Ngày 8.3: Bật mí của những nhà vô địch nữ chuyện... đi giày 9cm và tô son!

08/03/2020 12:15 GMT+7

“Tụi em đi giày 9cm cao lắm. Tất cả đều đi hai hàng không à", các nhà vô địch được một bữa tiệc 'cười' vì giày cao gót. Họ rắn rỏi, mạnh mẽ trên sân cỏ nhưng cũng đầy khao khát về tình yêu, gia đình .

“Tôi không có con gái. Tôi chỉ có con dâu và cháu gái. Tôi thương các cháu trong đội tuyển nữ như con. Và tôi thấy các cháu rất nữ tính”, HLV đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam Mai Đức Chung nói.

Tiệc cười giày gót nhọn

Chương Thị Kiều đứng dậy sau khi thợ trang điểm tô nét son cuối cùng. Kiều mặc bộ veste trắng, rồi xỏ chân vào đôi giày đi tiệc đã được ban tổ chức chuẩn bị sẵn. Giày cao 9cm, cao hơn rất nhiều so với những đôi giày thể thao hay dép xỏ ngón mà cô cùng với đồng đội vẫn thường dùng.
“Tụi em đi giày 9cm cao lắm. Tất cả đều đi chân 2 hàng không à. Đi kiểu không quen, đi kiểu cong cong í. Với lại, còn hay bị đau gót nữa. Mọi người đều không quen”, Kiều nhớ lại.
Đó là bữa tiệc mừng chiến thắng mà SunGroup tổ chức để chào mừng đội tuyển nữ đoạt Huy chương vàng SEA Games 30 mới đây. Các cầu thủ cùng nhau trải qua kỳ nghỉ dưỡng sau khi đã dốc sức cho màu cờ sắc áo. Vết thương lớn ở đùi của Kiều mà bao khán giả xót xa cũng dần dần lành. “Vết thương hết rồi mà bị sẹo thôi ạ, cũng không bị lồi lên đâu. Mà cũng quen rồi. Đi giày cao gót còn khó hơn”, cô nói và cười hồn hậu.

Những kiều nữ bóng đá trong mưa

Ảnh: Minh Hoàng

Huỳnh Như (áo số 9) luôn là một đội trưởng mẫu mực, truyền lửa cho đồng đội

Ảnh: Độc Lập

Chương Thị Kiều chịu đau đớn trên sân

Ảnh: Độc Lập

Trong khi đó, Kim Thanh lại cười rũ ra khi nhớ lại lần trang điểm và dự tiệc ấy. “Trời ơi, không quen. Mọi người cứ nhìn nhau xong rồi cười. Mà em mặc vest đi cao gót chụp hình ai cũng cười em. Em quen đi mấy đôi giày da mà đế thấp. Rồi trang điểm hết, đánh phấn, son môi… Chúng em còn rủ nhau về phòng ngồi cười”, Kim Thanh nhớ lại.
Bình thường, Thanh chỉ có giày đinh, giày thể thao, dép thấp. Người điệu nhất đội tuyển, Chương Thị Kiều, “gia tài” cũng chỉ hơn bạn bè đôi giày búp bê và mới đây là một đôi giày đen đế bằng cao chừng 5cm. Các bạn khác trong đội cũng vậy.
“Thường thì tụi em đi chơi chỉ mặc áo thun với quần jean đơn giản thôi. Nhưng giày thể thao thì tụi em có nhiều hơn. Giày cao gót em không có đôi nào. Em chỉ đi giày đế ngang thôi à. Còn dép xỏ ngón em đi thoải mái”, Bích Thùy chia sẻ.
Có tủ giày thể thao sắc màu, nhưng Thùy không có chiếc đầm nào cả. Ở trong đội cũng không nhiều người thích mặc đầm. “Giày thể thao thấy ai cũng có nhiều ạ. Giày thường mình chọn thì dựa theo thời trang. Con gái đôi khi cũng thích màu trắng, hồng, đỏ mấy màu sáng sáng chút. Váy thì một số bạn mặc thôi”, Huỳnh Như bật mí.

