Tôi bắt đầu ngày hôm qua của mình bằng một bữa điểm tâm với món fūl mudammas trong quán cà phê Khariss ở phố cổ Souq Waqif. Rồi sau một hồi lang thang, tôi bước vào một căn lều màu trắng và ngồi xuống ghế, chìa cánh tay ra như kiểu để bác sĩ đo huyết áp. Ở ghế bên cạnh, một phụ nữ bận đồ đen từ đầu tới chân, mặt trùm kín chỉ hở hai mắt, bắt đầu vẽ lên tay tôi những hình thù nhiều màu sắc, đẹp và bí ẩn như bản thân của bà.
“Nó sẽ mang đến vận may cho anh”, bà nói đi nói lại điều đó.
Nơi phố chợ ồn ào
Fūl mudammas là món đậu răng ngựa hầm cùng với nhiều loại gia vị và nước cốt chanh, ăn với bánh mì cán mỏng kiểu Ả Rập. Món này rất chua và nhạt cho khẩu vị trung bình của một người Việt, nhưng tôi thấy bàn kế bên có mấy anh chàng Ả Rập đánh chén rất tưng bừng mà tôi thì tới đâu cũng muốn khám phá một chút gì đó về ẩm thực địa phương, nên mới gọi món “có vẻ Ả Rập nhất” trong thực đơn có nhiều món phương Tây. Arthur Virgo, anh bạn người Anh cùng nhà trọ với tôi, sau một hồi phân vân các món Ả Rập đã quyết định gọi một phần bò bít tết và khoai tây chiên cho chắc. Tôi đùa: “Dám chắc là anh từng bỏ phiếu ủng hộ Brexit”. Arthur ngơ ngác: “Có liên quan ư?”.Tôi nói rằng vì anh ta “không có tinh thần toàn cầu hóa cho lắm”, rồi cả hai cùng cười lớn khiến những phụ nữ trùm mặt đi trên phố một phen giật mình.
Du khách trong một quán cà phê trên phố đi bộ |
ĐỖ HÙNG |
“Đây là món truyền thống Ả Rập. Có nhiều loại fūl nhưng đây là phiên bản Syria”, anh phục vụ bàn giới thiệu. Phiên bản nào đối với tôi cũng không mấy khác biệt; đều là món ăn Ả Rập cả thôi. Trong lúc chờ món ăn thì chúng tôi nhìn ngắm phố phường. Tôi đến Doha hơn một tháng trước, thoạt tiên ở ngay gần Souq Waqif này. Suốt một tháng quay cuồng cùng bóng đá, những lúc tôi đi qua thì Souq Waqif cơ bản cũng ồn ào sôi động như bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới trong mùa World Cup. Tất nhiên là hàng quán nơi đây không có những ly bia vàng ươm sánh đầy như ở Quảng trường Đỏ tại Moscow hay bãi biển Copacabana ở Rio de Janeiro.
Thứ sáu là ngày lễ của đạo Hồi. Mọi hoạt động đều trễ hơn bình thường. Tàu điện bắt đầu chạy lúc 9 giờ sáng. Hàng quán tới gần giữa trưa mới mở. Thành ra khi tôi và Arthur đến quán Khariss cũng đã giữa trưa. Đường phố ngày không bóng đá khá nhộn nhịp, dù vắng hẳn tiếng hát đồng thanh “Ole, Ole”, với dân địa phương và những người hâm mộ bóng đá ồn ĩ của ngày hôm trước giờ đây đang sắm vai những du khách điềm tĩnh ngắm nhìn phố phường, thích thú hỏi mua các mặt hàng lưu niệm và thử các bộ trang phục truyền thống. Những ông Tây, bà đầm lóng ngóng trong những bộ đồ Ả Rập đang làm dáng chụp hình. Vài cô gái trẻ hóp má hút shisha, mùi hương lan ra cả phố hòa cùng mùi thịt nướng của các quán bán món tikka và kebab mới vừa mở cửa. Nếu không có mùi shisha, mùi hương trầm và thi thoảng tiếng kinh cầu của người Hồi giáo vang vọng khắp phố phường, tôi hẳn đã có lúc ngỡ mình đang ở đâu đó giữa châu Âu, khi mà Souq Waqif đã dần bị toàn cầu hóa cả về hình hài lẫn các món trong thực đơn nhà hàng giữa một thành phố Doha là cửa ngõ để thế giới bước vào không gian Ả Rập.
“Với World Cup, lần đầu tiên Souq Waqif có những đám đông ồn ào thâu đêm suốt sáng”, Khalid Abbus, anh phục vụ người Oman, nhận xét. Tôi hỏi vậy quán có đông không, anh bảo đông hơn nhiều lắm. Để cho tôi dễ hình dung “nhiều lắm” là thế nào, anh ta nói thêm: “Ngày nào chúng tôi cũng bị quá tải, phải từ chối nhiều khách hàng”. “Giá bán đắt hơn ngày thường chứ?”, tôi chưa hết tò mò. Anh ta cười bảo: “Tôi không thể nói được”. Tôi không biết giá bán đắt hơn ngày thường hay không, nhưng món fūl mà tôi ăn có giá 24 riyal, tương đương đâu đó 160.000 đồng. Đó là món rẻ nhất. Tôi liếc qua thực đơn, thấy một phần ăn sáng Ả Rập cho hai người giá 130 riyal, tương đương 850.000 đồng; một món kebab thịt gà khoảng 200.000 đồng; dễ hiểu hơn thì một lon Pepsi 330 ml giá chừng 45.000 đồng. Mức giá này trong một quán cà phê trên phố du lịch tính ra vẫn khá phải chăng giữa mùa World Cup, khi mà một lon Coca-Cola tương tự trong sân vận động hoặc tại khu Fan Festival có giá tầm 100.000 đồng.
