Ngập, sụt lún vì khai thác nước ngầm

17/06/2019 07:20 GMT+7

Một trong những lý do quan trọng dẫn đến tình trạng ngập, sụt lún nghiêm trọng tại TP.HCM là tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan lâu nay.

Thế nhưng sau hơn 1 năm thực hiện kế hoạch giảm khai thác nước ngầm của UBND TP, việc giảm khai thác nước ngầm vẫn chậm chạp.
Ngày 15.6, Công ty cổ phần cấp nước Gia Định (thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn - Sawaco) phối hợp cùng Q.Bình Thạnh tổ chức lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân giảm khai thác nước ngầm; trám lấp giếng trên địa bàn quận.

Gắn đồng hồ nước… vẫn không sử dụng

TP.HCM là địa phương có tốc độ sụt lún nền rất lớn; trung bình trên toàn thành phố là 40 mm/năm, cá biệt có nơi đến 67 mm/năm. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do hậu quả của việc khai thác nước ngầm tràn lan và quá mức lâu nay. Điều này góp phần làm gia tăng ngập nước trong thành phố. Ngoài ra, việc sử dụng nước giếng khoan chưa qua xử lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bởi các chất độc tồn tại trong nước giếng, nếu ở mức độ nhẹ có thể gây dị ứng da, nhiễm trùng đường ruột, gây bệnh tiêu chảy, nếu tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư và thậm chí dẫn đến tử vong.
Theo Sawaco, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 1,46 triệu đồng hồ nước, hiện vẫn còn khoảng 124.500 chiếc có chỉ số tiêu thụ là 0 m3 - tức người dân không sử dụng. Trong khi đó, số liệu thống kê gần đây nhất về tình trạng sử dụng nước ngầm ở TP.HCM là 716.581 m3/ngày. Cụ thể hộ dân khai thác 355.859 m³/ngày, khu chế xuất - khu công nghiệp 58.150 m3/ngày, bên ngoài khu chế xuất - khu công nghiệp nhưng không phải hộ gia đình 172.572 m3/ngày và Sawaco là 130.000 m3/ngày.
Về chất lượng nước, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM qua thực hiện giám sát chất lượng các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn TP ghi nhận nhiều mẫu nước không đạt chất lượng. Cụ thể, năm 2018, giám sát 149 mẫu thì có 72% mẫu đạt cả chỉ tiêu hóa lý và vi sinh, số còn lại không đạt. Đa số các mẫu không đạt chất lượng rơi vào nhóm nước giếng do hộ dân tự khai thác. Nhiều mẫu nước giếng hộ gia đình tự khai thác đang bị ô nhiễm nặng; không đạt pH, có hàm lượng amoni cao và có mẫu nước nhiễm vi sinh (E.coli và coliforms)...
Ngoài việc nguồn nước không đạt chất lượng sử dụng dẫn đến nguy cơ phát sinh dịch bệnh, việc khai thác nước ngầm quá mức còn là một trong những nguyên nhân trực tiếp góp phần gây hiện tượng sụt lún, “biến dạng” mặt đất. Hậu quả là làm cho tình trạng ngập úng ngày càng trầm trọng và khó khắc phục hơn. Tình trạng này đã được các nhà khoa học chỉ ra cách đây hơn 10 năm trước, thời điểm mà lượng nước ngầm khai thác ở TP.HCM lên đến khoảng 1 triệu m3 mỗi ngày.
Trước thực trạng đó, cuối tháng 3.2018, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký ban hành kế hoạch giảm khai thác nước ngầm và trám lấp giếng khai thác nước ngầm trên địa bàn. Theo kế hoạch trên, mục tiêu đến cuối năm 2018 khai thác nước ngầm còn 487.000 m3/ngày đêm và cuối năm 2019 chỉ còn 310.000 m3/ngày đêm…; đến năm 2025 chỉ còn 100.00 m3/ngày đêm.

Bắt đầu trám, lấp giếng

Thế nhưng, việc giảm khai thác nước ngầm trên địa bàn TP.HCM vẫn hết sức chậm chạp. Riêng Q.Bình Thạnh còn 33 tổ chức, 273 hộ dân sử dụng nước ngầm với tổng lượng khai thác khoảng 367 m3/ngày/đêm. Mục tiêu của quận này trong năm 2019, lượng nước ngầm khai thác sẽ giảm còn 95,4 m3/ngày/đêm. Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Hồ Phương, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, đề nghị Phòng Tài nguyên - Môi trường chủ động phối hợp cùng Công ty cổ phần cấp nước Gia Định và UBND các phường tập trung tuyên truyền vận động các tổ chức, hộ dân thực hiện trám lấp giếng đúng theo quy định, đảm bảo đạt chỉ tiêu của thành phố và quận đề ra. Đây là nhiệm vụ nhằm góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Đắng, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Gia Định, để thực hiện thành công nhiệm vụ trên cần tuyên truyền để dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ nguồn nước ngầm; không khoan, đào giếng bừa bãi để khai thác nguồn nước ngọt. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và tăng mức xử lý vi phạm trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngầm của thành phố. “Chúng tôi mong muốn người dân cùng chung tay bảo vệ nguồn nước ngầm, cũng là bảo vệ gia đình và xã hội thì tình trạng khai thác nước ngầm mới giảm đáng kể và tiến tới ngưng khai thác”, ông Đắng nói.
UBND Q.Bình Thạnh và Công ty cổ phần cấp nước Gia Định tổ chức tuyên truyền, phát 1.500 tờ bướm đến từng hộ dân; thực hiện trám lấp một số giếng trên địa bàn quận và sẽ tiến hành trám lấp toàn bộ các giếng không hoặc đang sử dụng trong năm 2019.

Lo Bộ TN-MT cấp phép khai thác giếng mới

Ngày 18.7.2018, UBND TP.HCM gửi văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường hạn chế việc cấp phép mới về khai thác nước ngầm trên địa bàn TP. Theo UBND TP, hiện nhu cầu khai thác, sử dụng nước ngầm của các tổ chức, cá nhân rất lớn, vượt lưu lượng có thể khai thác. Tuy nhiên, do nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nên tình trạng này đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. Bên cạnh đó, việc khai thác quá lưu lượng cũng làm gia tăng nguy cơ sụt lún nền đất. Chủ trương của TP là hạn chế tối đa việc sử dụng nước ngầm, chuyển dần sang khai thác nguồn nước mặt, nâng cấp mạng lưới cấp nước sạch để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân, doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.