Dưới đây là những lời khuyên của Vương Trần Khánh, đang là sinh viên năm 3 ngành Khoa học máy tính, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Khánh từng nằm trong tốp 200 thí sinh điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021 và hiện là gia sư tại eTeacher. Không chỉ có điểm thi đánh giá năng lực cao, Khánh còn thi tốt nghiệp THPT với thành tích tốt, bạn có điểm xét tuyển ĐH là 27,15 với tổ hợp khối A01.
Nghỉ ngơi, giữ sức khỏe
Theo Khánh, chỉ còn một ngày nữa là đến kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 nên thí sinh hãy đảm bảo cho mình được một tâm lý vững vàng. Đây là thời điểm tốt nhất để nhìn lại khoảng thời gian thí sinh đã bỏ ra để ôn tập và bây giờ hãy cho phép mình được nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe và sẵn sàng cho kỳ thi ngày hôm sau.
"Hãy nhớ rằng đây là kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, đừng quá áp lực bản thân phải đạt được điểm cao, từ đó dẫn đến việc bỏ bê sức khỏe. Kỳ thi có 2 đợt, các bạn có thể cho phép mình được trải nghiệm và cọ xát với đề thi thật trong đợt 1, từ đó đánh giá được năng lực bản thân để có chiến lược ôn tập tốt hơn cho đợt 2. Do đó, hãy thả lỏng bản thân và đi thi với một phong thái tự tin nhất", nam sinh viên ngành Khoa học máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nói.
Đừng nhồi nhét kiến thức giờ này
Theo Khánh, cho đến thời điểm hiện tại việc ôn tập là không cần thiết vì chỉ còn chưa đầy 24 giờ nữa kỳ thi sẽ bắt đầu. Việc thí sinh cố gắng nhồi nhét kiến thức không khiến các bạn đạt điểm số cao hơn.
"Trong trường hợp các bạn cảm thấy muốn ôn tập lại một chút nhằm khích lệ sự tự tin của chính mình cũng như nếu điều đó giúp các bạn cảm thấy an tâm hơn, hãy xem lại một số kiến thức cũ. Đặc biệt là những kiến thức các bạn thích và tâm huyết với nó, điều đó sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin hơn khi nhớ lại khoảng thời gian đã bỏ ra để đầu tư cho kỳ thi này", nam gia sư đang dạy môn toán cho các thí sinh lớp 12 lưu ý.
Chiến lược làm bài thi
Mỗi thí sinh nên có một chiến lược làm bài phù hợp với năng lực của bản thân. Trong trường hợp thí sinh chưa có chiến lược làm bài hợp lý, Khánh đưa ra chiến lược sau để các bạn có thể tham khảo:
Khi nhận đề thi, thí sinh hãy làm trước 40 câu tiếng Việt và tiếng Anh. Thí sinh theo khối tự nhiên có thể làm các câu thuộc về khối của mình như toán học, vật lý, hóa học và sinh học, sau đó hãy dành thời gian cho những câu về lịch sử và địa lý. Tương tự như vậy với các bạn theo khối xã hội.
Thí sinh nên để phần tư duy logic và phân tích số liệu cuối cùng, vì đây là phần các bạn sẽ tốn nhiều thời gian nhất để hoàn thành. Các bạn nên dành cho mình khoảng thời gian ít nhất là 15 phút cuối để điền đáp án. Mọi thứ sẽ là vô nghĩa nếu đến giờ nộp bài mà phiếu đáp án của bạn trống trơn hoặc vẫn còn dang dở.
Thí sinh không nên dành quá nhiều thời gian của mình vào một câu hỏi bất kỳ, dù câu đó đã ôn hay chưa ôn, thuộc lĩnh vực bạn giỏi hay không giỏi. Nếu câu đó làm tốn thời gian thì thí sinh có thể để đó đến cuối giờ xem lại hoặc khoanh bừa, dành thời gian cho những câu khác, tránh trường hợp "bỏ thì thương, vương thì tội".
Đừng quên những vật dụng này
Thí sinh cần phải mang theo căn cước công dân, giấy báo dự thi. Đây là những vật dụng không thể thiếu để các bạn có thể ngồi vào phòng thi của mình. Do đó hãy để tất cả những giấy tờ cần thiết này vào trong balo của bạn từ ngay hôm nay, đừng đợi sáng mai mới đi tìm.
Những vật dụng để làm bài thi gồm bút bi, bút chì, tẩy, máy tính bỏ túi, Atlat. Hãy chuẩn bị cho mình ít nhất 2 cây bút bi, phòng trường hợp một cây xảy ra sự cố, nếu cẩn thận thì các bạn cũng có thể mang theo gọt bút chì.
Máy tính bỏ túi và cuốn Atlat (còn mới, không được viết gì trong đó) là 2 thứ thí sinh không được phép quên. Thí sinh cũng nên mang vào một chai nước xé nhãn, với thời gian 150 phút, việc cung cấp đủ nước cho cơ thể sẽ giúp các bạn có một đầu óc minh mẫn hơn.
Bình luận (0)