Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Sau cơn đau tim, người bệnh cần làm gì để phục hồi sức khỏe?; Bác sĩ chỉ ra nguyên nhân gây mất ngủ, mẹo cải thiện chất lượng giấc ngủ; Nguy kịch sau khi uống 'nước chữa bách bệnh'...
Dấu hiệu phổ biến cảnh báo ung thư đại trực tràng ở người trẻ
Các nhà khoa học đang ghi nhận sự gia tăng số ca bệnh ung thư đại trực tràng ở những người trẻ tuổi. Nghiên cứu mới đây cho thấy dấu hiệu cảnh báo ung thư đại trực tràng ở người trẻ tuổi sẽ hơi khác so với nhóm trên 50 tuổi.
Nghiên cứu mới do các chuyên gia tại Bệnh viện Chang Gung Memorial của Đài Loan (Trung Quốc) thực hiện. Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu được thu thập từ khoảng 5.000 người mắc bệnh ung thư đại trực tràng.
Kết quả cho thấy những bệnh nhân trẻ mắc ung thư đại trực tràng có nguy cơ cao bị chảy máu trực tràng và thay đổi thói quen đại tiện hơn. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy trước khi được chẩn đoán bệnh, khoảng 60% người mắc ung thư đại trực tràng dưới 50 tuổi bị chảy máu trực tràng. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người trên 50 tuổi chỉ khoảng 30%.
Một điều khác nữa trong dấu hiệu cảnh báo bệnh là gần 60% thanh thiếu niên mắc ung thư đại trực tràng có biểu hiện thay đổi trong thói quen đi vệ sinh. Tỷ lệ này ở bệnh nhân lớn tuổi chỉ là 48%.
Ngoài ra, nhóm bệnh nhân trẻ có nhiều khả năng được phát hiện bệnh ở các giai đoạn sau hơn. Nguyên nhân là do người trẻ có xu hướng dễ phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo bệnh. Hai triệu chứng là chảy máu trực tràng và đau bụng cũng phổ biến hơn ở nhóm này. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 17.10.
Sau cơn đau tim, người bệnh cần làm gì để phục hồi sức khỏe?
Đau tim xảy ra khi lưu thông máu đến tim bị tắc nghẽn. Nguyên nhân chủ yếu là do cục máu đông hình thành trong động mạch vành, một trong những động mạch quan trọng giúp cung cấp máu đến tim. Nếu may mắn sống sót sau cơn đau tim, người bệnh sẽ bắt đầu quá trình phục hồi.
Khi cục máu đông làm gián đoạn lưu thông máu đến tim, cơ tim sẽ không nhận đủ nguồn cung máu giàu ô xy và dinh dưỡng. Hệ quả là các mô tim sẽ bị tổn thương, thậm chí chết dần.
Sau cơn đau tim, cơ thể bắt đầu bước vào giai đoạn hồi phục và sửa chữa các tổn thương. Do bị thiếu ô xy và dưỡng chất, cơ tim sẽ bị tổn thương mô, thậm chí hoại tử. Cơ chế tự chữa lành tự nhiên của cơ thể sẽ được kích hoạt. Khi đó, điều bệnh nhân cần làm là tạo những điều kiện thuận lợi nhất để cơ thể hồi phục hiệu quả.
Đây có thể là giai đoạn thực sự thử thách với người bệnh và gia đình. Hệ quả của cơn đau tim có thể làm suy giảm chức năng cơ thể, mang đến cho người bệnh những thử thách cả về thể chất và cảm xúc.
Để phục hồi tốt sau đau tim, người bệnh cần tuân thủ những điều sau:
Tuân thủ dùng thuốc. Tuân thủ một cách nghiêm ngặt lộ trình điều trị bằng thuốc của bác sĩ là rất quan trọng. Các loại thuốc này gồm thuốc chống đông máu tiểu cầu để ngăn ngừa cục máu đông, statin để hạ cholesterol, thuốc chẹn beta để giảm nhịp tim và huyết áp, thuốc ức chế men chuyển để cải thiện chức năng tim và một số loại thuốc khác.
Thay đổi chế độ ăn. Chế độ ăn uống lành mạnh rất cần thiết cho quá trình chữa lành cho tim, đồng thời giúp giảm nguy cơ biến chứng sau này. Chế độ ăn này cần ưu tiên ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc giàu protein, đồng thời hạn chế chất béo có hại, món nhiều muối và đường tinh luyện. Nội dung tiếp theo bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 17.10.
Bác sĩ chỉ ra nguyên nhân gây mất ngủ, mẹo cải thiện chất lượng giấc ngủ
Ngủ là cách giúp cơ thể tái tạo năng lượng, củng cố trí nhớ và tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, từ 40 tuổi trở đi, nhu cầu ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày thường giảm sút, nếu mất ngủ thường xuyên có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Theo thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Kiều Xuân Thy, Phó trưởng cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tình trạng mất ngủ là kết quả của nhiều yếu tố liên quan đến sức khỏe sinh lý và tâm lý. Ở những người cao tuổi và trung niên, sự sản xuất hormone melatonin - giúp điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ - bắt đầu giảm đi. Đồng thời, ở độ tuổi này cơ thể không còn cần nhiều thời gian để hồi phục như khi còn trẻ hoặc do thói quen trong sinh hoạt, nên thời lượng giấc ngủ cũng giảm dần.
Dưới góc độ y học cổ truyền, chức năng của các tạng như can và thận bắt đầu suy kém khi con người già đi. Can có chức năng điều hòa huyết, trong khi thận đóng vai trò chủ đạo trong quá trình sinh lý và duy trì tinh lực. Khi 2 chức năng của 2 tạng phủ này không còn ổn định như trước, cân bằng âm dương trong cơ thể bị rối loạn, từ đó ảnh hưởng tới giấc ngủ.
Ngoài ra, những yếu tố như căng thẳng từ công việc, gia đình và những vấn đề về sức khỏe cũng là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Mặc dù tình trạng mất ngủ thường xảy ra ở nhiều nhóm tuổi, thế nhưng từ trung niên trở đi, khả năng gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng là cao hơn hẳn so với ở người trẻ.
Nói về điều này, bác sĩ Kiều Xuân Thy cho biết thêm, ngủ không đủ giấc có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, thậm chí là nhồi máu cơ tim. Thêm nữa, việc thiếu cân bằng trong giấc ngủ sẽ làm rối loạn quá trình trao đổi, chuyển hóa các chất, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!
Bình luận (0)