Dù chỉ mới bước chân vào giới xe ôm công nghệ được hơn nửa năm, nhưng Châu Pha khá nổi tiếng bởi vẻ ngoài xinh xắn, dễ thương và còn được yêu mến với cách nói chuyện gần gũi, hài hước.
Lén gia đình làm xe ôm công nghệ
Đầu tư hết vốn liếng vào tiệm bánh, gặp dịch Covid-19, tiệm phải thu nhỏ quy mô hoạt động, bà chủ tiệm bánh Mai Châu Pha (ngụ Q.12, TP.HCM) phải chuyển sang chạy Gojek để có tiền trả ngân hàng mỗi tháng và trang trải.
Từ cuộc sống quanh quẩn bên lò bánh, nay bước chân ra ngoài, sợ mọi người lo lắng, chị đã giấu bạn bè, gia đình, người thân. Những ngày đầu bước ra khỏi nhà đi làm, chị còn không dám mặc áo đồng phục, mà phải chạy cách nhà một đoạn mới dám lấy áo ra mặc. Lâu dần khi quen việc và không còn ngại ngùng gì nữa chị mới cho cha mình biết vừa đổi nghề.
|
|
Mỗi ngày của nữ tài xế bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 10 giờ hoặc 12 giờ đêm, công việc bận rộn không thể thu xếp dành nhiều thời gian cho con, chị phải gửi con về phía nội để ba của các bé chăm sóc. Chị cũng dọn ra ngoài ở trọ một mình để mỗi lần đi sớm về khuya không ảnh hưởng đến giấc ngủ của cha mình.
Chị Pha tâm sự, thu nhập từ nghề xe ôm công nghệ không đều như lúc làm bánh, nhưng có ngày nhiều, ngày ít, tổng mỗi tháng cũng hơn 10 triệu đủ để chị trả ngân hàng và lo cuộc sống. “Nhiều lần mình đi đón khách gặp khách nam họ ngạc nhiên hỏi "Ôi em là nữ hả, để anh chở giùm cho". Còn khách nữ thì nói mừng quá, đặt xe đêm gặp tài nữ là an tâm. Trên đường đi mình thường nói chuyện với khách nhiều lắm, tư vấn hôn nhân gia đình có, nghề nghiệp có, tình yêu có luôn, nhiều khách khuyên mình tìm việc nhẹ mà làm khiến mình vui nhiều hơn buồn. Chính những cuộc trò chuyện làm quãng đường ngắn lại, thấy khách hàng thoải mái khi tâm sự cùng mình, đó cũng là niềm vui nho nhỏ trong nghề”, nữ tài xế tâm sự.
Chạy xa con chỉ để được... gần con
Kể về cuộc đời mình, nữ tài xế xúc động cho biết, cô và chồng cũ chia tay đến nay đã gần 10 năm. Ngày các con còn nhỏ, cô làm bánh thì các bé ở gần mẹ, việc đưa đón các bé hằng ngày do ông ngoại và ba các bé đảm nhận. Nhưng khi chuyển qua làm tài xế cô nghệ, cô phải giao hẳn các con cho chồng cũ chăm sóc.
|
|
|
Chị bộc bạch: “Lúc mình mới vào nghề, không có nhiều người quan tâm, có những hôm về trễ mình ngồi một mình ngoài ngã tư đường, buồn lắm. Chẳng có một ai quan tâm, nhắn tin hỏi thăm xem về chưa. Lúc có cuốc xe, đang chở khách thì họ lại nhắc đi về sớm đi chứ đừng để tối trễ quá. Mình thấy người lạ mà họ còn quan tâm mình vậy, nên tự nhiên nước mắt cứ thế tuôn trào...”.
Xa con, nhưng nữ xe ôm công nghệ không bao giờ dám gọi điện thoại cho con, vì cứ gọi là lại khóc vì nhớ. Nhiều người bàn ra tán vào rằng chị là người mẹ vô tâm, nhưng chị tự an ủi mình, chồng cũ và các con cảm nhận được qua từng việc chị làm vì con, không nghĩ chị như vậy là được.