Cả đội dồn lại không đủ bộ đồ trang điểm

Ngoài giày thể thao, kem chống nắng, kem dưỡng da cũng là thứ toàn đội ai cũng có và có nhiều. Mua kem chống nắng là thói quen chăm sóc bản thân của đội trưởng Huỳnh Như. “Đi đâu thỉnh thoảng mình cũng mua mỹ phẩm. Quan trọng nhất là kem chống nắng, vì chơi bóng đá tiếp xúc với nắng là nhiều. Các VĐV nữ đa số xài kem chống nắng nhiều hơn người bình thường luôn, phải dùng loại chỉ số chống nắng cao nhất mới đủ để chống lại nắng thiêu đốt”, Như chia sẻ.

Các cô gái vàng với niềm vui vô địch

Ảnh: Độc Lập

Hoàng Thị Loan “nếm” niềm vui của huy chương vàng

Ảnh: Độc Lập

Đội tuyển ăn mừng chiến thắng

Ảnh: Độc Lập

Kem chống nắng là vậy, còn son chủ yếu dùng ở son dưỡng. Kể cả luyện tập cũng thoa son nhưng chỉ là son dưỡng. Bích Thùy nói: “Trong đội tuyển em thấy bạn nào cũng điệu. Em không xài mỹ phẩm nên bị nói là lão hóa da hết cả. Em dùng kem chống nắng nhưng mấy mỹ phẩm chăm sóc da như mọi người thì không. À, son thì có son dưỡng. Em được mọi người tặng cho nên cứ dùng thôi”.
“Các bạn tối hay rủ nhau đắp mặt nạ, Như chỉ xài chung với mọi người thôi, mặt nạ sữa chua, sữa tươi, khoai tây nghiền. Thường, nhóm độ 3- 4 đứa cùng rủ nhau đắp mặt nạ tối. Số người đắp cũng hầu như gần hết đội”, Huỳnh Như kể.
Tuy nhiên, trang điểm vẫn là điều gì đó xa lạ với đội bóng. Ở đội, người có nhiều dịp trang điểm nhất là đội trưởng Huỳnh Như vì hay đi hội họp và trả lời phỏng vấn. Nhưng Như lại không phải người có tài trang điểm. "Phù thủy" makeup của đội là Chương Thị Kiều. “Ở đây nếu Như makeup thì hay nhờ Kiều”, Huỳnh Như nói.

Huỳnh Như nhận Quả bóng bạc 2018

Ảnh: Nguyễn Nhân

Chương Thị Kiều nhận Quả bóng đồng nữ 2018

Ảnh: Nguyễn Nhân

Rất hiếm khi thấy các tuyển thủ nữ mặc đầm

Ảnh: Nguyễn Nhân

Như có mascara, kẻ chân mày, phấn. Còn Kiều chỉ có mỗi son và bút vẽ lông mày. Việc trang điểm do đó cũng không quá cầu kỳ. “Chị Như hay trang điểm để đi phỏng vấn. Chị ấy hay thiếu má hồng hay chân mày thì em hay chỉnh sửa nhiều. Toàn em tự nhìn người ta vẽ xong bắt chước vẽ thôi à. Túi đồ makeup của em chỉ có cây son môi với cây kẻ chân mày là hết rồi. Không có phấn mắt, không có mascara. Cái đó chỉ có Huỳnh Như là có thôi. Chỉ có nhiêu đó thôi. Em nghĩ cả đội dồn vào không đủ một bộ đồ trang điểm”, Chương Thị Kiều nói.

'Tụi em cũng đau nhưng tụi em kiên cường lắm'

HLV Mai Đức Chung kể, những năm trước đây, nhiều gia đình không muốn cho con gái theo nghề bóng đá. Họ không phàn nàn tận nơi, tận đội nhưng lâu lâu lại khuyên nhủ con cái dừng lại.
“Quần đùi áo số suốt ngày ở ngoài mưa ngoài nắng, đen đủi thế này chả ai muốn cả. Bố mẹ chỉ muốn con nó học hành tấn tới trong nhà thế thôi. Nhưng mà đây vì các cháu cũng đam mê quá nên bố mẹ phải chấp nhận”, ông Chung nhớ lại.
Tuy nhiên, càng ngày, định kiến đó càng nhạt dần đi. “Lứa cầu thủ dự SEA Games lần này thì không có ai gia đình không muốn cho theo bóng đá cả. Các cháu đi đá bóng cũng kiếm thêm ít tiền trang trải thêm cho gia đình. Bây giờ đời sống nâng cao lên thêm, được quan tâm hơn cũng đỡ hơn nhiều. Thông tin, xã hội người ta quan tâm nhắc đến cũng giúp đỡ thành kiến, nên gia đình cũng phấn khởi”, ông Chung nói.

