Ngày Đức Phật nhập Niết bàn là gì?
Theo các ghi chép, ngày Rằm tháng hai năm 544 TCN, Đức Phật Thích Ca đã nhập Niết bàn. Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM cho hay, vào mùa an cư cuối cùng tại Vaishali, Đức Phật tuyên bố rằng ngài sẽ nhập Niết bàn vô dư tại Kushinagar khi Ngài tròn 80 tuổi, hoàn tất sứ mệnh truyền bá chân lý và đạo đức, khải mê, khai ngộ, giúp nhiều người giác ngộ, giải thoát.
Khi ấy, giữa rừng cây sa la, bên bờ sông Hiranyavati thuộc Kushinagar, Đức Phật nằm nghiêng bên phải, chân trái áp lên chân phải, trong tư thế chánh niệm, làm chủ toàn thân, rồi nhắc nhở: “Này các đệ tử, tất cả pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn, chớ đừng buông lung”. Nói xong, đức Phật nhập vào thiền định và vô dư Niết bàn.
Nhiều chùa làm lễ tưởng niệm ngày Đức Phật nhập Niết bàn Rằm tháng hai âm lịch hằng năm |
chùa giác ngộ |
Lễ hỏa thiêu đức Phật được cử hành trọng thể tại Mukut Bandhan (Rambhar), tại đây, ngôi tháp lớn được xây dựng, về sau được đại đế A Dục (Asoka) trùng tu.
Sau lễ hỏa thiêu, dưới sự điều phối của Bà la môn Dona, toàn bộ xá lợi của Đức Phật được phân thành 8 phần, chia đều cho 8 vua trị vì 8 vương quốc miền Bắc Ấn Độ để xây tháp đá tôn thờ.
Sau này, các xá lợi Phật được đại đế Asoka phân chia và tôn thờ trong 84.000 tháp do ông xây dựng. Ngày nay các xá lợi xương của Phật được tôn trí trong nhiều tháp khắp nơi trên thế giới.
Hiện nay, có nhiều cách hiểu về ngày này, nhưng đều có chung một ý nghĩa về ngày Đức Phật nhập Niết bàn là sự chấm dứt nghiệp báo luân hồi, đoạn trừ dục vọng, thanh tịnh tuyệt đối. Có thể hiểu, đây là một trạng thái tâm linh hoàn toàn thanh thản, yên tĩnh, sáng suốt, diệt ái dục, chấm dứt mọi khổ đau, phiền não.
Ý nghĩa ngày Phật nhập Niết bàn
Đại đức Thích Minh Phú, trụ trì chùa Tường Nguyên (TP.HCM) chia sẻ, vào ngày Rằm tháng hai âm lịch hằng năm, Phật tử thường đến các tự viện Phật giáo, tham gia các khóa lễ kỷ niệm. Việc cử hành lễ này trước là để hồi tưởng về cuộc đời và đạo nghiệp của Đức Phật, sau là tán dương công hạnh và những giá trị đạo đức sáng ngời, những triết lý bất diệt, phương pháp và con đường hướng đến giác ngộ, giải thoát khổ đau mà Ngài để lại cho tín đồ Phật tử.
Về nghi thức vốn không quan trọng, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của sự kiện Đức Phật nhập Niết bàn. Niết bàn không phải là con người mất đi sinh mạng và rời bỏ thế gian, mà là để chỉ cảnh giới lý tưởng cao nhất mà người tu đạo có thể đạt được khi đạt đến giác ngộ tuyệt đối, tức thoát khỏi mọi tham ái, sân hận và si mê trong cuộc sống và đạt đến bình lặng tuyệt đối.
Qua đó khuyến khích học theo gương sáng của Ngài, thực hiện những lời phó chúc của Ngài để tự độ và độ tha. Đại đức Minh Phú cho rằng, Đạo Phật sở dĩ tồn tại 2000 năm là nhờ vào “sống thật” tức tuân theo quy luật của tạo hóa, dù là ai thì cũng không thể vượt qua “sinh, lão, bệnh, tử”. Nhưng cần hiểu rằng, Pháp thân của Phật là không có sanh diệt. Là người con Phật chúng ta cần phải nhận thức rõ về ý nghĩa sự kiện này như sau:
Chùa Vàm Ray (Trà Vinh) có tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam |
sơn trà |
Đầu tiên là “sắc thân giả hợp vô thường tạm bợ”: Sự kiện Đức Phật nhập Niết bàn là một sự nhắc nhớ cho thế nhân về sự tạm bợ của kiếp người cũng như thân xác tứ đại. Tử - sanh là ải phải đi qua, dù muốn dù không đều theo lẽ ấy mà vận hành. Chính vì vậy người con Phật phải thấu rõ lẽ này, đừng nên rời bỏ chân tâm tự tánh mà níu giữ những thứ giả tạm.
Thứ hai là nhắc nhớ về thực hành lời dạy của Đức Phật: Đức Phật trước khi niết bàn đã dạy chúng ta nên “lấy giới làm Thầy”. Là người Phật tử, tưởng nhớ đến Ngài cần phải tâm niệm điều này, giữ gìn chánh pháp Như Lai, làm lành lánh dữ, gạn đục khơi trong thông qua hành trì tam quy, ngũ giới.
Thứ ba là kiểm soát thân tâm cố gắng đạt đến bình lặng tuyệt đối: Đức Phật nhập niết bàn tức là thoát khỏi mọi tham ái, sân hận và si mê trong cuộc sống và đạt đến bình lặng tuyệt đối.
Đại đức Minh Phú giải thích, chúng ta sống trong giai đoạn “tiền Phật - hậu Phật”, tức trước khi đức Di Lặc Phật ra đời và sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật nhập diệt, rất khó đạt đến cảnh giới giác ngộ và đạt được bình lặng tuyệt đối. Nhưng ở chừng mực nào đó, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát thân tâm, điều hòa tứ đại, tu dưỡng đạo đức, từng bước rời xa những cám dỗ cuộc đời, phá si mê, sân hận. Học Phật thông qua sự kiện Niết bàn, Phật tử nên cố gắng từng ngày sống trong an lạc bằng những pháp tu mà đức Phật đã dạy.
Bình luận (0)