lại xuất hiện nhiều người bói toán công khai chèo kéo khách.
Mời chào du khách bốc quẻ
Công khai bói toán LÊ NAM
Thả tiền lẻ ở giếng Ngọc LÊ NAM
Giếng Ngọc dưới chân nút Côn Sơn cũng được nhiều người ghé qua. Tiền lẻ được người dân thả đầy trên miệng giếng.
Một nhóm khá đông người lập tức bủa vây khách hành hương sau khi họ mới leo khoảng 700 bậc đá để mời chào rút quẻ, xem tướng. 2 “vây” 1 là cách mà những người xem quẻ chào mời.

Nếu rút quẻ để lấy may, khách sẽ phải trả đến 2 lần tiền, một lần tiền cho người rút quẻ và phần tiền khác cho người đọc ý nghĩa của quẻ bài. Tuy nhiên, đa phần các quẻ bài đều… lời hay ý đẹp.

Phía bên đền Kiếp Bạc, cách đó 8 km, từ lối vào, đội quân bán sớ bủa vây các đoàn xe. Thậm chí, khu di tích này còn có hẳn một lối đi riêng dành cho các xe ô tô nếu chấp nhận mua sớ với giá 10.000 đồng. Các xe này sẽ được đi thẳng vào bên trong đền. Còn các xe ô tô nếu không mua sớ sẽ phải gửi ở bãi.
Chưa hết, sau khi xuống xe, du khách lập tức bị nhiều người trong nhóm này “bao vây” mời mọc, nài nỉ mua sớ, thậm chí, còn hù dọa du khách “đang có thần thánh gọi” khi chỉ tay vào một góc trong khuôn viên di tích?!

Tình trạng này còn diễn ra suốt đoạn đường dẫn vào tận cổng đền. 

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2019 sẽ được diễn ra từ ngày 14-22.2.2019, tức ngày 10 đến ngày 18 tháng Giêng âm lịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.