“Ngáo” quyền lực

17/11/2019 07:00 GMT+7

Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ " ngáo quyền lực " lại có mặt trong đời sống thời sự xã hội Việt Nam. Bởi quyền lực, tiền bạc và sắc dục vốn là ba thứ có thể làm tha hóa con người nhanh nhất, ghê gớm nhất.

Thậm chí làm tha hóa tới mức “vong thân”, đánh mất bản thân vĩnh viễn.
Nhưng nói “vong thân” thì cũng là còn ở mức trang trọng quá. Đây là “ngáo” luôn rồi, tức là bị tổn thương nghiêm trọng ở một vùng chức năng nào đó của não bộ, rơi vào hoang tưởng, đến mức mất năng lực hành vi của một người bình thường.
Ai đời, cậy vào thứ quyền lực gì mà một nữ công an viên đội cảnh sát giao thông, trật tự, phản ứng nhanh của quận Đống Đa (Hà Nội) đi du lịch mà gây “đại náo” sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), hành xử như thể kẻ chuyên rạch mặt ăn vạ.
Ai đời, cậy vào thứ quyền lực gì mà giữa chốn đông người một ông bố ném xúc xích vào nhân viên bán hàng nữ rồi xông tới tát vào mặt nhân viên bán hàng khác trong khi người ta chỉ nhắc con mình mua đồ chưa trả tiền. Hỏi ra mới biết ông bố ấy là một thượng úy công an ở Thái Nguyên.
Ai đời, chen ngang không xếp hàng rồi đến khi bị nhắc thì quay sang hành hung phụ nữ rồi quát to câu nói kinh điển của những kẻ ngáo quyền lực đến mức quên luôn mình là ai: “Biết tao là ai không?”. Mà quyền lực gì vậy? Chỉ là thứ quyền lực của một anh đàn ông to con khỏe xác hơn một phụ nữ chứ là ai đâu!
Và nói theo phát ngôn của ông Vũ Văn Chiến (Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra) thì là mấy vị thanh tra chứ là ai đâu - những người được tạm trao cho chút “quyền lực” kiểm tra, phán xét đúng sai trong một vụ việc gì đấy.
Mới có một chút quyền lực cỏn con thôi, mà đã “ngáo”. Sao lại “ngáo” dễ thế? Hay chúng ta phải đặt thêm những câu hỏi khác.
Rằng có phải, kể cả những kẻ chỉ có chút quyền lực cỏn con thôi cũng thừa cơ hội để gây khó dễ, gây sóng gió cho công việc, cho cuộc đời của ai đó, của doanh nghiệp nào đó. Rằng cơ chế nào đã tạo ra thời cuộc cho kẻ “ngáo quyền lực”? Có phải cái cơ chế mà như ông Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra đã nói, là thanh tra gì mà như tra tấn doanh nghiệp, hành doanh nghiệp đón tiếp vài ba tháng trời. Có phải cái chuyện mà dân gian vẫn hay bàn nào là COCC (con ông cháu cha) nào là huynh này đệ kia đã tạo ra một thời cuộc vàng cho những kẻ mượn chút quyền lực bé mọn mà làm mưa làm gió bất chấp luật pháp, tôn ti trật tự xã hội? Rồi những kẻ ấy mới quen nếp làm mưa làm gió đâm ra nghiện, lâu ngày không chữa thì thành “ngáo”.
Sao họ có thể bị “ngáo” chỉ bằng vào một “liều thuốc” quyền lực rất nhỏ như thế? Hay là, “liều thuốc” tuy nhỏ nhưng lại tẩm tinh chất của những cơ chế quản lý loằng ngoằng, của quyền lực ngầm ẩn dưới những cái mác như COCC?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.