Khó khăn nhất đã lùi lại phía sau nhưng với hầu hết các doanh nhân, “cuộc chiến” với dịch bệnh lúc này mới bước vào giai đoạn quyết định.
Không hội hè, lễ lạt... trong ngày truyền thống của mình hôm nay, rất nhiều doanh nhân vẫn đang miệt mài với kế hoạch sản xuất kinh doanh sau một thời gian đứt gãy vì giãn cách xã hội trên diện rộng.
“Chính phủ đã kiểm soát dịch bệnh và mở cửa kinh tế trở lại, doanh nghiệp không phục hồi, mở rộng và phát triển được thì cũng đồng nghĩa với thua cuộc”, một doanh nhân chia sẻ. Ông bảo, phía sau mỗi doanh nghiệp là hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn lao động cần việc làm; là trách nhiệm đóng góp vào tăng trưởng kinh tế sau một thời gian hy sinh để bảo đảm an toàn cho người dân; là rất nhiều hoàn cảnh khó khăn đang cần sự giúp đỡ từ cộng đồng.
Thế nên, phục hồi sản xuất, không phải để tài sản cá nhân tăng trên bảng xếp hạng người giàu, mà là có nguồn lực thực hiện những nhiệm vụ, những khát vọng này. Chỉ lúc đó, chúng ta mới thực sự chiến thắng dịch bệnh. Chiến thắng ngay cả khi dịch bệnh chưa chấm dứt. Không ai giao nhưng rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã và đang tự nhận lấy trách nhiệm về mình. Cũng chính họ trong những tháng ngày căng thẳng vì dịch bệnh đã xông pha trên mọi mặt trận, đồng hành cùng đất nước chống dịch. Họ đóng góp cho quỹ vắc xin; họ chi viện cho tuyến đầu chống dịch; họ hỗ trợ người dân khó khăn từng bó rau, ký gạo... Và giờ họ - cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - tiếp tục “lĩnh ấn” tiên phong trên mặt trận phục hồi kinh tế đất nước.
Trách nhiệm với đất nước, không chỉ là đóng góp sức người, sức của mà còn thể hiện qua những ý tưởng, đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập để nền kinh tế vận hành thông suốt và tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch nhất.
Trong cuộc gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ hôm qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã thể hiện mong muốn được đóng góp trí tuệ vào phục hồi kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Có thể nhận thấy, những đóng góp của họ đã có sự thay đổi hoàn toàn về chất.
Nếu như trước đây, hầu hết doanh nhân đến các buổi gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo Chính phủ, chính quyền địa phương chỉ lo kể câu chuyện của mình, thì giờ đây đa số ý kiến đều vì cái chung. Họ khảo sát sức khỏe của nhiều doanh nghiệp, khả năng cầm cự... để kiến nghị một lãi vay mà những công ty vừa và nhỏ có thể “chiến đấu” tiếp. Họ phân tích thấu đáo, khoa học các giải pháp phòng chống dịch bệnh bất hợp lý trước khi đưa ra đề xuất thay thế... Dịch bệnh có thể khiến họ khó khăn, có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, có những doanh nghiệp đã phải rời cuộc chơi. Nhưng dịch bệnh cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt không còn là “đội thuyền thúng” ra biển khơi hội nhập như ví von cách đây vài năm. Họ đã thực sự lớn mạnh cả về quy mô và tầm vóc.
Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay không hội hè, lễ lạt tưng bừng như mọi năm nhưng lại là ngày đặc biệt nhất. Bởi đó là ngày mà vị trí, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp chưa bao giờ rõ ràng đến thế, rực rỡ đến thế.
Bình luận (0)