Ngày mai nắng lên - Truyện ngắn dự thi của Đỗ Thị Vân

Đỗ Thị Vân
Thái Bình
14/10/2024 16:00 GMT+7

Mùa về. Những cơn mưa dai dẳng rỉ rả suốt đêm ngày như rót thêm thứ giai điệu buồn vào thang âm cuộc sống. Đất vốn nứt nẻ khô cằn dưới cái nắng gắt gỏng, sau bao tháng ngày khát mưa giờ đây đẫm mình trong nước.

Ngoài vườn, nước đã dâng đến ngọn cây rau ngót. Cái thứ màu đùng đục lấp lóa cuốn trôi hết thảy những hạt rau cải Lam mới gieo hôm nào. Chó nhà ai vừa sủa xé toạc không gian vắng lặng yên ả của làng quê lúc nhập nhoạng tối. Cọt kẹt một tiếng, cánh cổng gỗ cũ kỹ bị đẩy ra. Lam thầm nghĩ chắc là bố về. Với tay định bật bóng đèn ngoài sân thì An đã đứng ngay trước mặt cô.

"Chị ơi!"

Lam nhìn em sững sờ. Nước mưa trên tóc An ròng ròng khốn khổ. Quần áo ướt nhẹp, nước chảy tong tong xuống nền gạch đỏ. Đôi dép tổ ong đã ngả màu vàng dính đầy bùn đất.

"Sao em lại về giờ này. Không thấy gọi gì cho chị trước. Đồ đạc của em đâu? Em đi bộ từ đường cái về đây à?".

Những câu hỏi dồn dập của Lam được nối tiếp bằng tiếng òa khóc nức nở của An:

"Chị ơi, em có bầu, anh ấy bỏ em... Anh ấy không cưới… Chị ơi, em phải làm gì… Em sợ lắm".

Cái tin như sét đánh ngang tai. Mặt Lam tái mét. Môi lắp bắp. Người cô run lên rồi im lìm bất động. Trời se se lạnh mà mồ hôi Lam chảy ròng ròng, nóng hổi. Cô như lên cơn sốt theo tiếng thổn thức của An.

***

Đêm ngột ngạt bọc người ta lại. Cửa sổ ọp ẹp kêu cùng với tiếng Lam trở mình bên này rồi lại bên kia. Nước mắt ngắn dài thi nhau rơi xuống. Lòng cô rối như tơ vò. Tiếng thở đều đều của bố ở gian nhà ngoài trong đêm sâu hun hút càng khiến Lam xót xa cho mình. Cuộc đời cô có khác gì cái thùng nước gạo đâu, cho người ta đổ đủ thứ từ cơm thừa, canh cặn, xương xẩu đến cọng rau già xuống đó.

Viết về cuộc đời Lam thì biết bao nhiêu trang cho hết. Trang này chưa xong, đã muốn mở trang sau, hồi hộp đến độ chỉ mong nhân vật chính có cái kết đẹp như trong những câu chuyện cổ tích. Tầng tầng lớp lớp biến cố bi kịch. Cô thấy mình như người rơi xuống vực sâu lởm chởm đá nhọn, cứ cố trèo lên một chút nhưng khi vừa bám được vào một cành cây, thì một tảng đá lớn khác lại đẩy cô xuống sâu hơn, tận cùng của khổ đau.

Ngày mai nắng lên - Truyện ngắn dự thi của Đỗ Thị Vân- Ảnh 1.

ẢNH: ĐỘC LẬP

Lam không sinh ra trong gia đình giàu có. Cô không lớn lên với đầy đủ tình yêu thương. Tuổi thơ cô cơ cực, nghèo khó hơn bất cứ đứa trẻ chăn trâu, đuổi bắt cào cào nào ở cái xóm nghèo vất vả nằm trên cù lao bên con sông Mắt này. Năm Lam tám tuổi, bố cô tàn tật rồi tâm thần. Sáu miệng ăn với người chồng điên và những vết bầm roi tím mặt làm rơi rụng dần sự dịu dàng của một người phụ nữ. Họ hàng bên nội ghẻ lạnh gia đình cô. Trong ký ức của Lam có những buổi chiều rong ruổi trên cánh đồng mót khoai, mót sắn, giũ rơm ngoài đường được một bơ thóc; có căn nhà đất ba gian mưa dột đọng thành từng vũng nước và cánh cửa gỗ vá chằng vá đụp nơi cô trốn vào mỗi khi bố mẹ đánh cãi nhau.

