Tôi không biết bánh tổ ra đời từ khi nào, có nguồn gốc bắt đầu từ đâu khi mỗi người một giải thích khác nhau. Mà sao cả dải đất miền Trung dài dằng dặc chỉ riêng xứ Quảng Nam - Đà Nẵng ngoài bánh tét, bánh chưng lại có thêm món bánh tổ. Thắc mắc mang đi hỏi nội, bà trả lời tôi bằng câu ca luôn ngân nga từ khi tôi còn bé xíu “Con người có tổ có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn”. Cho nên đi đâu thì đi, khi về quê nội những ngày giỗ chạp nghe mùi thơm của bánh tổ như được hít hà cái mùi thơm của gia đình, ngan ngát vậy đó.
Bánh tổ, chỉ riêng cái tên gọi thôi cũng đã khiến tôi nghĩ ngợi bao điều. Nội năm nay đã ngoài tám mươi, sức khỏe yếu, không còn nhanh nhẹn như trước nhưng chẳng bao giờ chịu nhường món bánh tổ cho bất kỳ ai. Nội luôn sợ người khác làm lại không vừa ý, không dám làm không dôi dư để mang biếu xóm giềng chung quanh.
Tôi lớn lên học hành, làm việc nhiều nơi, đi tứ xứ, thưởng thức nhiều món ngon vật lạ, mà sao không một thứ bánh trái nào làm tôi “đắm đuối” như bánh tổ nhà quê của bà. Nhưng bánh tổ coi bộ dân dã vậy mà muốn ngon cũng không phải chuyện dễ.
Để có được thứ bánh tổ ngon nhất dâng cúng tổ tiên, bà tôi đã phải chuẩn bị từ trước đó rất lâu. Từ việc chọn ra mảnh ruộng tốt nhất của nhà để cày cấy gieo trồng, chăm sóc cho đến sẩy sàn giần giê để cho ra những hột thóc nếp căng cẩy nẩy tròn cho vào cối xay ra thành bột gạo nếp. Rồi mang bột gạo nếp ấy trộn lẫn với đường, sên lên trên bếp than hồng đỏ lửa, thêm chút gừng làm gia vị, được giữ lại bằng những miếng lá chuối làm đìa, rồi mang đi hấp cách thủy để cho chín bánh, rồi cứ thế mà cắt ra từng lát mang đi nướng hay chiên cùng dầu. Chỉ có thế thôi mà làm tôi mê mẩn hơn bất cứ thứ bánh kẹo thượng hạng nào. Gắp một miếng bánh tổ từ trong chảo dầu vừa được vớt ra, mùi nếp thơm quyện lẫn mùi gừng thơm nức, cắn một miếng dẻo quạch trong miệng nghe sao mà thương thiệt thương. “Muốn làm được bánh tổ ngon, không phải là chuyện dễ nghen con” - Nội hay nhắc khéo mỗi khi thấy tôi ăn lìm lịm mà miệng giả bộ trời đất “Ngon gì bằng bánh kẹo thượng hạng nước ngoài của tụi bây mang về”.
Nhà gốc đông con cháu nên lần nào làm bánh tổ cũng y như rằng cả nhà cùng xúm lại mỗi người một việc. Đến khi những chiếc bánh tổ đưa vào nồi hấp bốc khói thơm lừng cũng là lúc chẳng biết bao nhiêu câu chuyện thắp rôm rả tiếng cười được nối nhau. Nội tôi bỏ nhỏ, bánh tổ của bà ngon không lẫn được vào đâu, nó vừa dẻo, vừa dai, lại vừa thanh thanh ngọt là có bí truyền đó nghen. Bí quyết nằm ở những bát đường được ép thủ công từ ruộng mía trồng sau nhà chỉ dùng làm bánh tổ, bằng một phương thức được truyền từ đời cụ, đời kị mà ra.
Ngày làm bánh, bà khua chúng tôi dậy từ sáng sớm. Đứa lau lá chuối, đứa rang mè, đứa rửa sạch gừng còn đang dính đầy đất cát rồi mang đi cắt nhỏ để sên cùng đường. Những thanh niên trong nhà lãnh trách nhiệm nặng nề nhất là quết bột, làm sao để tạo ra một thứ hỗn hợp đường, bột nếp gừng lẫn vào nhau vừa độ tươi, đủ xốp, không bị đặc, không bị nhão. Bà là “tổng quản” chỉ tay dặn dò cặn kẽ, chỉ cần lơ một chút là lũ cháu làm hư bột, hư đường ngay.
Gian bếp ấm sực mùi gừng quẩn chân người. Chúng tôi căng lồng ngực mình ra mà hít lấy hít để mùi nhớ, mùi thương, mùi của tình thâm trong khi đợi chờ bà sắp bánh vào khay để lên bàn thờ và đi biếu xóm giềng.
Con cháu rồi cũng dần lớn và bay ùa vào đời như chim trời, mỗi đứa một việc với những tất bật xô bồ riêng nhưng lúc nào cũng chờ đợi những dịp đám giỗ nhà nội, để chi? Để tụ họp về, nhìn nụ cười móm mém của nội chợt nghe lòng sực ấm, để nhấm nháp cái hơi ấm tình thâm rồi còn để thỏa sức thưởng thức các món ngon, đặc biệt là món bánh tổ của nội. Bên dĩa bánh tổ, cả nhà quây quần thụ lộc tổ tiên nghe nội kể chuyện ngày xửa ngày xưa, chiếc bánh tổ gắn liền với lúa nếp đồi nương bằng “sợi dây cuống rốn”. Cho những đứa trẻ lớn lên dù đi xa chân trời, góc bể giữ mãi trong tim hình bóng quê nhà, những khoảng cách cũng xóa nhòa đi trong chiếc bánh tổ quê hương. Để đi đâu, làm gì chúng tôi cũng nhớ mình là người con xứ Quảng trung thực, thẳng ngay, trọn nghĩa vẹn tình như lời dặn của bà mà đứa cháu nào cũng khắc cốt, ghi tâm “cúng giỗ tổ tiên mà quên thì làm ăn sao nên nổi”.
|
Bình luận (0)