Các gian hàng lưu niệm World Cup áp đảo, nơi những người bán hàng vô tư hét giá còn khách thì thoải mái mặc cả. Một bộ áo dài may sẵn “loại thường” dành cho đàn ông Ả Rập bao gồm khăn trùm đầu được hét giá 100 riayl, nếu bạn trả giá xuống còn 25 riyal thì có nơi vẫn bán.
Người hâm mộ bóng đá thích thú khoác lên những bộ đồ Ả Rập khi khám phá Souq Qaqif |
Lời chúc may mắn
Đối với những người hâm mộ chỉ đến Qatar vài ngày để xem bóng đá, Souq Waqif ở ngay trung tâm Doha là nơi thuận tiện nhất để họ có thể chạm tới một chút gì đó của Ả Rập cũ xưa và huyền bí. Khu phố chợ này đã hình thành hơn một thế kỷ trước, và tên gọi của nó cho người ta biết đây là một khu chợ (souq). Nơi đây có bán đủ các mặt hàng truyền thống, từ thổ cẩm, hương liệu, trang phục áo dài thobe cho đàn ông và áo dài đen abaya cho phụ nữ. Khăn đội đầu ghutra cho đàn ông và khăn trùm đầu shayla cho đàn bà. Đến mùa World Cup, những người nhanh nhạy còn làm ra loại thobe và abaya theo màu sắc quốc kỳ các nước có đội tuyển tham dự, với giá bán cao hơn nhiều lần so với “loại thường” màu trắng.
Tôi đi dọc con phố đi bộ, len vào các khu chợ xung quanh, chợ thổ cẩm, chợ trang sức, các quầy hàng lưu niệm, quầy bán đồ ăn. Hình ảnh Lionel Messi được treo khắp nơi, không ăn nhập lắm với các món hàng giả cổ được cố ý phủ màu thời gian trong quầy lưu niệm. Thi thoảng, một người đàn ông Ả Rập râu dài bận thobe trắng đứng sau quầy hàng nheo mắt cười với tôi, tôi cười đáp lại và hỏi món này món kia giá bao nhiêu, cũng như tranh thủ hỏi xem tình hình buôn bán của họ thế nào. World Cup mang đến một vài thứ ngoại lai khó chịu, chẳng hạn sự huyên náo và vài gã sặc mùi rượu bia, nhưng những người đàn ông truyền thống bảo thủ này cũng thấy được bù đắp khi khách hàng đông hơn, hàng bán chạy hơn trước.
Phía bên kia đường, khu chợ chim có những con chim cắt có giá bán lên tới vài ngàn đô la. Chim cắt vốn được người Bedouin dùng để đi săn nhưng ngày nay đã trở thành một thú tiêu khiển hấp dẫn du khách. Chim được cho thuê để chụp hình và các chương trình tham quan sa mạc thường có thêm tùy chọn đi săn bằng chim cắt.
“Anh muốn hình vẽ như thế nào?” - Ở một góc Souq Waqif, một người phụ nữ bận đồ kín mít từ đầu tới chân hỏi tôi. Tôi bảo hình gì mà “trông thật Ả Rập ấy”, đoạn ngồi xuống chiếc ghế bọc thổ cẩm trong lều. Đó có vẻ là một phụ nữ trung niên, tôi đoán thế qua vóc dáng đẫy đà và giọng nói trầm trầm của bà, chứ toàn thân bà đều kín mít, kể cả mặt đã được khoác bourga đen. Người phụ nữ Ả Rập giữ lấy cánh tay tôi, bắt đầu dùng một cây bút vẽ lên thứ bột màu nâu đỏ. Đây là nghệ thuật vẽ henna truyền thống của người Ả Rập, sử dụng chất màu làm từ lá móng tay (henna). “Tôi sẽ vẽ lá bùa trừ tà, mang đến cho anh may mắn”, bà nói và cho biết thêm: “Đó cũng là lời chúc, là mong muốn của chúng tôi đối với mỗi người khách đến đây”.
Tôi thích thú trước món quà nho nhỏ ấy. Đây là dịp hiếm hoi tôi có thể tiếp xúc ở cự ly gần để trò chuyện với một phụ nữ áo đen trùm kín từ đầu đến chân. Những lúc khác thì thường chỉ là xã giao, thậm chí nhiều nỗ lực tiếp cận hoặc xin phép chụp hình của tôi đã thất bại. “Thực ra tôi đã thấy mình may mắn khi được đến Qatar trong dịp này, được trải nghiệm một World Cup tuyệt vời và lạ. Đặc biệt được bà vẽ cho cái hình này cũng là một may mắn nữa”, tôi đáp.
Người đàn bà vừa trò chuyện vừa vẽ lên cánh tay tôi những hình thù nhiều màu sắc, đẹp và bí ẩn. Tôi hỏi nó có bị phai khi rửa tay không, bà đáp rằng nó sẽ khó phai. “Phải một thời gian mới phai, nếu anh không cố ý tẩy rửa”, bà đáp. Lời bà là về cái hình xăm cụ thể, nhưng khi World Cup đang dần trôi qua, tôi như có dịp nhìn lại một chặng hành trình. Những trải nghiệm vừa qua của tôi với Doha, với Qatar, với World Cup dù ngắn, nhưng sẽ ở lại mãi.
Tôi chia tay người đàn bà áo đen bí ẩn, rời Souq Wakif khi một ngày nữa sắp trôi qua. Xung quanh, khu phố chợ mỗi lúc một đông hơn, chuẩn bị cho một đêm sôi nổi nữa của một mùa World Cup cũng đang đi đến chặng cuối.
Bình luận (0)