Ngày 8.3 'năm Covid': Sao phải vừa làm mẹ, làm vợ và làm việc công ty cùng lúc?

08/03/2021 12:38 GMT+7

Khi dịch Covid-19 ập đến, sự bất bình đẳng về giới càng được dịp thể hiện rõ. Công trình đấu tranh những thế kỉ qua của phụ nữ toàn cầu có thể bị đẩy lùi khoảng độ 25 năm về trước vì ảnh hưởng của dịch.

Thoát khỏi cái bóng lịch sử của Hội nghị Quốc tế Phụ nữ Xã hội Chủ Nghĩa năm 1910 tại Copenhagen (Đan Mạch), ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 đã và đang tiếp tục khẳng định tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới, vượt qua rào cản về lịch sử và cơn đại dịch toàn cầu Covid-19. 
Phụ nữ hiện đại không ngần ngại thách thức để đồng lòng lên tiếng, chỉ điểm những bất bình đẳng trong cuộc sống thời phong tỏa.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 buộc cả thế giới sống, học tập và làm việc tại nhà cũng là khi người phụ nữ bị buộc đưa vào tình thế một người ba việc: làm mẹ, làm vợ và làm việc công ty cùng một lúc. Mọi sinh hoạt bình thường đều bị xáo trộn và vị trí người phụ nữ phải đối mặt với nhiều thử thách, áp lực, có khi là cả bạo lực gia đình ngay tại chính căn nhà mình sinh sống.  

Tại sao duy trì và đẩy mạnh ngày Quốc tế Phụ nữ?

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc năm 2020, ước lượng khoảng 1.3 triệu phụ nữ sống trong bạo lực gia đình (bạo lực thể chất và tinh thần) sau khi dịch Covid-19 phong tỏa toàn thế giới. Ngoài ra, ngay cả ở những nước phát triển như Anh hay Mỹ, vẫn tồn tại một số đông các công ty trả mức lương cho phụ nữ thấp hơn mức lương cho đàn ông, trong khi đó hơn 23% phụ nữ trên thế giới hoạt động trong những ngành nghề chủ lực: khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học (STEM) theo thống kê của WISE campaign (Women in Science and Engineering).
Hơn thế, 62 triệu bé gái trên toàn thế giới bị từ chối tiếp cận giáo dục. Đây cũng là vấn nạn mà Michelle Obama, phu nhân cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, đã luôn nhấn mạnh và đấu tranh trong những bài phát biểu ở Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh đó, phụ nữ còn là nạn nhân của xâm hại tình dục và buôn lậu người.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc năm 2019, 51% buôn lậu người là phụ nữ và 20% là những cô gái vị thành niên. Đồng thời, mỗi năm có khoảng 12 triệu cô gái trên thế giới buộc kết hôn trước 18 tuổi. Điều đó làm cản trở sự phát triển của các cô gái trẻ trong việc theo đuổi học vấn, giáo dục, ước mơ và sự nghiệp cá nhân; cũng như làm tăng rủi ro của bạo lực gia đình.
Ở thời đại công nghệ thông tin ngày nay, người phụ nữ còn luôn phải hứng chịu sự chỉ trích hình thể và sự xúc phạm danh dự trên mạng xã hội. Từ đó, dẫn đến nhiều trường hợp trầm cảm, tự kỉ. Ngoài ra, đứng trước những định kiến khắt khe của xã hội, người phụ nữ còn phải đối mặt với tình trạng bị ép phá thai, làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Với những thống kê đáng buồn trên, người phụ nữ cần được quan tâm, bảo vệ và đấu tranh cho những quyền lợi bình đẳng với nam giới nhiều hơn. Để tiếng nói của người phụ nữ được lắng nghe và được tôn trọng, thì ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 hằng năm cần phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thông điệp bình đẳng giới và quyền trên khắp thế giới, vì sức mạnh tập thể sẽ làm nên thay đổi - “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.”

Chủ đề ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2021 là gì?

