Hầu hết các giáo viên (GV) cho biết rất vui vẻ và sẵn lòng chịu cực vì học sinh (HS). Vừa đảm nhiệm công tác chủ nhiệm, vừa tham gia giảng dạy, cô Hoàng Thị Hoa Mai (26 tuổi), Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết đã trở thành GV đa năng trong mùa dịch này.
Theo cô Mai, lần này HS đi học trở lại, trường sẽ dạy theo nội dung tinh giản như hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, GV cũng phải soạn lại bài giảng nên khá vất vả. Do học trực tuyến có những giới hạn nhất định, nên khi HS quay trở lại trường, ngoài chương trình học mới, với HS chưa hiểu những bài cũ học trực tuyến, GV sẵn sàng dành thêm thời gian giảng lại bài để các em nắm vững kiến thức và theo kịp chương trình.
Thầy Lê Xuân Hải, GV Trường THPT Nguyễn Du (TP.Đồng Xoài, Bình Phước) cho biết: “Hiện chúng tôi vẫn đang nỗ lực, cố gắng thực hiện để hỗ trợ HS có thể đảm bảo chương trình học sau thời gian dài nghỉ học tại nhà. Tuy nhiên chúng tôi cũng mong muốn nếu tình hình như thế này kéo dài, ngành chức năng sẽ có phương án hỗ trợ phù hợp cho GV”.
Thầy Hà Tuấn Kiệt, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết thêm điều nhà trường cũng băn khoăn là việc phân chia lớp để đảm bảo giãn cách sẽ làm số tiết dạy của GV tăng lên, kéo theo vấn đề sức khỏe, áp lực và cả chi phí để trả tăng giờ cho GV”.
Hoàng Giáp
|
Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, cô Mai cũng như nhiều GV khác tham gia rất nhiều hoạt động. Khi HS đi học trở lại, các GV đến trường sớm hơn để tham gia công tác quản lý đầu vào của HS như đo thân nhiệt, phát khẩu trang, hướng dẫn các em rửa tay, nhắc nhở đeo khẩu trang, không tụ tập…
“Khối lượng công việc tăng, dù vất vả, nhiều khi phải vắt chân lên cổ mà chạy cho kịp nhưng chúng tôi rất sẵn lòng. HS nghỉ học quá lâu, chúng tôi rất mong mỏi ngày được đón các em đi học trở lại”, cô Hoa Mai nói.
Bắt đầu từ hôm qua, theo cô Huỳnh Lê Ý Nhi, Trường THCS Đồng Khởi (Q.Tân Phú, TP.HCM), hằng ngày GV vừa thực hiện những công việc của nhân viên y tế vừa ôn tập, củng cố kiến thức cũ, dạy kiến thức mới và tham gia các hoạt động tương tự như cô Hoa Mai.
Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết do chia nhỏ lớp nên chỉ riêng với việc dạy, số tiết GV đã thực hiện gấp 2 lần so với quy định. Bên cạnh đó, hằng ngày GV còn thực hiện các công việc của một nhân viên y tế.
Tương tự, tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) cũng thực hiện tách đôi mỗi lớp để đảm bảo giữ khoảng cách cho HS. Tuy nhiên vì số lượng GV không đủ nên mỗi lớp sẽ có một GV dạy chính và một GV phụ trách quản lý. “Mình là GV tiếng Anh, dạy chính, đứng bên lớp này dạy thì sẽ có một màn hình phát trực tiếp sang lớp bên kia, nên mỗi tiết dạy tôi sẽ chạy qua chạy về giữa hai lớp để giảng bài”, thầy Trần Ngọc Hữu Phước, GV Trường THPT Bùi Thị Xuân, chia sẻ. “Gặp lại nhau, cả thầy và trò đều vui vẻ, giải tỏa được nhiều áp lực nên chúng tôi sẽ cố gắng để các em yên tâm khi quay trở lại trường”, thầy Phước nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết: “Bình thường HS nghỉ thứ bảy nhưng nay phải học cả cuối tuần mới chia đủ thời gian cho các lớp. Có những GV chỉ có 17 tiết/tuần nhưng khi tách lớp phải dạy gấp đôi, thành 34 tiết/tuần”.
Còn bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng, cho biết: “Hầu hết GV đều mong ngày HS được trở lại trường để dạy học trực tiếp. Do vậy, với lòng yêu nghề, các GV sẵn sàng nhận phần vất vả về mình”.
Tuy nhiên bà Huyền cũng bày tỏ hy vọng việc giãn cách, chia nhỏ lớp học chỉ áp dụng trong thời gian ngắn để GV và nhà trường không phải làm việc với cường độ căng thẳng và áp lực quá dài.
Bình luận (0)