Nhà mục nát nhưng Lam thì cứ giỏi hơn. Như con còng cần mẫn xúc cát ngày đêm, Lam ham học và học rất giỏi trong những tiếng chì chiết, tru tréo của bố mẹ. Cô tốt nghiệp đại học, trở thành một người viết. Ngày ngày miệt mài bên trang giấy, làm bạn với con gà, luống rau. Rảnh rỗi, Lam dạy những đứa trẻ quanh nhà ê a đọc chữ. Đời cứ trôi qua bình yên như thế. Ai nhìn vào đôi mắt lấp lánh ánh sao đêm của cô cũng bảo cô có cái tướng nhàn nhã.

Ấy là vì người ta không hiểu Lam có những nỗi lo gì. Vừa ra trường thì phải trả món nợ vay vốn sinh viên mấy năm đi học, rồi lại cày cuốc cùng mẹ cho hai em ăn học. Mùa hè, nắng lên sớm, ba giờ sáng, cô đã ra đồng, nhổ mạ cấy lúa. Mùa đông, tay cô cứng đờ, tê buốt như viên đá lạnh đan đan móc móc. Tiền kiếm được chưa nóng túi đã chảy đi đâu hết.

Còn nhớ hồi tháng tư, năm hai không mười tám. Bố cô trộm nhà ai đó một con dao sắc lẹm, một mực gào thét có con gì đó đang làm ổ ở chân, đòi mổ để lấy nó ra. Máu chảy thành dòng ở hiên nứt nẻ. Chân bố nham nhở lộ ra cả mảng xương thịt. Xe không vào tới. Một mình Lam cõng bố băng qua cánh đồng lúa, qua con sông Mắt mà mỗi mùa nước lên chôn thân bao người.

Bố về nhà. Lam thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng không được bao lâu. Bố cô lại tìm cái gì đó để nuốt. Mảnh sành chai. Chiếc dao lam. Những cái đinh sắt hoen gỉ. Cô ở viện nhiều hơn. Bác sĩ đã quen mặt. Ngày nào Lam cũng lật chiếu, lần mò túi áo bố cốt để tìm xem bố có giấu gì không. Hết đường, bố cô uống cả chai Vim nhà hàng xóm. Lam mếu máo chùi nước mắt, quệt ngang nước mũi xin bác sĩ cứu bố cháu.

***

Dựa chiếc xe đạp vào bức tường vàng đã bong tróc những mảng vữa xám xịt, Lam lấy từ giỏ xe ra một đùm rau lang bánh tẻ vừa hái ngoài ruộng. Bố cô đang lững thững từ ngõ bước vào, chẳng thấy dép đâu.

"Lam… Lam… đưa bố đi viện. Bố đau lắm".

Như núi lửa phun trào, mặt Lam đỏ bừng. Những tia giận dữ hằn lên, giật giật. Mẹ thì đã mất, một đứa em hiền như phù sa châu thổ gần ngày tốt nghiệp lại bụng mang dạ chửa về nhà, bố thì tâm thần, hết điên lại dại, nói cười liên miên. Cái nhà này đến kiếp nào thì ngóc đầu lên cho được.