Chương Thị Kiều đi tìm nguyên liệu làm muối chấm hoa quả trong ngày nghỉ và thành quả

Ảnh: Hoài Thu

Nguyễn Thị Tuyết Ngân thích ngồi cafe nói chuyện cùng bạn bè mỗi khi rảnh

Ảnh: Hoài Thu

“Tinh thần luyện tập, thi đấu phải nói là quật cường, thậm chí hơn nam giới ấy. Có một buổi tập trên Nhổn ngày xưa. Hồi đó, đội nam và nữ cùng tập ở Nhổn. Nam tập về rồi nữ vẫn tập tiếp. Có một cậu bên đội nam sang xem nữ tập thế nào. Cậu ấy bảo bố ơi bố sao nữ tập nặng thế. Bảo đấy, đội nữ bố bắt tập như thế đấy. Phải tập nặng thế mới đá được. Tập mệt thế nào các cháu vẫn cứ theo mà không uể oải. Các cháu sẵn sàng tập luyện”, ông Chung nói.
Có lần, đội tuyển vào trận quan trọng, bác sĩ thông báo một cầu thủ vướng “chuyện phụ nữ”. “Tôi nói vậy sao cháu đá được, thế là con bé lăn đùng ra khóc. Tôi bảo cứ yên tâm tập luyện, nếu bác thấy không ảnh hưởng thì để đá. Cháu nó đội hình chính thức, cứ khăng khăng nhất định sẽ vào đá”, ông Chung kể.
Cũng chính tinh thần đó đã khiến các cô gái của đội tuyển dù đau, dù mệt, dù bị thương vẫn cứ thế mà đi tới trận đấu cuối của các giải đấu lớn. Sau này, Bích Thùy tâm sự về vết thương của Chương Thị Kiều: “Vết thương của chị ấy nhìn to cực kỳ luôn, nhưng ý chí bọn em chống chọi hết mà. Một thủ lĩnh lớn ở hàng thủ như thế nên tất cả tụi em đứa nào cũng dũng cảm. Tụi em cũng đau nhưng tụi em kiên cường lắm. Cái đó là đam mê của tụi em rồi mà".

'Nếu có ai hốt em là em để hốt luôn'

Bóng đá cũng đem lại cho các cô gái đời sống như trong doanh trại quân đội với giờ giấc ăn ngủ điều độ với nhau. Các nữ cầu thủ ở cùng nhau nhiều thời gian hơn. Nhưng điều đó cũng lấy đi thời gian họ dành cho gia đình mình.
Cô Kim Hồng, HLV thủ môn là người thấm thía hơn cả điều đó. Có đợt SEA Games đã đánh dấu nỗi đau mất người thân của cô. Khi đó, chị gái ruột của cô ung thư nặng dần, nặng dần rồi mất. Việc công tác vẫn phải đi và trong chuyến đi ấy cứ nghĩ đến chị mình đau. Đó là sự hy sinh thầm lặng.
“Mình đi suốt, cái hy sinh, cái tập thể rất quan trọng nên nhiều khi gia đình có việc mình cũng phải ráng xong công việc đã rồi mới quay ra chuyện của mình được”, cô Hồng tâm sự.