Chị tâm sự: “Có hôm con bệnh nhưng gần tới hẹn đóng tiền ngân hàng rồi, mình không thể nghỉ được. Mình ngồi ngay bên Q.7 khóc quá trời, nhưng vẫn phải bật app lên chạy. Mình đeo khẩu trang, đội mũ thì khách cũng không thấy mình khóc, nhưng có hôm khách thấy hỏi thăm, mình trả lời tiếng được tiếng không, một hồi khách cũng có bồi dưỡng thêm. Nhưng mình không muốn như vậy, do mình không kìm được cảm xúc mình mới khóc chứ mình không muốn ảnh hưởng đến công việc. Thật sự, bên nội học vấn cao hơn, điều kiện giáo dục tốt hơn nên các bé ở bên ấy sẽ có tương lai hơn”.
|
|
Để bù đắp tình cảm và vơi nỗi nhớ mẹ con, mỗi tháng chị thường dành vài ngày để đón các bé về chăm sóc, đưa các bé đi tô tượng, ăn ốc hay bất kỳ món ngon nào mà các bé thích. Sau mỗi lần gặp con, đưa con về lại bên nội, chị bịn rịn lắm nhưng lại vội vã chạy đi, vì sợ các con thấy chị khóc sẽ khóc theo.
Điều ước lạ trong ngày phụ nữ
Dù vào nghề chưa lâu, nhưng Mai Châu Pha đã gặp không ít chuyện dở khóc dở cười. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị là khi chở một khách say, tới đúng vị trí số nhà đặt trên app nhưng người đàn ông này không chịu xuống. “Lúc đó mười giờ mấy tối rồi, lại vừa vào nghề nữa nên mình hơi sợ. Cuối cùng mình chở khách lên công an phường nhờ công an phường giữ hộ. Anh công an nói mình cứ bỏ khách đó, mai tỉnh họ sẽ tự về”, chị kể.
|
Chị Pha cho rằng, khi nhận đơn GoFood, tài xế nào cũng sợ các quán mì cay, vì tới phải xếp hàng để đặt món, đặt xong phải đợi lâu thật lâu. Có những đơn phải đợi tới 45 phút, tài xế ngồi đó tâm sự hết chuyện này tới chuyện khác mới xong món để đi giao.
“Vui nhất với mình là app nổ nhiều chuyến, mình cứ quệt kết thúc xong Gojek cho một đơn mới. Chạy liên tục không kịp uống nước là vui nhất á, không mệt, chỉ có đứng lại mới mệt thôi. Dịp 8.3 mấy năm trước thì mình làm bánh, mình book tài xế để đi giao bánh, năm nay thì chắc mọi người book mình rồi mình đi giao. Mình có ước mơ là Gojek tới ngày đó cho mình chạy không kịp uống nước là mừng”, nữ tài xế bày tỏ.
|
Anh Nguyễn Gia Tĩnh (37 tuổi, admin nhóm CLB Gojek Sài Gòn) nhận xét, Châu Pha là cô gái hòa đồng với đồng nghiệp và anh em trong nhóm.
“Châu Pha là nữ tài xế dễ thương, thân nữ đi chạy xe ôm thế này cũng cực lắm, nhưng do chén cơm manh áo thôi. Khi di chuyển xe hay gặp khó khăn gì thì những nữ trong nhóm thường nhắn lên nhóm để mọi người đến hỗ trợ”, anh Tĩnh chia sẻ.
Theo chị Lý Vày Hầu, Giám đốc nhóm Chính sách hỗ trợ đối tác tài xế tại Gojek Việt Nam, các nữ tài xế phần nào có bất lợi so với các nam tài xế, do điều kiện sức khỏe, do thiên chức người phụ nữ, và nhiều khi còn do định kiến xã hội. Dẫu vất vả, điều đáng trân trọng là những người phụ nữ kiên cường này không ngần ngại lăn lộn ngoài đường tìm thu nhập một cách chân chính. Chị Hầu mong rằng xã hội sẽ có cái nhìn cởi mở hơn với công việc chân chính này: “Dù sao, phụ nữ vẫn là phái yếu, tôi mong xã hội đừng bắt họ phải mạnh mẽ”.
Bình luận (0)