"Sao bố cứ làm khổ con suốt vậy. Con không đi làm xa. Con không lấy chồng vì muốn chăm sóc bố nhưng bố không để cho con một giây phút nào thở trong yên ổn"… Những giọt nước mắt lăn xuống không ngừng. Uất ức tuôn ra. Xót xa hờn dỗi. Lam tủi hờn cả thế giới này. Ba năm sau ngày mẹ rời khỏi thế gian, ròng rã cùng bố đi viện, Lam tự thấy mình đã chăm sóc bố bằng tất cả tình yêu thương và sự kiên nhẫn. Cô nhớ những đêm khuya lơ khuya lắc, cầm chiếc đèn pin ra tận đồng tìm bố; những lần giật chiếc dao lam ra khỏi tay bố để rồi tay mình chảy máu. Rồi khi bố bứt hòe non nhà ông Hải, ông cầm roi mây lục tung nhà tìm bố cô. Xót lòng, cô quỳ xuống, lạy lục khóc gào, che chắn cho bố đổi lại những vết roi chằng chịt trên lưng. Những người thương cô cứ đến rồi đi, không ngày trở lại.

Con thuyền số phận Lam chòng chành, trúc trắc mãi không dừng.

Thật là khốn nạn cho cái thân. Cũng kiếp làm người.

"Lam… Lam … Cho bố mấy đồng. Bố đi xuống viện...".

Cô ngẩng mặt lên nhìn bố. Khuôn mặt hốc hác, già nua. Đôi mắt trũng sâu. Dáng người nhỏ thó, héo hon. Chiếc u to như chiếc mũ cối chèn vào lưng nên người làng gọi bố cô là thằng Tuấn Còng. Hai mấy năm trời. Khổ đau đau khổ.

Trời bắt đầu nổi gió. Những giọt mưa lâm thâm rơi xuống mái hiên nhà phủ ngói rêu phong. Chiếc áo may ô người đàn ông mặc rách tả tơi bay theo gió lộ ra những vết sẹo gồ ghề. Lam mím chặt môi. Nỗi tức giận tan biến. Thứ đọng lại trong Lam chỉ là những giọt tinh dầu đã cô đặc sự ân hận, xót xa. "Mình là một kẻ tồi tệ. Mình không phải là một con người. Đó đâu phải là lỗi của bố. Là lỗi của cái bệnh tâm thần hành hạ bố".

Lam bước vào nhà, lấy chiếc áo mới mua hôm nào còn nguyên mùi vải mới, màu xanh bộ đội, đưa cho bố.

"Để con nấu nước cho bố tắm rồi con đèo bố xuống viện".

***

Đàn gà trong vườn cả thảy có mười một con. Ngày Lam còn bé, mẹ nuôi con nào, bố cô quật chết con đó. Qua mấy mùa bí đao, mẹ mới dồn cho đủ mà làm cái chuồng gà bê tông, rào sắt xung quanh. Cả nhà phải canh bố hơn cả canh trộm.

Lam tính toán dành dụm trước là có cái trứng cho bố ăn, sau là có mâm cơm cúng mẹ, cúng tết. Nhưng An đã về mấy hôm nay. Đứa con trong bụng An đã biết đạp, biết quẫy mà An thì cứ gầy rạc cả người đi.

"Lát chị làm thịt con gà, rồi em hầm lá ngải mấy bố con ăn nha".

"Chị không mắng em à?", An khe khẽ hỏi.

Lam im lặng không trả lời. Cô không muốn trái tim An có thêm những vết dằm. Lam hiểu lời nói tuy không phải là gươm đao nhưng nó có sức mạnh của gươm đao. Nó đủ sức làm tan vỡ tâm hồn một người. Lam không muốn như thế. Lam không muốn em gái đơn độc trên hành trình làm mẹ. Cô muốn bao bọc lấy em. Cô muốn vỗ về em trong tình cảm ngọt đượm của tình chị em, tình gia đình, ngọt như cái vị ngọt của hũ đường ngày nhỏ hai chị em cô vẫn thường lén mẹ ăn vụng. Cô muốn em bé có thêm một người mẹ thứ hai trong đời yêu thương, ôm ấp.

"Chừng nào em sinh bé, để chị chăm cho. Em lên trường học tiếp đi, lấy cái bằng mà đi làm cho đời đỡ khổ", giọng Lam ấm áp rì rào.

Ngoài vườn. Nắng đã lên thơm lừng.

Ngày mai nắng lên - Truyện ngắn dự thi của Đỗ Thị Vân- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.