'Ngáo' quyền lực mạng xã hội - Kỳ 1: Biết giới hạn để không rơi vào vòng lao lý

04/04/2022 12:15 GMT+7

Không ít người dùng mạng xã hội chửi bới, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác để rồi phải vướng vòng lao lý. Họ ảo tưởng và nguy hiểm khi lầm tưởng đó là quyền lực, nên được gọi chung là 'ngáo' quyền.

Gần đây nhất, tối 24.3, bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam tại Bình Dương) bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố và bắt tạm giam về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Nguyễn Phương Hằng quản lý 12 kênh mạng xã hội, thường phát ngôn xúc phạm người khác

Theo Công an TP.HCM, bị can Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp (livestream) nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác.

Có thể nói, mạng xã hội nói riêng, internet nói chung đã là nơi mà không ít người hiểu rằng “ảo”, nghĩa là mình có thể ẩn danh để vu khống, nhục mạ người khác. Không riêng vụ việc này mà còn những vụ việc tương tự khác, cho thấy sự ảo tưởng về cái gọi là “sức mạnh của mạng xã hội” hay “quyền lực mạng” đã đưa không ít cá nhân vào trại giam.

Mới đây, ngày 30.3, TAND TP.Cà Mau đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Lê Minh Tài (38 tuổi, ngụ TP.Cà Mau) 1 năm tù giam về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo đó, từ ngày 17.9 - 27.11.2021, Tài sử dụng tài khoản Facebook cá nhân mang tên “Le Minh Tai” đăng tải 28 bài viết, 9 đoạn clip có nội dung tiêu cực, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của lãnh đạo tỉnh Cà Mau.

Bị can Nguyễn Phương Hằng có nhiều clip livestream trên mạng xã hội được cơ quan chức năng xác định "nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác"

SỸ ĐÔNG

Ngày 7.1, TAND H.Trảng Bom (Đồng Nai) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Nhanh (29 tuổi, ngụ H.Trảng Bom) 1 năm tù về tội “làm nhục người khác”. Bị cáo Nhanh đã có hành vi dùng trang Facebook cá nhân và blog cá nhân để livestream, trong đó có dùng lời lẽ chửi bới, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và ảnh hưởng đến uy tín của bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND H.Trảng Bom và bà Lương Thị Lan, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom. Không những vậy, người này còn kêu gọi những người khác chia sẻ, phát tán các video có nội dung vi phạm pháp luật trên.

Vào tháng 10.2020, TAND TP.Bắc Ninh đã tuyên phạt Nguyễn Văn Thiện - Chủ quán Nhắng nướng Hiền Thiện mức án 12 tháng tù, Lăng Văn Vân (nhân viên) 9 tháng tù cùng về tội "làm nhục người khác". Theo cáo trạng, tối 17.8, chị D.T.H. (27 tuổi, quê tại Phú Thọ) cùng bạn đến ăn tại quán Nhắng nướng Hiền Thiện do Thiện làm chủ. Bức xúc vì trong thức ăn có sán, chị H. đã đăng lên Facebook để cảnh báo mọi người.

Sau đó, Thiện gọi chị H. đến quán bắt quỳ xuống nền, rồi chửi bới, đe dọa, bắt chị H. đăng cải chính lên Facebook. Toàn bộ quá trình được Thiện và Vân dùng điện thoại phát trực tiếp trên Facebook của quán Nhắng nướng Hiền Thiện.

Theo luật sư (LS) Trần Minh Cường (Đoàn LS TP.HCM), dưới góc độ quyền con người, quyền tự do ngôn luận của công dân trên không gian mạng là quyền của cá nhân trong việc tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý kiến của mình đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thông dưới các hình thức như: email, Facebook, YouTube...

Tuy nhiên, theo luật An ninh mạng năm 2018 và các luật, văn bản có liên quan thì công dân sử dụng, bày tỏ quyền tự do ngôn luận trên mạng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ths Lưu Đức Quang (giảng viên trường Đại học Kinh tế - luật TP.HCM) cho biết, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nhấn mạnh việc thực hiện quyền tự do ngôn luận phải chịu một số hạn chế được quy định trong pháp luật và là cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội.

Điều 25 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Từ căn cứ hiến định trên, hành lang pháp lý cho quyền này ngày càng được hoàn thiện trong bối cảnh phát triển của truyền thông số và mạng xã hội. Có thể kể đến một loạt văn bản quy phạm pháp luật như: luật Tiếp cận thông tin; luật An ninh mạng; luật Viễn thông; Bộ luật Hình sự; Bộ luật Dân sự; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng...

Theo ông Quang, ranh giới giữa tự do ngôn luận với việc lạm dụng quyền này để xâm hại lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác chính là điều cấm của pháp luật.

“Bạn có quyền khoe tài sản của mình nhưng không được tiết lộ tài khoản ngân hàng của người khác. Bạn có quyền tố giác tội phạm nhưng không có quyền kết tội người khác. Bạn có quyền phản đối người khác nhưng không được vu khống họ”, ông Quang nói.

Ths Lưu Đức Quang cũng nêu, hiện nay, livestream trên nền tảng mạng xã hội đang chứng tỏ ưu thế vượt trội so với các hình thức tự do ngôn luận truyền thống. Đây chính là bước phát triển tất yếu của tự do ngôn luận. Song nó cũng đặt ra những thách thức đối với những ai sử dụng phương thức biểu đạt này.

“Điều mà một người nói trong livestream có thể lan nhanh chóng mặt và tất nhiên cũng có thể được lưu trữ để làm bằng chứng chống lại người đó một cách "vô cùng thuyết phục". Do vậy, để ngăn chặn livestream "bẩn", nhục mạ người khác trên mạng xã hội, chúng ta không thể không nâng cao ý thức pháp luật bởi tuy hành xử trên không gian được nhiều người nghĩ rằng "ảo" nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý”, ông Quang nêu ý kiến. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.