“Ngày còn trẻ con, mình sợ mẹ lắm vì mẹ hay đánh đòn. Mình là đứa con trai tính tình ngang bướng từ nhỏ nên thường bị đòn nhiều nhất. Mỗi khi mình không vâng lời, cãi nước đôi với mẹ thì bị mẹ lấy roi quất vào mông. Chính vì vậy, trong thâm tâm mình lúc ấy ghét mẹ", Nguyễn Thanh Bình, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM chia sẻ.
Rồi thời gian cũng trôi, Thanh Bình lên thành phố nhập học, xa rời vòng tay của mẹ. Cứ ngỡ sẽ hạnh phúc, tự do làm những việc mà Bình thích, không còn bị nghe tiếng la rầy, bị mẹ đánh đòn mỗi khi làm việc sai trái. Tuy nhiên, khi xa vòng tay của mẹ, Bình mới nhận ra rằng mỗi tiếng la rầy, dạy dỗ của mẹ cũng chỉ vì muốn mình trưởng thành hơn.
“Khi lớn lên, mình mới hiểu ra mẹ không hề ghét bỏ như mình nghĩ. Đánh mình đau, mẹ còn đau hơn cả trăm lần như thế. Mình còn nhớ, cứ mỗi lần bị mẹ đánh là tối mẹ lại ngồi cạnh bên thoa dầu gió cho mình. Với mình bây giờ, thì đó lại là quãng thời gian yên bình và hạnh phúc nhất, dù bị đánh đòn mình cũng cam chịu để được trở lại một lần thôi cũng được”, Thanh Bình bày tỏ.
Lê Kiều Nhi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, kể: “Sáng hôm ấy, mình thức dậy sớm, mang theo ba lô đi học, xuống nhà bếp để nhận hộp cơm từ mẹ. Giây phút mở nắp hộp cơm ra, mình đã vô cùng thất vọng khi nhìn thấy những món ăn không được bày biện bắt mắt và nhiều món ăn như những hộp cơm trước đây. Lúc đó, mình đã thốt lên với mẹ: “Hôm nay mẹ làm cơm chẳng ngon tí nào? Sao nó chẳng đẹp gì cả vậy? Mình trách mẹ nấu ăn càng ngày càng tệ”.
Nhi kể tiếp: "Khi nghe mình nói như thế, mẹ sững người, đôi mắt đỏ hoe im lặng. Nhìn mẹ như vậy, mình cảm thấy khó chịu vô cùng. Thế nên, vội cầm theo hộp cơm, lên xe đi học. Tuy nhiên, suốt cả chuyến đi hôm đó, trong đầu mình cứ nghĩ mãi về chuyện xảy ra khi sáng. Mình hồi tưởng lại khuôn mặt mệt mỏi của mẹ và chợt nhớ ra rằng suốt cả tuần mẹ phải tăng ca liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi, đôi mắt mẹ bị thâm quầng".
Rồi Nhi nhớ lại: “Dù mệt mỏi với công việc nhưng mỗi ngày mẹ vẫn thức dậy sớm, chuẩn bị cho mình một hộp cơm. Thế mà, mình không biết trân trọng, còn nói chuyện hỗn láo với mẹ. Trưa hôm đó, khi ăn cơm, mình cứ cảm thấy nghẹn ứ ở cổ họng”.
Giờ đây, khi đã đủ nhận thức, Nhi muốn nói với mẹ rằng: “Con xin lỗi mẹ! Những việc mà con gây ra và làm cho mẹ tổn thương. Con đã kịp thời nhận ra là phải biết tôn trọng mẹ từng phút, từng giây”.
Trần Mỹ Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: “Vào ngày Giáng sinh năm mình học lớp 12, mình đã dặn mẹ đến trường đón mình để tranh thủ về sớm đi chơi nhưng mẹ lại quên. Hôm đó, mình phải đi bộ khoảng 30 phút mới về tới nhà. Về tới nhà, mình cãi lộn với mẹ và nói những câu mà chính mình cũng không tưởng tượng được”.
Sau ngày hôm đó, Linh cho biết: "Mình suy nghĩ về hành động thô lỗ với mẹ, mình cảm thấy rất hối hận, khóc sưng cả mắt. Mình biết rằng mẹ cũng rất quan tâm mình nhưng vì mẹ hay la mắng, bắt mình phải theo khuôn phép nên cảm thấy khó chịu. Đi học xa nhà, mình lại muốn quay về khoảnh khắc đẹp khi có mẹ bên cạnh. Mình thầm hiểu và ngày càng quý trọng mẹ hơn".
Theo thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, cựu giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, do khoảng cách thế hệ, sự mâu thuẫn tâm lý trong giai đoạn “nửa người lớn - nửa trẻ em” tạo nên những nếp nghĩ và hành động nơi các bạn trẻ chưa thuận ý với mẹ. Trong quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách, không tránh khỏi những suy nghĩ thiếu chín chắn, những hành động bộc phát, ứng xử vụng về, bồng bột vì chưa có kinh nghiệm sống.
Thạc sĩ Hoàng An nhìn nhận tuổi trẻ ắt khó tránh khỏi những sai phạm với mẹ, tuy nhiên các bạn trẻ cần tiết kiệm sai lầm để mẹ của mình được vui. Cần chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ hay những buồn vui thường nhật để gia tăng sự kết nối, học hỏi kinh nghiệm sống một cách thường xuyên từ mẹ. Người trẻ luôn cẩn trọng trước mỗi lời nói hay hành động và khi gặp khó khăn trong cuộc sống có thể thông qua ý kiến từ mẹ, tránh giải quyết theo bản năng.
“May mắn cho những ai đang còn mẹ. Mẹ không chỉ là người thầy đầu tiên của mỗi người, mà mẹ còn là điểm tựa tinh thần và là chốn để quay về mỗi khi ta mỏi gối chùn chân. Mẹ là người chăm sóc chúng ta vô điều kiện và luôn là người dõi theo mỗi bước chúng ta đi một cách âm thầm, lặng lẽ. Nhờ có mẹ mà nhiều người được trưởng thành, có thêm động lực vượt qua những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Giống như tôi, nhờ có mẹ tôi mới biết chấp nhận và chuyển hoá những bất tiện, khó khăn khi đôi chân không còn nguyên vẹn thành động lực sống. Mẹ có thể là người phụ nữ không xinh đẹp, không hoàn hảo nhưng mẹ chính là người tái sinh tôi sau biến cố”, thạc sĩ tâm lý Hoàng An chia sẻ.
Bình luận (0)