Hoàng Thị Loan chờ bạn tới để gửi đồ

Ảnh: Hoài Thu

Trong hình dung về tương lai, Bích Thùy nghĩ rằng khi nào dừng đá bóng mình sẽ có người yêu. Huỳnh Như cũng vậy, muốn dành thời gian, dồn hết sức cho bóng đá trước.
“Mấy chị ở đây ai lập gia đình xong cũng nghỉ hết. Có con xong vất vả lắm, vừa tập luyện vừa lo cho con, khó khăn nhiều thứ. Ở nhà, ai cũng muốn mình lập gia đình sớm nhưng cũng hiểu cho mình. Tết về thì mọi người cũng hỏi nhưng chắc năm nay chai rồi không muốn hỏi nữa. Mỗi người có một niềm vui riêng. Riêng với mình thì mình chưa lập gia đình nhưng vì được sống với những thứ mình thích nên mình thấy việc lập gia đình không quá quan trọng lắm”, Như nói.
Kim Thanh cũng đang đặt tình yêu bóng đá lên hàng đầu. “Em cũng thế thôi, lo sự nghiệp trước đã xong em mới tính đến chuyện lập gia đình. Em nghĩ chả có anh nào dám nhắn tin cho mấy bạn tóc ngắn tụi em”, Thanh nói. Hiện tại, trong đội không có nhiều người để tóc dài vì không tiện lắm trong thi đấu.
Những điều đó, cô Kim Hồng cũng biết, cũng hiểu. “Bộ môn thể thao này nó hơi cá tính,  hơi nam tính chút xíu. Nếu bạn trai thích phụ nữ cá tính sẽ từ hào khi chọn yêu cầu thủ nữ. Nhưng cũng có đàn ông thấy ngại ngại thì mình thấy hơi buồn”, cô Hồng nói.
Ông Mai Đức Chung nói làm huấn luyện viên, ông vui nhất khi nhận được thiếp mời dự đám cưới của học trò. Lần gần nhất ông nhận thiệp cũng đã cách đây 3 năm rồi. “Cầu thủ Nguyễn Thị Hòa lên xe hoa. Tôi cũng thấy vui, các cháu có gia đình như vậy thì hạnh phúc, ấm áp. Cũng thương chúng nó, tập suốt thế này thì quen ai được. Con trai nói chung lại thích tóc dài. Các cháu nữ tính nhưng nữ tính của cầu thủ thường không dễ nhận thấy”, ông Chung tâm sự.
Rồi ông kể tiếp: “Tôi làm HLV đội nam rồi. Nhưng mà nam không được sạch sẽ như nữ đâu. Nữ thì khác lắm. Giặt giũ sạch sẽ, ngâm nước thơm rồi phơi lên. Khi khô lại rút vào rồi gấp gọn gàng. Những chi tiết tỉ mẩn thế, cầu thủ nữ "ăn đứt" cầu thủ nam”.
Các thành viên đội tuyển cũng có những dự định tương lai về nghề nghiệp, về gia đình, về ngôi nhà và những đứa trẻ. Bích Thùy muốn trở thành HLV. Huỳnh Như cũng vậy. Chương Thị Kiều lại luốn trở thành người buôn bán nhỏ…
Các tuyển thủ nữ vẫn đùa “nếu có ai hốt em là em để hốt luôn”. Nhưng hơn cả, các em cũng biết không cần cuống lên thì rồi điều tốt nhất sẽ đến. “Gặp được đúng người yêu mình thật lòng, điều đó mới quan trọng nhất”, cô Kim Hồng nói.
Trong đám cưới của đồng đội, có thể, các tuyển thủ nữ sẽ vẫn đi giày thể thao yêu thích còn cô dâu, dĩ nhiên rồi, sẽ đi giày cao thật cao.
Tiền vệ tuyển Việt Nam Phạm Đức Huy: 'Tôi ngưỡng mộ các đồng nghiệp nữ'
Phụ nữ nói chung vốn thường chịu nhiều thiệt thòi hơn cánh nam giới bởi họ mang trên vai quá nhiều trọng trách của gia đình và của xã hội. Phụ nữ đá bóng còn thiệt thòi hơn. Tôi là một cầu thủ nam, luôn cảm nhận sự vất vả khôn cùng của nghề nghiệp. Thế nên càng khâm phục, càng ngưỡng mộ sự hy sinh của các đồng nghiệp nữ. Chúng tôi dành cho họ sự quý trọng, thương yêu và tin tưởng.
Phụ nữ vốn được mệnh danh là phái yếu nhưng nhìn các cầu thủ nữ tập luyện, thi đấu giữa cái nắng nóng gay gắt của mùa hè hay giá buốt của mùa đông thì chẳng thấy họ là phái yếu nữa rồi. Họ có thể không mạnh mẽ về thể chất như nam nhưng về ý chí thì không ngôn từ nào có thể diễn tả nổi. 
Những lúc được chứng kiến các cô gái xả thân trên sân cỏ, ai còn dám nói các cầu thủ nữ là phái yếu nữa đây. Nhưng dù có mạnh mẽ hay tinh thần thi đấu bất khuất thế nào đi chăng nữa, họ vẫn là phụ nữ. Vẫn mỏng manh, vẫn dịu dàng, vẫn cần sự che chở, thương yêu của tất cả chúng ta.
(Lan Phương thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.