Ngày đầu cách ly xã hội

02/04/2020 06:09 GMT+7

Trong hôm qua 1.4, nhiều địa phương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid -19, song mỗi nơi “cách ly” một kiểu.

TP.HCM cấm xe kinh doanh ra vào; khách sạn vẫn nhận khách

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hầu hết các khu vực công cộng tại TP.HCM vắng người. Nhiều hàng quán trên 24 quận, huyện tạm đóng cửa. Riêng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thuốc và một số điểm nhỏ lẻ bán nhu yếu phẩm... hoạt động nhưng tuân thủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Cảnh vắng vẻ trước chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) sáng 1.4 Ảnh: Trác Rin

Cảnh vắng vẻ trước chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) sáng 1.4

Ảnh: Trác Rin

Trong khi đó, mặc dù TP có yêu cầu các cơ sở lưu trú dừng đón khách lưu trú theo giờ nhưng khu vực khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) trong chiều 1.4 vẫn còn nhiều cơ sở đón khách.
Trong vai khách cần đặt phòng, nữ nhân viên khách sạn N.S.N (đường số 8, xã Bình Hưng) dò hỏi PV: “Khách đến từ đâu? Bao nhiêu người?”. Sau khi nghe PV nói khách từ tỉnh vào, nữ nhân viên này nói: “Giá phòng đôi một đêm cho 4 người là 350.000 đồng, nếu 5 người thì phụ thu thêm 100.000 đồng nhé”. PV ghé tiếp khách sạn S. cách đó chừng 100 m cũng được nhân viên gật đầu nhận khách. “Tối nay anh qua giờ nào cũng còn phòng. Mùa dịch bệnh, khách sạn ế lắm nên lúc nào cũng còn phòng, anh yên tâm nhé”, nữ nhân viên khách sạn S. cho hay.
Trong ngày 1.4, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM thực hiện chốt chặn tại các cửa ngõ trên địa bàn TP; hàng loạt xe hợp đồng đều phải quay đầu, không thể ra, vào TP. Nhiều tài xế ngỡ ngàng khi bị lực lượng TTGT “tuýt” còi nhắc nhở, yêu cầu quay đầu xe. Sau khi được giải thích, các tài xế đều hợp tác, chấp hành.
Về vấn đề này, ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra giao thông (Sở GTVT TP.HCM) cho biết từ 0 giờ ngày 1 - 15.4, xe máy vẫn ra vào địa bàn TP.HCM bình thường. Tất cả các loại ô tô nếu phục vụ mục đích kinh doanh (chở khách, xe taxi, xe công nghệ...) thì không được ra vào TP.HCM. Riêng các loại ô tô nếu là phương tiện đi lại cá nhân, thì được phép ra vào TP.HCM. Việc phân loại ô tô cá nhân và ô tô hoạt động kinh doanh, ngành giao thông căn cứ theo phù hiệu gắn trên xe và hồ sơ liên quan để có xử lý phù hợp. Xe chở công nhân, chuyên gia cũng được xem xét ra vào TP.HCM, nhưng phải đảm bảo quy định phòng dịch Covid-19.
Phòng CSGT đường bộ, đường sắt ( PC08) - Công an TP.HCM cho hay đơn vị này vẫn đang tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường, đặc biệt các cửa ngõ ra vào TP.

Nhiều công ty ở Hà Nội “bối rối”

Tối 31.3, UBND TP.Hà Nội ban hành quy định chi tiết thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Theo đó, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, công trường xây dựng tạm thời dừng hoạt động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, công ty “trở tay không kịp”.
Anh Đ.M.K, cán bộ quản lý làm việc tại một doanh nghiệp vốn FDI, trụ sở tại Khu công nghiệp Nội Bài, cho biết sáng 1.4, anh và cán bộ công nhân vẫn làm việc bình thường. “Mãi nửa đêm hôm qua (31.3) TP mới ra chỉ thị, nên sáng 1.4, công ty chúng tôi vẫn làm việc. Công ty làm dịch vụ, còn nhiều đơn hàng phải hoàn thành trước 15.4, không biết có thuộc diện được phép đi làm hay không, đến giờ này chúng tôi vẫn rất bối rối!”, anh K. chia sẻ.
Một số công trình xây dựng tại Hà Nội trong sáng 1.4 vẫn hoạt động, do nhận được yêu cầu của TP muộn. Đại diện một nhà thầu cho biết đã lên phương án cho công nhân tạm nghỉ tại chỗ, chờ đến hết thời hạn cách ly. Trong khi đó, một số công ty khác có địa điểm làm việc tập trung xa Hà Nội tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc như Công ty TNHH phần mềm FPT đã chuẩn bị giấy xác nhận cấp cho cán bộ nhân viên gửi các cơ quan liên quan phòng, chống dịch Covid-19. Giấy xác nhận này nêu rõ tên tuổi, công ty, địa điểm làm việc, đang thực hiện dự án nào và khẳng định cán bộ nhân viên sẽ “tuyệt đối tuân thủ yêu cầu lực lượng chức năng, di chuyển đúng cung đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại”. Các xe đưa đón cán bộ nhân viên của công ty này cũng đã giãn cách đúng quy định, chỉ chở 10 người trên xe 29 chỗ.
Sau “lệnh” cách ly xã hội, ngày 1.4, nhiều chợ dân sinh ở Hà Nội vẫn bán hàng, nhưng lượng khách hàng giảm sút rõ rệt so với những ngày trước đó. Đáng chú ý, dù Bộ NN-PTNT đã yêu cầu giảm giá heo hơi về mức 70.000 đồng/kg từ 1.4, nhưng giá thịt heo tại các chợ ở Hà Nội vẫn duy trì mức 170.000 -180.000 đồng/kg.
Thanh tra giao thông TP.HCM chốt chặn ở các cửa ngõ, yêu cầu tài xế quay đầu xe Ảnh: Vũ Phượng

