Thanh niên xung phong (TNXP) là lực lượng quan trọng không thể thiếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, luôn kề vai sát cánh với bộ đội nơi tiền tuyến. Vở diễn Ngày ấy Cổng Trời đã tái hiện hình ảnh của những nữ TNXP với tất cả sức trẻ, thanh xuân và sự hy sinh qua những năm tháng khó khăn. Từ mở đường, tháo gỡ bom mìn cho đến vận tải vũ khí, hậu cần, thương binh…, dù vất vả và nguy hiểm nhưng trên đôi môi các cô gái ấy luôn nở rộ nụ cười của niềm tin chiến thắng.
NSND Trịnh Kim Chi vốn dày dặn kinh nghiệm với dòng kịch cách mạng, bản thân cô cũng từng không ít lần hóa thân vào hình ảnh nữ TNXP, nên đã thổi hồn vào các nhân vật trong vở đầy cảm xúc. Xem những cô gái trẻ mới mười tám đôi mươi, cái tuổi đẹp đẽ nhất của người con gái, đã phải gánh trên vai biết bao gánh nặng và vô vàn khó khăn thiếu thốn mà không khỏi xót xa. Họ chia sẻ từng món trang phục hiếm hoi, từng bức thư cùng đọc rồi cùng nhau cười đùa trêu ghẹo... Không khí chiến trường bỗng trở nên mềm hẳn đi, trong bom đạn mà có được bình yên ở tâm hồn, giữa nơi khói lửa mà rộn ràng sức sống.
Vở diễn cũng khắc họa thêm nhân vật Phúc (Đào Vân Anh), cô gái trẻ bỏ học và khai man thân thế để gia nhập TNXP, nhằm rửa tiếng oan cho người cha bị "đồn" theo giặc. Để rồi ở vùng núi hiểm trở và ác liệt gọi là Cổng Trời (Quảng Bình), Phúc đã tìm thấy lý tưởng, nhiệt huyết cùng tình yêu thương bên cạnh những đồng đội để "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Cô cũng tìm thấy cha của mình, một chiến sĩ tình báo cao cấp hoạt động giữa lòng địch, trong giây phút đoàn tụ ngắn ngủi và chia ly đầy xúc động. Ngày ấy Cổng Trời kết thúc trong niềm vui chiến thắng, nhưng cũng day dứt xót xa bởi những mất mát không thể tránh. Hình ảnh người mẹ gần như ngất đi khi ôm trên tay chiếc hộp đựng tro cốt con mình đủ lấy nước mắt khán giả.
Nghệ sĩ tham gia vở diễn đa phần là các gương mặt trẻ như Lê Chi Na, Nhựt Huy, Thành Vinh, Nguyễn Trúc Ly, Thái Vũ, Nguyễn Vũ Trúc Ly, Thụy Khuê, Khánh Ngọc, Bảo Trân, Thu Huyền… Các bạn đã diễn đầy nội lực, khắc họa chân thực sự thanh xuân, nhiệt huyết của thế hệ TNXP ngày ấy. Bên cạnh đó, dàn diễn viên kỳ cựu như Đào Vân Anh, Phương Bình, Chánh Thuận, Trọng Hiếu, Thanh Sơn cũng tạo nên dấu ấn riêng qua diễn xuất đầy cảm xúc. Yali Trần là một cái tên mới gây bất ngờ với vai bà Lành, lấy nước mắt khán giả bằng nỗi đau của người mẹ có con hy sinh vì Tổ quốc.
Vở diễn còn thu hút bởi thiết kế sân khấu đẹp mắt. Những núi, đá, dốc, lán trại, cây rừng… tạo hình như thật, mà lại xoay chuyển thông minh để đổi cảnh, vừa khắc nghiệt vừa thơ mộng. Nhờ vậy mà xem kịch chiến tranh nhưng không thấy khô khan, gượng ép.
Dự kiến sau cuộc thi, Ngày ấy Cổng Trời sẽ tiếp tục biểu diễn thêm nhiều suất nữa, nhằm nhắc nhở và tri ân sâu sắc về những hy sinh mất mát trong chiến tranh.
Bình luận (0)