'Ngày mai' vỗ về tâm hồn...

02/05/2022 07:22 GMT+7

Ngày mai (Tomorrow), series tâm lý - giả tưởng Hàn Quốc xoay quanh biệt đội ngăn chặn các vụ tự tử, giúp nạn nhân vượt qua khủng hoảng và thiết sống trở lại bỗng thu hút hơn khi phát cùng thời điểm mạng xã hội Việt Nam nổi cộm chủ đề này, nhất là sau MV mới của Sơn Tùng M-TP.

Ngay phần giới thiệu, Ngày mai đưa ra cảnh báo: “Đây là phim giả tưởng về biệt đội chuyên xử lý người có khả năng tự tử cao, nếu bạn thấy khó chịu với chủ đề này, phim có thể không phù hợp với bạn. Để biết thêm thông tin và trợ giúp về khủng hoảng, hãy truy cập wannatalkaboutit.com” (chuyên trang của Netflix nhằm hỗ trợ các vấn đề từ bạo lực tình dục, sức khỏe tâm lý đến việc tự làm hại bản thân hay tự tử; với gần 30 ngôn ngữ cùng sự tham gia của khoảng 150 tổ chức từ 45 quốc gia).

Cảnh trong phim Ngày mai - series đang nằm trong top 10 chương trình truyền hình tại VN

Netflix

Dù vậy, xem phim, không có cảm giác nặng nề khi các thần chết không chỉ… đẹp hút hồn mà làm việc trong tập đoàn siêu sang trọng tại… âm phủ. Trong đó, phòng quản lý rủi ro có nhiệm vụ cứu những ai đang định từ bỏ cuộc sống khi bắt được tín hiệu cảnh báo chỉ số tiêu cực cao của những nạn nhân này. Ly kỳ hơn, để giúp nạn nhân giải tỏa, giảm dần cảm xúc tiêu cực, biệt đội này phải… đi vào quá khứ của nạn nhân xem họ đã trải qua những nỗi đau nào hay phải chịu đựng ra sao trước khi muốn kết liễu sự sống. Những màn thâm nhập ký ức này cũng “xịn mịn” như siêu phẩm Inception (Mỹ) của đạo diễn Christopher Nolan.

Để rồi, họ đã ngăn chặn vụ tự sát của một biên tập viên truyền hình từng bị bạn học bắt nạt và tổn thương tâm lý đến mức “tôi chỉ cười thôi đã hằn những vết thương”; “mang” kẻ bắt nạt - nay là tác giả viết sách - lên bản tin truyền hình cùng cuốn sách viết về chống bạo lực học đường của cô ta. Họ đã cứu được nghệ sĩ guitar - người muốn khước từ cuộc sống vì luôn không ngừng đổ lỗi cho bản thân về cái chết của vợ mình. Còn với một nạn nhân là cựu chiến binh sống cô độc định tự sát vào cuối đời, biệt đội ấy đã tìm cách xoa dịu vết thương - nỗi hối tiếc về chọn lựa thời tuổi trẻ của ông, để ít nhất trước khi nhắm mắt ông thấy được rằng sự cống hiến của mình có ý nghĩa nhường nào…

Và trên hết, với từng phi vụ, những “thần chết như thiên sứ” ấy luôn tìm cách đối thoại, đồng hành để từng nạn nhân thấy rằng: Không thể hạnh phúc khi né tránh bất hạnh, và “Cái chết là cái quý giá nhất đã được trao cho con người, vì thế hành vi bất kính nhất chính là sử dụng nó một cách không hiệu quả, là chết một cách phí hoài” (triết gia Simone Weil).

Đều là tác phẩm văn hóa - giải trí, cùng đề tài “tự tử”, ra mắt cùng thời điểm khá nhạy cảm của xã hội khi các vụ tự tử ở giới trẻ liên tiếp xảy ra, nhưng nếu Ngày mai như hành trình chữa lành, vỗ về tâm hồn trong những lúc chán nản, mỏi mệt thì MV There’s no one at all của Sơn Tùng M-TP gây tranh cãi lẫn phản ứng gay gắt vì nội dung tiêu cực, đến mức bị yêu cầu dừng lưu hành trên YouTube VN (ở các nước vẫn xem được). Dù đã ẩn MV và xin lỗi khán giả, nhưng làn sóng chỉ trích vẫn chưa nguôi đối với giọng ca thần tượng có 9,9 triệu người dùng đăng ký theo dõi kênh YouTube này.

PGS-TS Trần Thành Nam bình luận: “Việc các nghệ sĩ khai thác những vấn đề gai góc, thời sự của cuộc sống để phản ánh nó trong tác phẩm nghệ thuật là điều nên làm để phản biện xã hội. Nhưng nên nhớ rằng nghệ thuật luôn phải hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Trong cuộc sống bộn bề hiện nay, chúng ta tìm đến nghệ thuật để cảm thấy được thấu hiểu và chữa lành, chứ không phải để bi quan, bế tắc hơn. Vì vậy, nghệ sĩ khai thác những vấn nạn của cuộc sống là chuyện bình thường nhưng thể hiện nó như thế nào để gieo được niềm hy vọng, cảm thấy được chữa lành là phụ thuộc vào cái tâm - tầm - tài của họ”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.