Thanh tra giao thông TP.HCM chốt chặn ở các cửa ngõ, yêu cầu tài xế quay đầu xe

Ảnh: Vũ Phượng

Các siêu thị tại Hà Nội cũng thông báo hoạt động bình thường trong thời gian từ 1 - 15.4, giờ mở cửa từ 8 - 22 giờ hằng ngày. Sức mua trong ngày 1.4 cũng đã giảm mạnh.
Do nhiều cơ quan, đơn vị cho phép dân công sở làm việc tại nhà nên nhiều cửa hàng dịch vụ ăn uống online đã đóng cửa. Chị Nguyễn Đức Hạnh, chủ quán cơm rang trên phố Mã Mây (Q.Hoàn Kiếm), cho hay: “Cửa hàng vẫn phục vụ khách online, song dân công sở nghỉ làm nhiều nên bán chậm hơn mọi ngày. Tôi xem tình hình một vài ngày tới thế nào, nếu vắng quá sẽ đóng cửa”.

Quảng Ninh: Chính quyền đổ đất chắn đường

Bắt đầu từ 1.4, Quảng Ninh đã huy động hơn 2.000 người, lập gần 100 chốt kiểm soát. Ngoài việc tạm dừng tất cả các phương tiện cơ giới ra vào địa bàn cũng như di chuyển nội tỉnh, chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt, tại một số tuyến đường liên huyện kết nối giữa TP.Hạ Long với địa phương khác, chính quyền địa phương đã đổ đất chắn đường, tạm thời không cho người dân di chuyển. Cụ thể, tại một số tuyến đường nối xã Bằng Cả (TP.Hạ Long) với P.Vàng Danh (TP.Uông Bí), nối xã Kỳ Thượng (TP.Hạ Long) với xã Đạp Thanh (H.Ba Chẽ) đã được chính quyền đổ đất thành lũy, ngăn các phương tiện lưu thông.
Tại một số tuyến đường ở Quảng Ninh, chính quyền địa phương đã cho đổ đất chắn đường, tạm thời không cho người dân di chuyển Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu

Tại một số tuyến đường ở Quảng Ninh, chính quyền địa phương đã cho đổ đất chắn đường, tạm thời không cho người dân di chuyển

Ảnh: Lã Nghĩa Hiếu

Ông Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy Hạ Long, khẳng định việc tạm thời bịt lối đi tại các tuyến đường trên là cần thiết. Bởi các khu vực trên không phải là các tuyến đường độc đạo, việc lưu thông hàng hóa vẫn diễn ra bình thường, người dân được đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm thiết yếu.
Tính đến 16 giờ 1.4, các lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt hơn 140 trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, với tổng số tiền phạt trên 30 triệu đồng.
Tại Đà Nẵng, trong sáng 1.4, Bến xe trung tâm TP.Đà Nẵng đã dừng đón và dừng cấp lệnh xuất bến các chuyến xe. Ngành chức năng TP.Đà Nẵng đã thắt chặt việc kiểm tra thân nhiệt đối với người điều khiển phương tiện là ô tô con, ô tô tải... Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, một số người đi trên xe không mang khẩu trang, bị cán bộ tại chốt kiểm tra nhắc nhở và phát khẩu trang miễn phí.
CSGT Đà Nẵng phát khẩu trang miễn phí ngày 1.4 Ảnh: Hoàng Sơn

CSGT Đà Nẵng phát khẩu trang miễn phí ngày 1.4

Ảnh: Hoàng Sơn

Trong ngày 1.4, bãi biển Nha Trang không một bóng người. Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó chủ tịch UBND TP.Nha Trang, cho biết từ chiều 31.3, UBND TP đã thông báo tạm dừng các hoạt động tắm biển, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trên tuyến công viên bờ biển đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1.4.
Tương tự, các bãi tắm ở Quy Nhơn (Bình Định) cũng chỉ có vài người đến tắm, tập thể dục nhưng khi được lực lượng chức năng nhắc nhở cũng ra về.
Tại TP.Hà Tĩnh, đa số người dân hạn chế ra khỏi nhà nên đường phố trở nên vắng vẻ hơn. Thiếu tá Trần Văn Sông, Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh), cho hay trong ngày 1.4, vẫn có rất đông người dân về từ Thái Lan và Lào qua cửa khẩu này. Những người trở về được cơ quan chức năng tỉnh đưa vào các khu cách ly tập trung để theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.