Phụ nữ hiện đại thách thức bất bình đẳng giới và quyền trên toàn cầu2
#ChooseToChallenge là chủ đề của ngày 8.3 năm nay được Hiệp hội Quốc tế Phụ nữ đặt ra, nhằm kêu gọi phụ nữ cũng như nam giới toàn cầu cùng nhau đồng lòng lên tiếng, mạnh mẽ thách thức những bất bình đẳng giới và quyền trong cuộc sống hàng ngày. Khi được thách thức, thì mỗi người sẽ có trách nhiệm hơn đối với những suy nghĩ và hành động của chính mình.
Chủ đề kêu gọi đấu tranh, chỉ điểm những hành vi, lời nói, hành động phân biệt giới tính và bất công quyền lợi nhằm tạo sự tác động và thay đổi tích cực. Đồng thời, Hiệp hội Quốc tế Phụ nữ cũng tôn vinh những thành công, đóng góp của những tấm gương phụ nữ trên toàn thế giới trong công cuộc đấu tranh bình đẳng giới và quyền.
Vì một tương lai hậu Covid bình đẳng và công bằng, Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi phụ nữ toàn cầu với tinh thần lãnh đạo hãy mạnh mẽ báo cáo chính quyền địa phương và phản kháng đối với những hành động bạo lực gia đình, bất bình quyền trong mức lương tại công ty, hay những bất bình đẳng giới trong xã hội. Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh sự bình đẳng trong phân chia khối lượng công việc đối với những phụ nữ nằm trong tuyến đầu chống dịch Covid-19, cũng như phụ nữ làm việc tại nhà trong việc san sẻ trách nhiệm gia đình.

Các nước tham gia tôn vinh ngày Quốc tế Phụ nữ 2021 như thế nào?

Hiệp hội Quốc tế Phụ nữ tổ chức một sự kiện trực tuyến “Letters Live” với những ngôi sao tên tuổi như Olivia Colman, Gillian Anderson và Caitlin Moran đọc những lá thư viết cho tất cả phụ nữ trên thế giới và kêu gọi phụ nữ tiếp tục tỏa sáng và đấu tranh cho bình đẳng giới và quyền. Đồng thời kêu gọi ủng hộ cho Quỹ WOW (Women Of the World) nhằm giúp đỡ cho các bé gái trên thế giới đều được đến trường và tiếp nhận nền giáo dục.
Sự kiện “Letters Live” bắt đầu lúc 7 giờ tối GMT (2 giờ tối ET hoặc 11 giờ sáng PT) vào ngày 8.3 trên kênh YouTube “The Show Must Go On!”
Phụ nữ hiện đại thách thức bất bình đẳng giới và quyền trên toàn cầu3
Viện Bảo Tàng London ở Anh cho trưng bày bộ sưu tập tranh ảnh về cuộc biểu tình lịch sử “Votes for Women” của phụ nữ Anh vào tháng 12.1918 đòi quyền phụ nữ được tham gia vào công tác chính trị và nắm giữ vị trí trong Nghị viện Anh.
Tại Đại học Imperial London vào ngày 9.3 lúc 4 giờ chiều GMT+04 sẽ diễn ra sự kiện buổi trò chuyện với Michelle Raymond, về chủ đề phụ nữ cần theo đuổi đam mê của riêng mình và những chia sẻ về phụ nữ thuộc cộng đồng LGBT cũng có thể theo đuổi sự nghiệp một cách bình đẳng không bị kì thị giới tính.
Ngoài ra, Royal Opera House ở London cũng tổ chức buổi biểu diễn văn nghệ trực tuyến nhằm tôn vinh phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Sự kiện nhằm ủng hộ chủ đề #ChooseToChallenge của Hiệp hội Quốc tế Phụ nữ năm nay, sẽ diễn ra vào lúc 7 giờ tối GMT+04 Live trên kênh YouTube Royal Opera House.
Bên cạnh sự công nhận vị trí và vai trò của người phụ nữ ngoài xã hội, người phụ nữ cần quyền bình đẳng về giới trong việc san sẻ trách nhiệm gia đình. “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” không phải là một lời khen ngợi cho sự tiến bộ của người phụ nữ, mà là một sự không công bằng trong phân chia quyền hạn, trách nhiệm và công việc đối với người phụ nữ. Vì thế, người phụ nữ hiện đại cần thách thức, lên tiếng và chỉ điểm những bất bình đẳng, những bạo lực và lạm dụng trong gia đình cũng như ngoài xã hội để đấu tranh cho một tương lai hậu Covid công bằng và tốt đẹp hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.